Nhiều mô hình sản xuất hiệu quả vùng biên giới

30/07/2019 - 07:46

 - Thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp, nông dân thị trấn Tịnh Biên (Tịnh Biên) đã tích cực tiếp cận, triển khai các mô hình sản xuất mới. Trong đó nổi bật là mô hình sản xuất rau an toàn, nuôi trồng thủy sản và trồng lúa ứng dụng khoa học - kỹ thuật (KHKT)…

Nhiều mô hình sản xuất hiệu quả vùng biên giới

Nông dân thị trấn Tịnh Biên phát triển mô hình sản xuất rau an toàn

Những năm qua, nông dân thị trấn Tịnh Biên đã tích cực mở rộng đầu tư phát triển sản xuất, khai thác tiềm năng của địa phương, phát huy nội lực về vốn, lao động, kinh nghiệm, ứng dụng KHKT, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Theo Hội Nông dân thị trấn Tịnh Biên, địa phương hiện có hơn 680 hội viên tham gia sản xuất trên diện tích 935ha đất sản xuất nông nghiệp. Toàn thị trấn có 5 chi hội, 5 tổ hợp tác sản xuất, 1 hợp tác xã nông nghiệp, 1 câu lạc bộ nông dân giỏi. Đó là cơ sở, là nguồn lực để thị trấn biên giới này phát triển các mô hình sản xuất mới, đáp ứng nhu cầu thị trường.

Theo đó, Hội Nông dân thị trấn Tịnh Biên đã giới thiệu, hướng dẫn và hỗ trợ bà con nông dân trên địa bàn tiếp cận với các tiến bộ KHKT, công nghệ và ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất. Có thể kể đến mô hình của anh Trần Quốc Anh (khóm Xuân Hiệp) khi đã mạnh dạn chuyển đổi 1ha đất sản xuất của gia đình sang trồng rau màu theo hướng an toàn. Anh Quốc Anh cho biết: “Qua sự hỗ trợ của Hội Nông dân thị trấn, tôi được đi tham quan, học hỏi các lớp kỹ thuật trồng rau an toàn để áp dụng cho mô hình của mình. Qua thời gian thực hiện, tôi nhận thấy mô hình này mang lại hiệu quả tốt, tạo ra sản phẩm an toàn với chi phí đầu tư thấp, được thị trường ưa chuộng. Mỗi năm, tôi sản xuất 3 - 4 đợt và đưa ra thị trường trên 30 tấn rau màu các loại, với tổng doanh thu 240 triệu đồng, sau khi trừ chi phí đầu tư còn lãi khoảng 90 triệu đồng”.

Cũng theo anh Quốc Anh, sản xuất rau màu theo hướng an toàn sẽ giúp cây trồng tăng năng suất và bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng. Ngoài ra, còn giúp cây ít bị rụng hoa, trái non hoặc bị lây lan dịch bệnh nên vẫn có thể đảm bảo nguồn thu khá cho nông dân. Hiện nay, anh Quốc Anh đang tiếp tục học hỏi kỹ thuật sản xuất, phát triển mô hình để nâng cao năng suất và tăng thu nhập cho gia đình. Thị trấn Tịnh Biên hiện có 1 tổ hợp tác sản xuất rau an toàn với 10 thành viên tham gia trên diện tích sản xuất 5ha. Tổ hợp tác này cung cấp ra thị trường hàng trăm tấn rau an toàn mỗi năm, với lợi nhuận trên 340 triệu đồng/năm.

Trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, ông Lê Văn Cường (khóm Xuân Biên) đã thực hiện mô hình nuôi cá áp dụng kỹ thuật mới đạt hiệu quả cao. Ông Cường cho biết, nuôi cá theo cách truyền thống sẽ khó bán ra thị trường bởi cá lâu lớn và bị thất thoát nhiều, ảnh hưởng đến lợi nhuận của người nuôi. Được hướng dẫn các kỹ thuật nuôi cá theo hướng an toàn, áp dụng tiến bộ KHKT kết hợp với sự cần cù, chịu khó học hỏi kinh nghiệm, ông Cường đã mở rộng diện tích nuôi từ 2 lên 4 hầm (khoảng 12 công) với các loại: cá tra, cá trê, cá mè vinh, cá chép… Từ đó, mỗi năm ông cất cá 2 đợt với tổng doanh thu hơn 500 triệu đồng, trở thành một trong những nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi tiêu biểu của địa phương.

Vẫn gắn bó với cây lúa nhưng anh Đỗ Minh Nhựt (khóm Xuân Bình) đã tích cực áp dụng những tiến bộ KHKT, như: chương trình “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm”, các biện pháp phòng trừ sâu bệnh tổng hợp và sử dụng giống lúa nguyên chủng hoặc giống xác nhận trên diện tích 3ha đất sản xuất của mình. “Việc áp dụng các tiến bộ KHKT sẽ mang đến nhiều lợi ích cho nông dân, nhất là giảm chi phí sản xuất để nâng cao lợi nhuận. Hiện nay, năng suất lúa trên diện tích đất của tôi đạt khoảng 55 tấn/năm, với tổng nguồn thu đạt trên 260 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí, tôi còn lãi trên 105 triệu đồng/năm. Đây được xem là nguồn thu khá trong bối cảnh giá lúa trên thị trường liên tục biến động và chi phí vật tư nông nghiệp tăng qua từng vụ sản xuất” - anh Nhựt chia sẻ .

Với những nông dân dám nghĩ, dám làm như anh Quốc Anh, anh Nhựt hay ông Cường rất cần sự hỗ trợ, quan tâm hơn nữa của ngành chuyên môn và chính quyền địa phương. Từ đó, có thể nhân rộng, phát triển các mô hình sản xuất mới, tạo điều kiện nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống nông dân, cùng xây dựng thị trấn biên giới Tịnh Biên ngày càng phát triển.

THANH TIẾN