Nhiều kỳ lạ ở truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du

03/11/2023 - 06:05

 - Sinh thời, nhà thơ tự hỏi “Bất tri tam bách dư niên hậu/ Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như?”(300 năm nữa thiên hạ có ai khóc Tố Như không?) Hậu thế trả lời: 300 năm, 500 năm hay cả nghìn năm sau nữa, người đời vẫn nhớ đến Nguyễn Du với những gì ông đóng góp cho dân tộc và để lại cho đời.

Tác phẩm “có một không hai”

Nhắc đến truyện Kiều là nói đến Nguyễn Du, dù tài sản văn học của ông đồ sộ, giá trị văn chương thuộc loại thượng thừa. Với 3.254 câu (22.778 chữ), truyện Kiều là tác phẩm độc đáo và kỳ diệu của văn chương, kết tinh của đỉnh cao văn hóa dân tộc Việt Nam. Cái hay, cái đẹp của thi phẩm được ẩn chứa trong thể lục bát, trở thành “quốc hồn, quốc túy”, có thể so sánh với bất kỳ kiệt tác văn học nào của thế giới.

Nhà thơ Lý Văn Phức (danh nhân nhà Nguyễn), tác giả của nhiều sách, thơ ca, bạn đồng liêu của Nguyễn Du, là người đầu tiên tập Kiều. Năm 1847, ông vâng mệnh vua Tự Đức làm liền 20 bài tập Kiều ứng với 20 hồi thơ, được người đương thời ca ngợi, thán phục. Sau đó, thể tập Kiều trở thành một thú chơi độc đáo, tao nhã, thu hút nhiều thi sĩ, văn nhân nổi tiếng: Bùi Viện, Phan Bội Châu, Nguyễn Thượng Hiền, Tản Đà, Đông Hồ, Nguyễn Bính, Hoàng Trung Thông... Bên cạnh vịnh Kiều, tập Kiều, lẫy Kiều xuất hiện nhiều nhà “Kiều học”, như: Phạm Đan Quế (viết khoảng 15 cuốn sách chuyên về Kiều), GS Nguyễn Quảng Tuân (nhà nghiên cứu truyện Kiều), PGS.TS Đào Thái Tôn (chuyên gia về “Kiều học”). Đặc biệt, năm 2011 thành lập Hội Kiều học Việt Nam và hội viên tính con số đến hàng trăm, hầu hết là nhà “Kiều học”.

Với người bình dân, truyện Kiều trở thành một phần của đời sống, là tiếng nói cửa miệng, thực hành trong: Ru con, lẫy thơ, bói toán, hát Kiều... Dù bản Nôm truyện Kiều dài 3.254 câu, có người biết nhiều, biết một vài câu, thậm chí không biết chữ nhưng họ vẫn thuộc lòng và điều này đi vào đời sống như những câu ca dao. Trên bình diện quốc tế, truyện Kiều được dịch ra khoảng 30 ngôn ngữ, trên 35 bản dịch, phổ biến tại Pháp, Mỹ, Nga... góp phần khẳng định vị thế của văn học Việt Nam. Chuyện cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton khi đến thăm nước ta trân trọng đọc câu “Sen tàn cúc lại nở hoa” là một minh chứng về sự trân quý đối với truyện Kiều và nền văn hóa Việt Nam.

“Người đời còn khóc Tố Như ”

Nguyễn Du tên chữ là Tố Như, tên hiệu là Thanh Hiên, sinh ngày 3/1/1765, tại phường Bích Câu - Thăng Long (TP. Hà Nội). Quê ông ở làng Tiên Điền, huyện Nghi Xuân (tỉnh Hà Tĩnh), gia đình ông có nhiều đời làm Thượng thư, Tể tướng dưới triều vua Lê, chúa Trịnh. Đây là gia đình có truyền thống văn chương và văn hóa nghệ thuật. Năm 1802, vua Gia Long lập nhà Nguyễn, triệu Nguyễn Du làm Tri huyện Phù Dung, 11 năm sau ông được thăng Cần chánh điện học sĩ và được cử làm Chánh sứ sang nhà Thanh. Đến năm 1820, vua Minh Mạng cử ông làm chánh sứ sang nhà Thanh báo tang vua cha và cầu phong nhưng chưa đi thì ông mất ngày 18/9/1820 vì bị dịch bệnh, thọ 54 tuổi.

Xuất thân trong một gia đình quý tộc, từ cơn lốc lịch sử đẩy ông vào đời sống tha hương, nghèo khó. Nhưng bi kịch lớn nhất của ông là khao khát một sự nghiệp lẫy lừng nhưng thực hiện không được, phải chấp nhận nhìn đời với thân phận giông tố và tác phẩm của ông dung chứa nhiều lớp nghĩa, trong đó truyện Kiều là đại diện. Chỉ cần nói đến truyện Kiều là đủ để nói Nguyễn Du - người đã đem lại một giá trị tinh thần tươi mới và đặc trưng cho văn chương Việt, ngôn ngữ Việt, bản sắc Việt, hồn Việt.

