Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Singapore. Ảnh: THX-TTXVN
Ngày 27-10, Bộ Y tế Singapore thông báo chính phủ nước này sẽ cho phép thêm một số khách du lịch lựa chọn không cách ly ở các địa điểm tập trung mà có thể thực hiện cách ly tại một địa điểm lưu trú phù hợp nếu đáp ứng được các tiêu chuẩn quy định.
Cụ thể, khách du lịch từ các nước Estonia, Fiji, Phần Lan, Nhật Bản, Na Uy, Hàn Quốc, Sri Lanka, Thái Lan và Thổ Nhĩ Kỳ đến Singapore từ ngày 4-11 và không tới các vùng và quốc gia khác trong vòng 14 ngày trước đó, sẽ được tự cách ly tại nơi lưu trú. Du khách có thể cách ly một mình hoặc cùng những người thân khác có cùng lịch sử di chuyển và thời gian cách ly. Danh sách các nước sẽ được Bộ Y tế Singapore cập nhật liên tục tùy vào tình hình dịch bệnh.
Cũng theo bộ trên, từ tháng 1-2021, tất cả các khách du lịch đến Singapore sẽ phải thanh toán chi phí cách ly tại các cơ sở tập trung và tự chi trả hóa đơn y tế nội trú nếu có triệu chứng nhiễm COVID-19 trong vòng 14 ngày kể từ khi nhập cảnh Singapore.
Cùng ngày, Indonesia đã công bố hệ thống đăng ký thị thực (visa) trực tuyến cho khách du lịch nước ngoài trong mùa dịch nhằm tránh tiếp xúc trực tiếp. Theo đó, khách du lịch sẽ chỉ cần nộp đơn xin cấp visa và điền thông tin cần thiết trên trang web www.visa-online.imigrasi.go.id và đợi phản hồi qua email.
Bộ Luật pháp và Nhân quyền Indonesia khẳng định hệ thống mới rất quan trọng, chuẩn bị cho tiến trình mở cửa cho khách du lịch nước ngoài đến Indonesia trong thời gian tới. Quy trình đăng ký visa mới này được cho là “nhanh hơn, đơn giản hơn và minh bạch hơn”, phù hợp với chính sách của chính phủ về khôi phục kinh tế thông qua đầu tư và phát triển du lịch giai đoạn hậu COVID-19.
Đến nay, Indonesia đã đạt được thỏa thuận về hành lang du lịch với một số quốc gia, gồm Trung Quốc, Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), cho phép tái kết nối và thực hiện các dự án bị tạm dừng do đại dịch COVID-19 trong khi vẫn tuân thủ các quy định y tế.
Trong khi đó, Cục Di trú Thái Lan cảnh báo người nước ngoài ở nước này không đăng ký gia hạn visa sau ngày 31-10 sẽ bị trục xuất. Cục này đã miễn thị thực cho người nước ngoài bị mắc kẹt ở Thái Lan do dịch bệnh COVID-19. Tuy nhiên, hiện Thái Lan đã dừng áp dụng chính sách này và những người đến đăng ký muộn sẽ bị phạt theo quy định pháp luật. Thông báo của Cục Di trú ghi rõ đơn đề nghị gia hạn visa có thể nộp tại các văn phòng nhập cảnh địa phương, với các điều khoản và điều kiện do Cục Di trú quy định.
Trưởng Đặc khu hành chính Hong Kong (Trung Quốc), bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam), ngày 27-10 cho biết từ tháng 11 tới, người dân của đặc khu này trở về từ Trung Quốc đại lục được miễn cách ly 14 ngày. Chính quyền đặc khu cũng sẽ cho thiết lập các trung tâm xét nghiệm cộng đồng dài hạn trên cả nước để tiện huy động khi phát hiện ổ dịch và để cung cấp dịch vụ xét nghiệm có tính phí cho các trường hợp cần kết quả xét nghiệm COVID-19 âm tính khi rời Hong Kong.
Ngoài ra, sau khi cân nhắc nguy cơ đối với sức khỏe cộng đồng và tình hình kinh tế, chính quyền đặc khu đã quyết định nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội. Theo đó, các nhà hàng sẽ được mở cửa đến 1h59' sáng, số lượng thực khách tại mỗi bàn được tăng 4 - 6 người, khách mỗi bàn ở các quán bar-pub nâng lên tối đa 4 người. Các hoạt động biểu diễn văn nghệ và khiêu vũ cũng được phép tổ chức tại các nhà hàng với các quy định phòng chống lây nhiễm. Công viên, bể bơi được tăng số lượng khách lên đến 75% sức chứa của cơ sở.
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Melbourne, Victoria, Australia. Ảnh: THX-TTXVN
Tại Australia, thành phố Melbourne thuộc bang Victoria, điểm nóng dịch COVID-19 ở nước này, đã bất đầu mở cửa trở lại sau hơn 3 tháng phong tỏa nghiêm ngặt để khống chế dịch bệnh. Các nhà hàng và quán cà phê ở thành phố 5 triệu dân này được mở cửa trở lại từ ngày 28-10, trong khi những quy định hạn chế tụ tập riêng tư được nới lỏng.
Thành phố Melbourne đã áp đặt các biện pháp phong tỏa từ đầu tháng 7 khi làn sóng dịch bệnh thứ hai bùng phát, dẫn đến trên 700 ca mắc mới mỗi ngày trong khoảng đầu tháng 8. Tới nay, Australia ghi nhận tổng cộng 27.500 ca mắc, ít hơn nhiều so với các nước phát triển khác.
Theo Báo Tin Tức