Nhiều đại biểu Quốc hội ủng hộ thông qua '1 luật sửa 4 luật'

21/06/2024 - 20:23

Chiều 21-6, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Các tổ chức tín dụng

Phát biểu thảo luận, đại biểu Hà Sỹ Đồng (đoàn tỉnh Quảng Trị) cho biết từ thực tiễn điều hành ở địa phương, ông rất mong muốn các luật này sớm đi vào cuộc sống.

Đại biểu Hà Sỹ Đồng phát biểu. Ảnh: Phạm Thắng

Đại biểu Hà Sỹ Đồng phát biểu. Ảnh: Phạm Thắng

Theo đại biểu, một số luật hiện hành có sự chồng chéo, mâu thuẫn, cách hiểu, cách thực hiện còn nhiều bất cập. Nhiều cán bộ nhà nước vi phạm pháp luật, vướng vào vòng lao lý cũng có một phần của sự bất cập từ đó. Nhiều cán bộ né tránh, đùn đẩy sợ trách nhiệm cũng có lý do từ bất cập đó, nên các luật có hiệu lực sớm ngày nào thì tình trạng trên sẽ được cải thiện sớm ngày đó.

Đại biểu Hà Sỹ Đồng cũng đề nghị cần nhận diện, đánh giá đầy đủ ảnh hưởng, tác động từ việc một số quy định của Luật Đất đai có hiệu lực sớm hơn 5 tháng đến môi trường đầu tư kinh doanh, quyền và lợi ích chính đáng của người dân và doanh nghiệp, đặc biệt là phản ứng, tâm lý của xã hội. Trước khi thông qua luật, cơ quan soạn thảo nên gửi tới Quốc hội những vấn đề có thể phát sinh khi các luật trên có hiệu lực sớm, nếu có thì giải quyết thế nào, cơ quan nào chịu trách nhiệm giải quyết...

Đại biểu Nguyễn Quang Huân (đoàn tỉnh Bình Dương) cho hay hiện các doanh nghiệp bất động sản đang rất khó khăn, nếu có thể khơi thông lĩnh vực này sẽ tác động tốt tới nền kinh tế, tăng trưởng GDP 6 tháng cuối năm 2024.

Theo đại biểu, có những doanh nghiệp FDI muốn mở rộng sản xuất nhưng hiện phải dừng lại vì vướng luật. Các doanh nghiệp FDI có kế hoạch bố trí vốn, chỉ cần chậm trễ có thể dẫn tới tái cơ cấu, hoặc chuyển đổi khu vực đầu tư. Bởi vậy, việc ban hành luật càng sớm sẽ càng tốt.

Đại biểu Nguyễn Quang Huân đề nghị Chính phủ khẩn trương ban hành các nghị định hướng dẫn thi hành các luật này để các địa phương yên tâm; tổ chức tập huấn đồng loạt để hoàn thành hướng dẫn ở địa phương; Chính phủ cũng nên dự trù các rủi ro nảy sinh và cách ứng phó...

Đại biểu Vũ Tiến Lộc (đoàn TP Hà Nội) cũng tán thành việc thông qua dự án luật này. Vị đại biểu đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ trong việc bứt phá về thể chế khi trình dự án "1 luật sửa 4 luật", với quyết tâm thực thi sớm, nhận trách nhiệm về mình nếu có các vấn đề khó khăn, vướng mắc. Trong bối cảnh có tâm lý sợ sai, Chính phủ đã dũng cảm vượt lên nỗi lo ngại này. Tinh thần đó, theo đại biểu là rất cần được cổ vũ.

Bộ trưởng Bộ TN-MT Đặng Quốc Khánh làm rõ một số vấn đề đại biểu quan tâm. Ảnh: Phạm Thắng

Bộ trưởng Bộ TN-MT Đặng Quốc Khánh làm rõ một số vấn đề đại biểu quan tâm. Ảnh: Phạm Thắng

Phát biểu làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) Đặng Quốc Khánh cho biết đa số đại biểu đều đồng tình cao với hồ sơ Chính phủ trình và cũng rất mong muốn sớm có hiệu lực, đưa ra nhiều chính sách có lợi, giải quyết những tồn đọng ở các địa phương.

Theo Bộ trưởng TN-MT, hiện nay đa số các điều của Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản đã quy định cụ thể; có nhiều nội dung trước đây nằm trong thông tư, nghị định thì bây giờ đã cụ thể hóa trong luật nên rất nhiều nội dung thực hiện được ngay mà không cần phải văn bản hướng dẫn.

Song song với quá trình hoàn chỉnh, chỉnh lý các luật, chúng ta đã dự thảo các nghị định, văn bản hướng dẫn luật đi cùng. Các đại biểu cũng rất quan tâm đến các nghị định, quy định hướng dẫn của các địa phương. Thực tế, ngay từ khi Quốc hội bấm nút thông qua Luật Đất đai từ tháng 1-2024, Chính phủ và đặc biệt là Thủ tướng đã chỉ đạo các bộ ngành liên quan, cơ quan soạn thảo bắt tay vào việc hoàn chỉnh các nghị định và giải quyết các thông tư. Có nghĩa là tư khi Quốc hội bấm nút Luật Đất đai, cơ quan soạn thảo và các cơ quan đã làm các nghị định, thông tư theo quy định...

Theo VĂN DUẨN - HUY THANH (Người Lao Động)