Nhiều sự kiện ra mắt sách mới, giao lưu với tác giả trong dịp cuối tuần

18/01/2024 - 14:31

Trong dịp cuối tuần này, bạn đọc có cơ hội đón nhận những tác phẩm mới cũng như giao lưu với tác giả qua các hoạt động của Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam, Nhã Nam và Omega Plus.

Tiểu thuyết "Hiến đăng sứ". (Ảnh: Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam".

Vào 9 giờ 30 phút sáng thứ bảy, 20/1, tại Hội sách “Dọn kho đón Tết Nhã Nam”, Học viện Thanh thiếu niên, số 3-5 Chùa Láng, Hà Nội, Nhã Nam giới thiệu cuốn sách "Người nói đạo lý thường sống khá giả".

Buổi tọa đàm có sự tham gia của tác giả Lê Bích, các khách mời gồm nhà văn Trang Hạ, biên tập viên Nguyễn Hoàng Diệu Thủy.

Tác giả Lê Bích nổi bật từ cuốn sách tranh hài hước dành cho người lớn “Đời về cơ bản là buồn cười” xuất bản năm 2015. Lê Bích trong cuốn sách là một nhân vật ảo với chiếc bụng phệ, rốn lồi với những câu phát ngôn nổi đình đám, thu hút sự chú ý và yêu thích của đông đảo độc giả trẻ.

Thông qua hình ảnh nhân vật Lê Bích bụng phệ vừa ngầu, vừa lầy, vừa cùn, những "chân lý" đương đại được phát biểu một cách sống động. Cuốn sách trở thành một hiện tượng của xuất bản thời điểm đó, được các bạn trẻ yêu thích và trích dẫn khắp nơi.

Cuốn “Người nói đạo lý thường sống khá giả”. (Ảnh: Nhã Nam)

Ở “Người nói đạo lý thường sống khá giả”, Lê Bích sử dụng các biểu tượng văn hóa phổ biến để qua đó chiếu một góc nhìn hài hước, giễu nhại, về một hiện tượng xã hội đương đại nổi bật: những người hay nói đạo lý, nhằm mang đến cho bạn những tiếng cười sảng khoái cùng những suy ngẫm đầy tinh thần phản biện.

Nhân dịp phát hành cuốn sách “Chính sách tiền tệ thế kỷ 21 - Chiến lược ứng phó của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ từ đại lạm phát đến nay”, được viết bởi Ben S. Bernanke - cựu Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED), Omega Plus tổ chức buổi tọa đàm với thông tin chi tiết như sau:

Các diễn giả tham gia tọa đàm ra mắt sách “Chính sách tiền tệ thế kỷ 21”.

Cũng trong ngày thứ bảy, từ 9 giờ đến 11 giờ tại tầng 2, tòa nhà Read Station, Huỳnh Thúc Kháng kéo dài, Đống Đa, Hà Nội, là buổi tọa đàm ra mắt sách “Chính sách tiền tệ thế kỷ 21” do Omega Plus tổ chức.

Cuộc tọa đàm có sự tham gia của dịch giả, TS Vũ Hoàng Linh - Chương trình liên kết Swinburne, Đại học FPT; TS Nguyễn Tú Anh - Vụ trưởng, Giám đốc Trung tâm Phân tích và dự báo Ban Kinh tế Trung ương, TS Phạm Sỹ Thành - Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế chiến lược Trung Quốc - CESS, với Founder & CEO Công ty cổ phần Techprofit Phan Linh giữ vai trò điều phối.

“Chính sách tiền tệ thế kỷ 21” là cuốn sách đầu tiên bàn về lịch sử chống lạm phát và khủng hoảng của FED (Cục Dự trữ Liên bang Mỹ) - cơ quan quản lý chính sách tiền tệ Mỹ của hiện tại và tương lai chủ yếu thông qua lăng kính lịch sử, nhằm giúp người đọc hiểu được FED đã làm thế nào để đạt được vị trí như ngày nay, học được gì từ những thách thức đa dạng phải đối mặt, và có thể phát triển như thế nào trong tương lai.

