Với những điểm mới trong chính sách bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, người lao động và người sử dụng lao động sẽ có nhiều quyền lợi hơn
Giảm mức đóng cho người sử dụng lao động
Bảo hiểm TNLĐ, bệnh nghề nghiệp là chính sách an sinh xã hội, nhằm bù đắp một phần tổn thất cho NLĐ và người sử dụng lao động. Với chính sách này, NLĐ bị tai nạn sẽ được chi trả thêm một khoản phí để có thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống.
Trước đây, các nội dung của bảo hiểm TNLĐ, bệnh nghề nghiệp nằm trong Luật BHXH. Tuy nhiên, các nội dung trong luật này chỉ thực hiện chế độ trợ cấp sau khi NLĐ đã điều trị ổn định thương tật, chưa có cơ chế tái đầu tư để ngăn ngừa. Để tăng cường khả năng phòng ngừa TNLĐ, bệnh nghề nghiệp, Luật An toàn vệ sinh lao động đã quy định về chế độ hỗ trợ phòng ngừa từ Quỹ Bảo hiểm TNLĐ, bệnh nghề nghiệp.
Theo đó, đối tượng hưởng chế độ TNLĐ, bệnh nghề nghiệp đã được mở rộng trên cơ sở phù hợp với đối tượng đóng BHXH, bao gồm: lao động làm việc theo thời vụ, lao động dưới 15 tuổi, lao động đã nghỉ hưu. Tuy nhiên, quá trình thực hiện còn một số khó khăn, vướng mắc, nhất là các thủ tục hành chính, quy định, quy trình xác định đối tượng được hưởng còn chung chung; cán bộ chuyên môn gặp khó khăn, dẫn đến việc giải quyết chế độ cho doanh nghiệp (DN) và NLĐ bị chậm.
Để giải quyết vướng mắc trên, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị định 58/2020/NĐ-CP, ngày 27-5-2020 quy định mức đóng BHXH bắt buộc vào Quỹ Bảo hiểm TNLĐ, bệnh nghề nghiệp. Theo đó, mức đóng bảo hiểm TNLĐ, bệnh nghề nghiệp bằng 0,5% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng BHXH. Mức đóng này được áp dụng đối với NLĐ là cán bộ, công chức, viên chức và người thuộc lực lượng vũ trang, đơn vị sự nghiệp công lập sử dụng ngân sách nhà nước. Mức đóng này giảm còn 0,3% đối với DN hoạt động trong các ngành, nghề có nguy cơ cao về TNLĐ, bệnh nghề nghiệp.
Tuy nhiên, các DN này phải đảm bảo một số quy định, như: Trong vòng 3 năm tính đến thời điểm đề xuất không bị xử phạt về hành vi vi phạm pháp luật an toàn vệ sinh lao động và BHXH; thực hiện báo cáo định kỳ TNLĐ và báo cáo về an toàn vệ sinh lao động chính xác, đầy đủ, đúng thời gian; tần suất TNLĐ năm liền kề trước năm đề xuất giảm 15% trở lên so với tần suất TNLĐ trung bình của 3 năm liền kề trước năm đề xuất hoặc không có TNLĐ tính từ 3 năm liền kề trước năm đề xuất.
Đặc biệt, ngày 1-7-2021, Chính phủ ban hành Nghị định 68/NQ-CP quy định giảm mức đóng TNLĐ, bệnh nghề nghiệp. Trong đó, người sử dụng lao động được áp dụng mức đóng bằng 0% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng BHXH vào Quỹ bảo hiểm TNLĐ, bệnh nghề nghiệp trong 12 tháng (thời gian từ ngày 1-7-2021 đến hết ngày 30-6-2022), bao gồm các DN thành lập mới sau ngày 1-7-2021. Toàn bộ số tiền DN được giảm dùng để hỗ trợ NLĐ phòng, chống dịch COVID-19.
Người lao động thụ hưởng nhiều hơn
Cũng theo quy định mới thì chế độ bảo hiểm TNLĐ, bệnh nghề nghiệp đối với NLĐ giao kết hợp đồng lao động với nhiều người sử dụng lao động bổ sung điều khoản: Chi hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp; khám, chữa bệnh nghề nghiệp; phục hồi chức năng lao động và huấn luyện an toàn vệ sinh lao động. Mức hưởng trợ cấp TNLĐ, bệnh nghề nghiệp hàng tháng hoặc 1 lần được quy định bao gồm 2 phần; một phần tính theo mức suy giảm khả năng lao động do TNLĐ, bệnh nghề nghiệp và dựa trên tiền lương tối thiểu chung; một phần tính theo thời gian đóng BHXH và tính trên mức tiền lương tháng đóng BHXH của NLĐ.
Theo đó, mức hưởng trợ cấp TNLĐ, bệnh nghề nghiệp 1 lần đối với NLĐ bị tổn thương cơ thể từ 5-30% được tính trên lương tháng liền kề trước khi bị TNLĐ, bệnh nghề nghiệp nhân với tỷ lệ tổn thương cơ thể và cộng với mức trợ cấp theo số năm tham gia BHXH. Đối với người hưởng trợ cấp TNLĐ hàng tháng, có tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% trở lên, mức hưởng được tính tương ứng theo tỷ lệ tổn thương cơ thể cộng với thời gian đã tham gia BHXH trên cơ sở mức lương tại tháng trước khi bị TNLĐ đã phần nào bù đắp cho NLĐ, giúp họ an tâm về cuộc sống.
Ngoài ra, NLĐ sẽ được hỗ trợ kinh phí đào tạo nghề để chuyển đổi công việc sau khi bị TNLĐ, bệnh nghề nghiệp khi có đủ những điều kiện: Suy giảm khả năng lao động, bệnh nghề nghiệp từ 31% trở lên; được người sử dụng lao động sắp xếp công việc mới phù hợp với sức khỏe, nguyện vọng của NLĐ nhưng công việc đó cần phải đào tạo nghề để chuyển đổi; đang tham gia bảo hiểm TNLĐ, bệnh nghề nghiệp theo quy định của pháp luật tại thời điểm bị TNLĐ, bệnh nghề nghiệp. Mức hỗ trợ tối đa là 50% mức học phí, nhưng không quá 15 lần mức lương cơ sở. Số lần hỗ trợ tối đa đối với mỗi NLĐ là 2 lần và trong 1 năm chỉ được nhận hỗ trợ 1 lần.
Với hành lang pháp lý ngày càng hoàn thiện, chính sách bảo hiểm TNLĐ, bệnh nghề nghiệp sẽ phát huy hiệu quả, bảo vệ sức khỏe, tính mạng NLĐ. Đồng thời hỗ trợ DN tiết kiệm chi phí, ổn định sản xuất - kinh doanh...
ĐỨC TOÀN