Nhiều hỗ trợ cho doanh nghiệp phục hồi

08/02/2022 - 06:11

 - Cử tri tỉnh An Giang phản ánh: “Sau thời gian dài chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19, doanh nghiệp (DN) kinh doanh lĩnh vực du lịch nói riêng và DN nói chung hầu như cạn kiệt nguồn vốn. Do đó, kiến nghị Chính phủ hỗ trợ vay vốn với lãi suất ưu đãi, đơn giản hóa hồ sơ xét duyệt, giúp DN có nguồn lực tài chính phục hồi kinh doanh. Đồng thời, tiếp tục hỗ trợ về thuế (thuế thu nhập DN, thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân) và tiền thuê đất đến năm 2022”. Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam đã trả lời nội dung này.

Hỗ trợ vay vốn

Trước tác động tiêu cực của dịch bệnh COVID-19, NHNN Việt Nam nhanh chóng, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất - kinh doanh, hỗ trợ DN thông qua giảm lãi suất, đơn giản hóa thủ tục, tạo điều kiện thuận lợi để DN (chịu thiệt hại bởi dịch COVID-19) tiếp cận nguồn vốn. Cụ thể: Giảm nhanh và mạnh các mức lãi suất điều hành (1,5-2%/năm) ngay trong năm 2020 (thuộc nhóm các ngân hàng Trung ương giảm lãi suất nhanh và mạnh nhất khu vực); giữ lãi suất điều hành ở mức thấp trong năm 2021 nhằm giảm chi phí tiếp cận vốn từ NHNN, tạo điều kiện cho tổ chức tín dụng giảm lãi suất cho vay.

Đồng thời, chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiết giảm tối đa chi phí, điều chỉnh kế hoạch kinh doanh, chỉ tiêu lợi nhuận để tập trung giảm lãi suất cho vay đối với dư nợ hiện hữu và các khoản cho vay mới. Ngân hàng thương mại có thị phần lớn cam kết tiếp tục giảm lãi suất cho vay trên tổng dư nợ hiện hữu, áp dụng từ 15-7-2021 đến hết năm 2021; 4 ngân hàng thương mại nhà nước tiếp tục cam kết dành 4.000 tỷ đồng giảm lãi suất cho vay, giảm 100% phí dịch vụ ngân hàng cho khách hàng tại các tỉnh, thành phố trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội. Mặt bằng lãi suất cho vay giảm khoảng 1%/năm trong năm 2020; 11 tháng đầu năm 2021 giảm thêm 0,81%/năm. Tổng số tiền lãi tổ chức tín dụng đã miễn, giảm cho khách hàng gần 34.900 tỷ đồng.

Ngân hàng đổi mới, cải cách mạnh mẽ thủ tục cấp tín dụng và dịch vụ ngân hàng, đơn giản hóa quy trình, thủ tục, rút ngắn thời gian thẩm định cho vay, nhưng vẫn đảm bảo an toàn vốn vay và phù hợp với quy định của pháp luật. Công bố trên trang tin điện tử về hồ sơ tín dụng, dịch vụ, lãi suất, phí dịch vụ; đa dạng chương trình, sản phẩm tín dụng phù hợp để hỗ trợ tích cực hơn đối tượng, ngành kinh tế; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ (như: Internet Banking, Mobile Banking...) trong giai đoạn dịch bệnh, hạn chế giao dịch trực tiếp, tạo điều kiện tăng cường tiếp cận tín dụng cho khách hàng…

Cắt bỏ nhiều loại phí cho vay, vận hành cổng thông tin kết nối khách hàng vay với nhiều tiện ích, kết nối qua website và ứng dụng điện thoại thông minh, hỗ trợ khách hàng vay dễ dàng tìm hiểu, lựa chọn gói tín dụng tại tổ chức tín dụng. Với phương châm chia sẻ khó khăn và đồng hành cùng người dân và DN bằng chính nguồn lực của ngành ngân hàng, các giải pháp được triển khai trong thời gian qua (đặc biệt là cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, giữ nguyên nhóm nợ) đạt được kết quả cụ thể, tích cực, giúp giảm áp lực cho DN trong trả nợ vay ngân hàng, tạo điều kiện tiếp tục vay mới khôi phục và ổn định sản xuất - kinh doanh.

Hỗ trợ về thuế

Kể từ khi xảy ra dịch bệnh COVID-19, Bộ Tài chính theo dõi sát diễn biến thực tế, thu thập, tổng hợp giải pháp được áp dụng tại nhiều quốc gia trên thế giới, trên cơ sở rà soát hệ thống pháp luật hiện hành để kịp thời triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ phù hợp. Bộ Tài chính trình cấp có thẩm quyền, ban hành theo thẩm quyền về gia hạn thời gian nộp các khoản thuế (như: Thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập DN, thuế thu nhập cá nhân, thuế tiêu thụ đặc biệt) và tiền thuê đất; miễn, giảm các khoản thuế (như: Thuế thu nhập DN, thuế thu nhập cá nhân, thuế nhập khẩu, thuế bảo vệ môi trường), phí, lệ phí và tiền thuê đất. Tổng giá trị hỗ trợ khoảng 129.000 tỷ đồng (năm 2021 khoảng 145.000 tỷ đồng).

Các giải pháp hỗ trợ về thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất nêu trên tác động tích cực, góp phần hỗ trợ DN, người dân vượt qua khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19, tiếp tục sản xuất - kinh doanh và đóng góp vào sự tăng trưởng chung của nền kinh tế. Trong thời gian tới, dự báo dịch bệnh COVID-19 vẫn có ảnh hưởng đến DN, người dân, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến và điều kiện thực tế; tổng kết, đánh giá hiệu quả các chính sách đã thực hiện, phối hợp chặt chẽ với Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng cơ quan liên quan, xây dựng và hoàn thiện giải pháp hỗ trợ về thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất phù hợp.

Về chính sách hỗ trợ tiền thuê đất

Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 22/2020/QĐ-TTg, ngày 10-8-2020 giảm 15% tiền thuê đất của năm 2020 đối với DN, tổ chức, đơn vị, hộ gia đình, cá nhân (đang được nhà nước cho thuê đất hàng năm) bị ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19; Quyết định 27/2021/QĐ-TTg, ngày 25-9-2021 về giảm 30% tiền thuê đất phải nộp của năm 2021 đối với DN, tổ chức, đơn vị, hộ gia đình, cá nhân (đang được nhà nước cho thuê đất hàng năm) bị ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19. Đối với kiến nghị tiếp tục hỗ trợ tiền thuê đất năm 2022, cần phải tổng hợp trong quá trình đánh giá tác động ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 đến các đối tượng liên quan, phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội và nguồn thu ngân sách nhà nước.

K.N