Sách do Ben S. Bernanke - người giữ chức Chủ tịch FED từ năm 2006 đến năm 2014 chấp bút, cho thấy cái nhìn tổng quan về quá trình hoạch định chính sách của FED trong 70 năm qua, cho thấy những thay đổi trong nền kinh tế đã thúc đẩy những đổi mới của FED như thế nào cũng như những thách thức mới mà FED phải đối mặt, bao gồm: lạm phát quay trở lại, tiền điện tử, rủi ro bất ổn tài chính gia tăng và các mối đe dọa đối với tính độc lập của tổ chức này.

Ngoài việc giải thích các công cụ hoạch định chính sách mới của hệ thống ngân hàng trung ương, cuốn sách còn kể về những khoảnh khắc kịch tính mà với đó, các quyết định của FED dưới triết lý của những người từng chèo lái tổ chức này - đã tạo nên nhiều tác động đáng kể.

Tác giả Ben S. Bernanke (sinh năm 1953) là nhà kinh tế học người Mỹ, Chủ tịch thứ 14 (2006-2014) của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ. Trước khi trở thành Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang, Bernanke là giáo sư chính thức tại Đại học Princeton, giữ chức Chủ nhiệm Khoa Kinh tế từ năm 1996 đến tháng 9/2002. Ông là đồng chủ nhân giải Nobel Kinh tế 2022 cùng với Douglas Diamond và Philip H. Dybvig “cho nghiên cứu về ngân hàng và khủng hoảng tài chính”. Ngoài “Chính sách tiền tệ thế kỷ 21”, cuốn The Courage to Act của ông cũng đã được dịch sang tiếng Việt với tiêu đề Dám hành động (Alpha Books, 2019).

Tối thứ sáu, 19/1, từ 18 giờ 45 phút đến 21 giờ 30 phút, Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam phối hợp Trung tâm Giao lưu văn hóa Nhật Bản tại Việt Nam tổ chức buổi giao lưu online với nhà văn Yoko Tawada “Giữa khôi hài, bi ai và triết luận thời khủng hoảng”.

Nhà văn Yoko Tawada sinh năm 1960 ở Nhật; sinh sống và sáng tác tại Đức, tác giả cuốn tiểu thuyết “Hiến đăng sứ” và “Mắt trần” đã được Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam ấn hành.

“Hiến đăng sứ”do hai dịch giả Nguyễn Thị Ái Tiên và Nguyễn Đỗ An Nhiên chuyển ngữ. Cuốn tiểu thuyết xuất bản lần đầu tại Nhật Bản năm 2014, thuộc thể loại viễn tưởng, phản địa đàng nhưng khi đọc lại có cảm tưởng như tác giả đang viết truyện hiện thực đang xảy ra ở nước Nhật.

Tác phẩm gồm 4 truyện ngắn và 1 vở kịch, đặt trong bối cảnh Nhật Bản trải qua một cơn thảm họa, khiến cuộc sống bị đảo lộn, hiện tượng đột biến diễn ra khắp nơi, và nước Nhật đóng cửa. Bản thân tên tác phẩm cũng có thể gây nhiều tò mò lẫn khó hiểu cho độc giả. “Hiến đăng sứ” có nghĩa là sứ giả, được tuyển chọn để thực hiện một sứ mệnh nào đó.

Tiểu thuyết gia Yoko Tawada sinh năm 1960 ở Nhật Bản; sinh sống và sáng tác tại Đức.

Cô sáng tác bằng tiếng Đức và tiếng Nhật, từng được trao nhiều giải thưởng như: giải Gunzo (dành cho những nhà văn mới phát hiện) với tác phẩm đầu tay “Chú rể chó” năm 1991 và giải thưởng danh giá Akutagawa vào năm 1993; năm 2003, cô được trao giải Tanizaki cho tác phẩm “Nghi phạm trên chuyến tàu đêm”; giải Sách Quốc gia Mỹ ở hạng Văn học dịch năm 2018 với “Hiến đăng sứ”…

Ở Đức, cô nhận giải Chamisso vào năm 1996; Huy chương Goethe vào năm 2005; giải văn học Kleist năm 2016; sau đó hai năm, cô nhận Huy chương Carl Zuckmayer vì những cống hiến cho ngôn ngữ Đức trong sáng tác…

Theo Nhân Dân