Nhiều giải pháp bảo vệ môi trường

30/10/2019 - 07:52

 - Để tăng cường công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường và đa dạng sinh học trên địa bàn tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đã tham mưu và tích cực triển khai các kế hoạch, chỉ đạo của UBND tỉnh, đồng thời thực hiện các hoạt động chuyên môn nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý.

Nhiều giải pháp bảo vệ môi trường

Thu gom rác thải từ thuốc bảo vệ thực vật làm sạch đồng ruộng và hệ sinh thái

Theo đó, ngành TN&MT tập trung công tác quan trắc hiện trạng môi trường, quan trắc xâm nhập mặn trên địa bàn tỉnh và kịp thời thông báo kết quả quan trắc đến các ngành, địa phương để phục vụ công tác quản lý. Kết quả quan trắc môi trường trên sông Tiền tại Cửa khẩu Vĩnh Xương, sông Bình Di giáp sông Hậu, ngã 3 rạch Cái Sắn giáp TP. Cần Thơ cho thấy, các thông số DO, TSS, COD, BOD5 và Coliform đều vượt quy chuẩn. Chất lượng môi trường không khí ít có sự biến động, chủ yếu ô nhiễm nhẹ bởi bụi và tiếng ồn, tập trung chủ yếu ở khu đô thị, khu vực giao thông, khu khai thác đá, lò gạch. Quan trắc xâm nhập mặn tại 8 điểm thuộc huyện Tri Tôn và Thoại Sơn (từ ngày 15-1 đến ngày 15-5), kết quả quan trắc cho thấy độ mặn dao động từ 0,08-0,34%o, trong đó khu vực huyện Tri Tôn cao hơn khu vực huyện Thoại Sơn và có tăng nhẹ so cùng kỳ năm trước (tăng 0,06%o so năm 2018), tuy nhiên theo bảng phân loại nước tự nhiên và ngưỡng chịu mặn thì độ mặn tại các điểm đo không ảnh hưởng đến chất lượng nước mặt.

Tập trung xây dựng và triển khai thực hiện các kế hoạch chuyên đề trong lĩnh vực bảo vệ môi trường và đa dạng sinh học, như: kế hoạch “Điều tra, đánh giá khu vực bị ô nhiễm POP-BVTV và các chất POP công nghiệp; các vật liệu, chất thải chứa POP-BDE, PFOS, PFOSF, HBB, HBCD, HCBD, PCP trên địa bàn tỉnh”; kế hoạch điều tra, đánh giá và cập nhật thông tin về loài động vật hoang dã, thực vật hoang dã thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ. Triển khai thực hiện chương trình “Nghiên cứu phát triển bền vững các vùng sinh thái trên địa bàn tỉnh trong điều kiện biến đổi khí hậu giai đoạn 2016-2020”; kế hoạch xây dựng báo cáo hiện trạng môi trường tỉnh An Giang giai đoạn 2016-2020.

Đặc biệt, triển khai kế hoạch thu gom vận chuyển và xử lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) sau sử dụng trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2019-2020. Theo đó, UBND tỉnh ban hành kế hoạch thu gom, vận chuyển và xử lý bao gói thuốc BVTV sau sử dụng trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2019-2020. Cụ thể, triển khai thu gom, vận chuyển và xử lý tại các vùng chuyên canh rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP; vùng chuyên canh xoài, cây ăn trái theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP; vùng sản xuất lúa theo tiêu chuẩn SRP và GAP. Tổng diện tích đất của 15 vùng chuyên canh là 4.355,5ha. Tổng khối lượng bao gói thuốc BVTV sau sử dụng phát sinh 4.375,24kg/năm (khối lượng bao gói thuốc BVTV sau sử dụng được tính trung bình đối với cây hàng năm là 0,9kg/ha/năm và cây lâu năm là 3,2kg/ha/năm). Đồng thời, tiếp tục duy trì thực hiện thu gom, vận chuyển và xử lý tại 10 xã đã triển khai theo Kế hoạch số 383/KH-UBND ngày 28-6-2018 của UBND tỉnh. Tổng diện tích đất trồng cây hàng năm và lâu năm của 10 xã (trong đó có 5 xã nông thôn mới (NTM) nâng cao giai đoạn 2019-2020) là 23.433,88ha. Tổng khối lượng bao gói thuốc BVTV sau sử dụng là 26.860,7kg/năm. 

