Nhiều mô hình tuyên truyền phòng, chống tội phạm hiệu quả trong đoàn viên công đoàn

27/03/2020 - 04:56

 - Những năm gần đây, đội ngũ công nhân, viên chức, lao động (CN,VC,LĐ) tỉnh An Giang có bước phát triển về số lượng, nâng cao chất lượng, đa dạng về cơ cấu, ngành nghề, giữ vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội. Bên cạnh đó, tình hình an ninh trật tự (ANTT); phòng, chống các loại tội phạm ở một số địa bàn tập trung đông công nhân, lao động luôn được Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh quan tâm chỉ đạo, góp phần giữ vững ANTT địa bàn.

Năm qua, LĐLĐ tỉnh đã phối hợp Phòng Xây dựng phong trào bảo vệ Tổ quốc (Công an tỉnh) thường xuyên đổi mới hình thức và chọn lọc nội dung tuyên truyền theo phương châm đúng đối tượng, ngắn gọn, súc tích, gắn với nhu cầu, sự quan tâm của người lao động… Qua đó, từng bước nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, khắc phục sự rập khuôn, nhàm chán, thu hút được sự chú ý, lắng nghe và ghi nhớ nội dung tuyên truyền của người lao động (NLĐ).

Theo đó, để thực hiện tốt công tác tuyên truyền, ngay từ đầu năm LĐLĐ tỉnh phối hợp Công an tỉnh xây dựng kế hoạch tuyên truyền gửi đến các cấp công đoàn, yêu cầu chủ động xây dựng kế hoạch, đăng ký thời gian tổ chức các lớp tuyên truyền pháp luật về phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội (TNXH) cho công nhân lao động tại các doanh nghiệp (DN).

Để công tác tuyên truyền đạt hiệu quả cao, LĐLĐ tỉnh cử cán bộ phụ trách đến tiếp xúc, khảo sát tìm hiểu về loại hình DN và đặc thù ngành nghề của NLĐ trước khi bắt đầu buổi tuyên truyền. Từ đó, báo cáo viên sẽ xây dựng nội dung tuyên truyền sát với tình hình hoạt động của DN, gắn liền với NLĐ; nội dung tuyên truyền phải có hình ảnh minh họa, video clip phóng sự về phòng, chống tội phạm, ma túy, “tín dụng đen”, TNXH…

Thông qua đó, báo cáo viên phân tích, trao đổi và giải thích giúp NLĐ dễ tiếp thu, dễ ghi nhớ. Đồng thời, báo cáo viên sẽ đặt câu hỏi gợi mở (có kèm quà tặng) dưới hình thức đối thoại, trao đổi về nội dung NLĐ đang quan tâm, hướng dẫn cách phòng, chống, nhận dạng các loại tội phạm.

Tuyên truyền phòng, chống tội phạm cho công nhân lao động tại tổ tự quản

Ngoài ra, trong từng buổi tuyên truyền, nếu được DN tạo điều kiện thêm thời gian, ban tổ chức buổi tuyên truyền còn ứng dụng chương trình gameshow hỏi đáp pháp luật có thưởng nhằm tạo không khí vui tươi, sinh động.

Đây là các yếu tố quan trọng thu hút NLĐ, đảm bảo được thời lượng và truyền tải các nội dung văn bản pháp luật cần tuyên truyền. Qua phối hợp cùng Công an tỉnh đã tổ chức được 24 buổi tuyên truyền trực tiếp tại cơ sở, với gần 4.000 công nhân, viên chức, NLĐ tham gia (trong đó có 20 lớp tuyên truyền tại DN và tổ tự quản nhà trọ công nhân, với hơn 3.200 người).

Bên cạnh công tác tuyên truyền, mô hình Tổ tự quản khu nhà trọ công nhân “Nói không với TNXH” đã được LĐLĐ tỉnh đề nghị LĐLĐ các huyện, thị xã, thành phố phối hợp chặt chẽ với chủ nhà trọ và chính quyền địa phương tiếp tục xây dựng, củng cố.

Thông qua đó, tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, phổ biến về phòng, chống tội phạm, tình hình ANTT dưới nhiều hình thức để công nhân lao động biết cách tự phòng chống, bảo vệ bản thân và gia đình. Không chỉ tuyên truyền, tại các tổ tự quản nhà trọ còn trang bị tủ sách pháp luật, tivi, báo chí… giúp công nhân lao động có thể tiếp cận kịp thời các chính sách về pháp luật, tình hình ANTT nhanh chóng.

Với những kết quả hoạt động, năm 2019 đã thành lập thêm 2 tổ tự quản nhà trọ tại Châu Thành và TP. Long Xuyên, nâng tổng số lên 20 tổ, với gần 1.100 công nhân lao động tập trung tại Châu Phú, Châu Thành và TP. Long Xuyên.

Theo LĐLĐ tỉnh, để các mặt công tác này ngày càng hiệu quả hơn thì cần có một số giải pháp, cụ thể: “Ban Chỉ đạo phong trào tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các DN trên địa bàn tỉnh thực hiện nghiêm Thông tư số 23 của Bộ Công an, tạo điều kiện về thời gian, địa điểm để phối hợp Công an tỉnh tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật; tổ chức tập huấn, bồi dưỡng chuyên sâu về kiến thức pháp luật, kiến thức xã hội và kỹ năng tuyên truyền miệng nhằm xây dựng đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật vững mạnh; tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành, DN từ tỉnh đến cấp cơ sở hàng năm quy định cán bộ, CNVC và NLĐ cam kết không vi phạm các TNXH nhằm nhắc nhở thường xuyên để mọi người không lơ là mất cảnh giác…”.

NGUYỄN HƯNG