Thí sinh đạt điểm 10 môn Lịch sử
Em Hạnh Phúc cho biết, em yêu thích môn Lịch sử một phần do giáo viên giảng bài thu hút, bản thân em được truyền lửa rất nhiều qua những lời dạy, nhất là về lịch sử dân tộc.
“Ngoài thoát ly khỏi sách giáo khoa, lịch sử Việt Nam còn rất nhiều điều thú vị, nên em luôn chủ động tìm hiểu, nắm bắt kiến thức từ nhiều nguồn, như: tham khảo thêm sách, bài giảng của giáo viên trong cả nước, chú ý cách sử dụng từ ngữ theo vùng miền, cách lập luận của các đề thi để hiểu đề, mà không bị lạ lẫm...”, Phúc cho biết.
Em Nguyễn Phúc Hạnh Phúc
Theo quan điểm của Hạnh Phúc, vấn đề của nhiều bạn thường ngại học môn Sử là học thuộc bài. Nhưng với Hạnh Phúc không học nhiều, mà làm bài tập và giải quyết các câu trắc nghiệm mỗi ngày để dần nhớ kiến thức vững chắc và khắc ghi những tính chất nổi bật nhất trong mỗi sự kiện.
Hạnh Phúc đã sớm định hướng bản thân theo nguyện vọng Đông phương học, cụ thể ngành Trung Quốc học, nên rất xem trọng môn Lịch sử trong suốt thời gian học tập, ôn luyện.
Tại kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020, sau khi làm bài xong, Phúc cùng cô sửa đề và tự chấm thấy khá khớp, cầm chắc trên 9 điểm. Đến khi nhận đáp án của Bộ Giáo dục và Đào tạo, thì em thấy bài mình làm khớp kết quả hoàn toàn…
Gặp gỡ thí sinh đạt điểm 10 môn Văn
Dương Ngọc Trâm là 1 trong 2 thí sinh cả nước đạt điểm tuyệt đối môn Văn (điểm 10) trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 năm nay. Hai môn còn lại Trâm cũng đạt số điểm ấn tượng, lần lượt là Lịch sử 9,75 điểm và Anh văn 8,8 điểm.
Ngọc Trâm cho biết bản thân cũng bất ngờ khi đạt được số điểm tuyệt đối. “Em đã đầu tư cho cả 3 môn thi rất nhiều từ những ngày ôn tập. Khi rời phòng thi em tự cảm nhận mình hoàn thành bài làm “ổn” và sẽ đạt điểm cao chứ không nghĩ tới điểm 10”.
Nói về bí quyết học môn Văn, cô học trò tỏ ra rất hứng khởi. “Với Trâm, học Văn, cũng như các môn khác đều là sở thích chứ không đơn thuần là rèn luyện mỗi ngày vì nhiệm vụ học tập...”, Trâm nói.
Gia cảnh cô học trò khá khó khăn, căn nhà nhỏ ngụ ấp Trung Thạnh, thị trấn Phú Mỹ chỉ có kho sách là “tài sản” lớn nhất. Ba mẹ làm công nhân Xí nghiệp Môi trường đô thị huyện, thu nhập không cao, sinh hoạt đều tiết kiệm, nên Trâm chủ yếu tự học là chính.
Em Dương Ngọc Trâm và cô Nguyễn Thị Thùy Trang
Em cho biết rất mê đọc sách nên tìm nhiều cách để đọc, đặc biệt là tiểu thuyết, văn mẫu ở thư viện, các loại sách và truyện mượn từ bạn bè để photo lại và cả tìm kiếm trên mạng. Tiếp cận một bài viết hay, điều đầu tiên Trâm để ý là cách hành văn của tác giả rồi đến nội dung.
Để cảm nhận tốt hơn, em tự liên tưởng đến bản thân, những điều xung quanh cuộc sống của mình xem có gì quen thuộc, những điều viết ra có thật không? Nhờ cách chiêm nghiệm này, em học được cách hành văn và cảm nhận theo cách riêng. Ngoài ra mỗi tối Trâm còn dành hơn 1 tiếng đồng hồ để tập viết văn, theo trình tự kết cấu bài, cách lập luận, sắp xếp những luận cứ logic.
Với đề Văn tại kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020, Trâm cho hay đã đầu tư rất nhiều cho bài “Đất nước”, nên tiếp cận đề khá dễ dàng. Còn câu nghị luận xã hội 200 chữ, em đã liên liên hệ bối cảnh đất nước cùng đồng lòng chống dịch bệnh COVID-19 thời gian qua.
“Em thường theo dõi thời sự, mỗi ngày diễn biến trên thế giới và đất nước hình chữ S luôn đọng lại nhiều cảm xúc. Chính những nỗ lực của cả nước Việt Nam là cảm nhận thiết thực nhất em đưa vào cảm nhận bài thi, một đất nước nhỏ bé nhưng kiên cường, làm rất nhiều việc mà cả thế giới không làm được”.
3 năm học THPT, Ngọc Trâm luôn là học sinh giỏi môn Văn cấp tỉnh. Vượt qua kỳ thi, em hướng tới ngành quản trị ngân hàng khách sạn tại Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn. “Suốt những năm qua, với đồng lương công nhân khiêm tốn, nhưng ba mẹ luôn động viên và lo hết mình cho em và em trai được học tập. Gia đình không dư giả, bù lại tình thương và động lực luôn đong đầy, cổ vũ em phấn đấu và sẽ càng thêm cố gắng cho những ngày tới”.
Cô Nguyễn Thị Thùy Trang, giáo viên môn Văn dạy em Trâm lớp 12 nhận xét: Trâm là học sinh rất chịu khó, ngoan, trong quá trình học đầu tư bài làm có chiều sâu. Bản thân Trâm là học sinh giỏi cấp tỉnh, là nền tảng giúp em phát huy kỹ năng học và thi luôn có lợi thế để nội dung bài đạt chất lượng.
“Theo tôi đề Văn tại kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay không quá khó, nhưng cũng không dễ. Đáng chú ý ở chỗ tư tưởng của đề đặt ra cho học sinh, ngoài kiến thức các em sẽ cảm nhận được đề và đưa vào tâm tư, chính kiến của mình. Đó là sự khác biệt giữa học sinh bình thường và học sinh giỏi, mà em Trâm làm được…”, cô Trang, cho biết.
Bài, ảnh: MỸ HẠNH