Đồng thời, Sở TN&MT lập và đề nghị Sở Tài chính thẩm định nhiệm vụ và dự toán kế hoạch điều tra, đánh giá ô nhiễm đất trên địa bàn tỉnh; phương án thực hiện xử lý nước rỉ rác tồn đọng tại ô số 2, bãi rác kênh 10 TP. Châu Đốc. Phối hợp Viện Môi trường và Tài nguyên (đơn vị trúng thầu) tiếp tục triển khai thực hiện kế hoạch điều tra, đánh giá sơ bộ khu vực có khả năng bị nhiễm chất độc hóa học da cam/dioxin sử dụng trong chiến tranh ở An Giang.

Tiếp tục triển khai thực hiện thu gom, xử lý rác sinh hoạt trên địa bàn tỉnh. Tổng lượng rác thải sinh hoạt phát sinh toàn tỉnh khoảng 1.128 tấn/ngày, thu gom khoảng 743 tấn/ngày (đạt 65,9%) trên địa bàn 153/156 xã, phường, thị trấn. Trong đó, Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị An Giang thu gom, xử lý 715 tấn/ngày; các tổ tự quản thu gom của xã và 1 mô hình ủ phân compost thu gom khoảng 28 tấn/ngày. Lượng rác còn chủ yếu ở vùng sâu, cù lao được người dân tự xử lý tại hộ gia đình… ngoài ra, mở rộng 4 tuyến thu gom rác tại các huyện: Tịnh Biên, Châu Thành, Chợ Mới với tổng chiều dài 30km.

Từ đầu năm đến nay, đã tiến hành kiểm tra công tác quản lý chất thải nguy hại đối với 3/3 cơ sở, kiểm tra công tác bảo vệ môi trường đối với 55/77 cơ sở đã được phê duyệt thủ tục môi trường. Kết quả phát hiện một số tồn tại cần khắc phục, như: thu gom chưa triệt để, phòng chứa chất thải nguy hại chưa dán nhãn đúng theo quy định, chưa cung cấp được báo cáo quản lý chất thải nguy hại, chưa kê khai phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp (trong đó 11/55 cơ sở ngừng hoạt động, 4/55 cơ sở chưa liên hệ được chủ dự án, 3/55 cơ sở đề nghị lập lại thủ tục hành chính về môi trường, 1/55 cơ sở phối hợp Bộ TN&MT kiểm tra). Đến nay, đã thông báo kết quả cho 36/55 cơ sở.

Trong xây dựng NTM, tổ chức thẩm định mức độ đạt chỉ tiêu 17.2 và chỉ tiêu 17.5 năm 2019 đối với 5 xã (Nhơn Hưng - Tịnh Biên, Lương Phi - Tri Tôn, Châu Phong-TX. Tân Châu, Bình Thạnh Đông-Phú Tân, An Hòa - Châu Thành). Kết quả: cả 5 xã đạt 2/2 chỉ tiêu. Đồng thời, hoàn thành phúc tra chỉ tiêu 17.2 và chỉ tiêu 17.5 đối với 6 xã dự kiến đạt NTM đợt 2 năm 2019. Kết quả: 2/6 xã đạt 2/2 chỉ tiêu (Khánh Bình - An Phú, Ô Long Vỹ - Châu Phú); 3/6 xã đạt 1/2 chỉ tiêu (Phú Thạnh, Phú Hưng - Phú Tân, Kiến An - Chợ Mới); 1/6 xã không đạt cả 2 chỉ tiêu (Lương An Trà - Tri Tôn).

HỮU HUYNH