Biên bản ghi nhớ ngày 10/11/2004 của nhà “Kiều học” Phạm Đan Quế với Trung tâm sách Những kỷ lục Việt Nam về hợp tác và công bố những kỷ lục của truyện Kiều, ông đề xuất 5 kỷ lục thế giới, 7 kỷ lục trong nước. Đó là quyển sách duy nhất trên thế giới có hiện tượng chắp nhặt để thành nhiều bài thơ mới; thi phẩm dài có nhiều bản dịch nhất cùng một ngoại ngữ; thi phẩm có nhiều người viết về phần tiếp theo trên thế giới; cuốn sách duy nhất trên thế giới có thể đọc ngược từ cuối lên đầu; thi phẩm duy nhất trên thế giới tạo quanh nó hàng loạt loại hình văn hóa. 7 kỷ lục ở Việt Nam, gồm: Tác phẩm đã đưa nhà thơ lên hàng Danh nhân văn hóa thế giới; cuốn sách duy nhất không phải viết để bói mà người dân bói; quyển sách có hiện tượng vịnh Kiều với hàng ngàn bài thơ vịnh; bộ phim đầu tiên của Việt Nam (ra đời năm 1924) mang tên tác phẩm; thi phẩm có sách đề cập đến nhiều nhất với hàng trăm cuốn; quyển sách gây nhiều giai thoại nhất và cuốn sách được viết và đóng thành độc bản bằng chữ quốc ngữ nặng nhất Việt Nam (nặng 50kg, khổ giấy 1m x 1,6m). Đánh giá truyện Kiều, Hội đồng Liên minh Kỷ lục Thế giới xác nhận, thi phẩm được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam xác lập tới 26 kỷ lục, cũng là tác phẩm có kỷ lục quốc gia nhiều nhất. 

 Năm 1964, Hội đồng Hòa bình thế giới (WPC) tôn vinh thi hào Nguyễn Du là Danh nhân văn hóa thế giới và khuyến cáo nhân loại nên đi sâu tìm hiểu, chiêm ngưỡng tuyệt tác truyện Kiều. Ngày 25/10/2013, tại kỳ họp lần thứ 37 UNESCO họp ở Paris ban hành Nghị quyết 37C/15 phê chuẩn Quyết định 191EX/32 và 192EX/32 vinh danh thi hào Nguyễn Du cùng với 107 người là Danh nhân văn hóa thế giới năm 2015. Với truyện Kiều, Nguyễn Du đã trở thành tác giả 2 lần được vinh danh Danh nhân văn hóa thế giới - điều hiếm thấy nhưng hơn hết, ông góp phần quan trọng ghi dấu ấn văn học Việt Nam trên thi đàn quốc tế.

Còn người khóc Tố Như thì thời nào cũng có. Trước đây, nhà thơ Tố Hữu từng thốt lên: “Nhân tình, nhắm mắt chưa xong/ Biết ai hậu thế, khóc cùng Tố Như. Nghìn năm sau nhớ Nguyễn Du/ Tiếng thương như tiếng mẹ ru những ngày ”. Trước lúc từ giã cõi thế, nhà thơ Nguyễn Bính đã cảm thán: “Trăm năm trong cõi người ta/ Một thiên tuyệt bút, gọi là để sau. Lòng thơ lai láng bồi hồi/ Tưởng người nên lại thấy người về đây ”.

Sau ngày chiến tranh kết thúc, trong một lần đến thăm mộ Nguyễn Du, đại tá - nhà thơ quân đội, nhà Kiều học Vương Trọng đề mấy câu trước mộ danh nhân như nước mắt: “Tưởng là phận bạc Đạm Tiên/ Ngờ đâu cụ Nguyễn Tiên Điền nằm đây/ Ngẩng trời cao, cúi đất dày/ Cắn môi, tay nắm bàn tay của mình ”. Với bài thơ “Nguyễn Du ơi” tưởng nhớ đại thi hào, nhà thơ Nguyễn Lân Cẩn chỉ vừa mở đầu  bài, đã khóc: “Thời gian chớp mắt Người ơi/ Còn trăm năm nữa ai người khóc ông/ Cõi người ngờm ngợp mà trông/ Bao nhiêu nước mắt thành sông lâu rồi ”.

Và để khóc Tố Như, khóc thân phận nàng Kiều, nhà thơ Nghiêm Thị Hằng đau đáu: “Hai trăm năm, Tố Như ơi/ Nợ tình, nợ nghĩa, nợ đời cố nhân/ Đời Kiều có mấy mùa Xuân/ Để cho Từ Hải xả thân cứu nàng?”. Hơn hai trăm năm Tố Như qua đời, đã có biết bao người khóc ông. Ba trăm năm nữa hay sau này vẫn còn nhiều người khóc Tố Như, bởi đất trời này vẫn như xưa. Nhà thơ thốt lên rằng: “Tưởng là trời đất đổi thay/ Tố Như ơi, trái đất này... vẫn xưa/ Nỗi đau nói mấy cho vừa/ Ngó trông con tạo gió mưa dập vùi/Ba trăm năm nữa người ơi/ Vẫn còn người khóc cuộc đời Tố Như ”.

NGUYỄN RẠNG