Vợ, chồng chú Ba Lê là 2 nhân chứng sống liên quan đến Polpot thảm sát tại Ba Chúc năm 1978. Nghề báo giúp tôi gặp họ, được nghe họ kể chuyện đau thương ngày cũ, được họ chia sẻ vui, buồn trong cuộc sống.
Chú Ba cung cấp cho tôi rất nhiều tư liệu quý về đợt thảm sát, về ngón nghề đờn ca tài tử, về cuộc đời, tình yêu của chú, về đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa và cả những phong tục tập quán của người đi trước.
Có thể nói, chú Ba là một nhân vật rất đặc biệt trong quá trình làm báo của tôi. 3 năm trước, tôi nhận được tin chú Ba mất sau cơn bạo bệnh ở tuổi 69, nghe lòng bàng hoàng không thôi.
Thím Ba năm nay 68 tuổi, bận bịu với đứa cháu ngoại 3,5 tháng, nụ cười luôn nở trên môi. Thím vẫn giữ được nét đẹp dịu dàng ngày nào, chỉ có điểm khác duy nhất là đôi mắt dần mờ đục.
Năm 2011, tôi nghe chú Ba kể chuyện cuộc đời, thím lụi hụi trong bếp, thi thoảng đi ra, đi vào mỉm cười. Giờ, một lần nữa, tôi được nghe lại câu chuyện ấy, nhưng do thím kể...
Để tránh thảm sát năm ấy, chú đưa vợ, 5 con cùng người cô ruột lên hang trên núi Tượng ẩn nấp. Có thể mọi người sẽ thoát nạn nếu không có chó săn.
Lần theo tiếng chó sủa, bọn Polpot xả súng vô tội vạ vào hang, cướp đi mạng sống của hàng chục người. Nghe im tiếng súng, chú Ba lách mình ra khỏi miệng hang, phát hiện bọn giặc vẫn còn ở ngoài nên nhanh chóng lao mình xuống hẻm đá. Bọn chúng quăng 2 quả lựu đạn nữa vào hang...
Ngày định mệnh ấy, chú đã đặt thi thể của từng người thân yêu nằm ngay ngắn trên bộ ván, rồi lấp miệng hang lại, kết thúc sứ mệnh lịch sử của nó và chôn vùi những nỗi đau khôn tả của mình. Rồi chú về sống cùng những người thân còn lại trong gia đình, nhưng không hẳn là “sống”.
Khi ấy, chú chao đảo ở tuổi 33, không biết bấu víu vào đâu để quên nỗi đau. Mỗi lần nhắm mắt lại là nghe tiếng vợ, con cười nói, mở mắt ra chỉ thấy thắt nghẹn trái tim. Chú dồn mọi tâm tư vào tiếng sáo tịch mịch, cô độc đến mức người xung quanh chẳng dám chạm vào.
Chú Ba Lê đàn cho phóng viên nghe cách đây 7 năm.
Thím Ba lúc ấy 27 tuổi, suýt đón nhận cái chết trong gang tấc. Thím cùng 40 người khác núp dưới bàn thờ Phật. Lựu đạn ném tới, 37 người lần lượt ngã xuống. Sau đó, thím líu ríu chạy nạn, không dám nghĩ đến việc mình sẽ sống.
Nằm giữa ngổn ngang thây người cả đêm, thím Ba bàng hoàng nhận ra mình may mắn đến mức nào! Chiến tranh qua đi, cuộc sống vẫn phải tiếp diễn. Trong một lần đưa người thân đến chỗ chú Ba khám bệnh, thím lần theo tiếng sáo thổi trên núi. Ánh trăng chiếu sáng rõ cảnh vật hoang tàn do Polpot đốt phá, chiếu rõ người đàn ông tài hoa mà bất hạnh. Duyên số thật thần kỳ. Người lớn ưng bụng, muốn đám trẻ kết duyên.
Vậy là năm sau, thím Ba về với chú Ba, vượt qua ngại ngùng của cô gái trẻ, vượt qua nỗi đau và khoảng cách với người đã từng có vợ con, cố gắng xóa bỏ bóng ma quá khứ. Ngày đám cưới, bàn ghế, chén đũa chẳng có, mọi thứ đều tang hoang. Cũng không sao. Họ lấy đệm thay ghế ngồi. Nhà nào còn mấy bộ chén, nồi, chảo cứ xách đến, hùn với nhau nấu ăn. Mấy anh bộ đội đánh nhịp, múa lâm-thôn sáng đêm. Vậy mà vui!
Nhưng chú Ba vẫn còn giữ thói quen lên núi thổi sáo. Một lần, thím Ba đi theo, buông lời: “Đừng thổi nữa anh ơi, về với em đi!”. Kể từ đó, chú nhận ra, mình đã có một gia đình mới cần phải trân trọng. Chú không lên núi thổi sáo nữa, dành trọn tình cảm cho người vợ hiền hậu, đảm đang.
Họ “từ từ rồi thương” - theo cách nói của thím. 4 đứa con lần lượt ra đời, đều do chú Ba một tay chăm sóc. Chú thương các con bằng tấm lòng của người cha bình thường, cộng với nỗi nhớ 5 đứa con đã mất. Chú thương thím bằng tất cả tình cảm của người chồng đã từng trải qua biến cố mất vợ.
Chú, thím sống với nhau rất ngọt ngào, chưa hề nói nặng nhẹ gì cho tới lúc về già. Đi đâu, chú, thím cũng cùng đi, chụp rất nhiều ảnh lưu niệm, nụ cười họ tròn trịa, ấm áp. Trước khi mất, chú hứa đưa thím đi cáp treo núi Cấm. Chỉ có lần đó chú không làm tròn lời hứa mà thôi...
Lại đến ngày lễ giỗ tập thể của người dân Ba Chúc bị Polpot thảm sát. Câu chuyện giữa chúng tôi chùn xuống khi thím Ba thở dài: “Chuyện xưa làm sao quên được? Tới ngày giỗ, tôi tổ chức cúng ở nhà, chứ ít ra chùa Tam Bửu. Mỗi lần ra lại thấy nhớ, tủi vô cùng”.
Rồi thím chợt hỏi: “Người mất chắc khỏe hơn người sống. Không biết chú Ba giờ đang ở đâu? Liệu khi thím trăm tuổi, có còn gặp chú? Hồi trước, chú hay bảo, một đời làm vợ, chồng, nhiều kiếp vẫn vậy. Phải không con?”. Tôi nương theo câu nói ấy, tin rằng một lúc nào đó, chú thím sẽ lại gặp nhau, sẽ viết tiếp câu chuyện đời như cổ tích.
Thím Ba vẫn sử dụng số điện thoại của chú, không muốn thay đổi. Các con vẫn có thói quen “thưa ba con đi, thưa ba con mới về” với ảnh chú trên bàn thờ. Họ vẫn đang sống trên phần đất do chú mua, trong những ký ức về chú. Đối với họ và chính tôi, chú Ba vẫn mãi tồn tại và được yêu thương, cũng như chú từng yêu thương và trân trọng cuộc đời này!
Bài, ảnh: KHÁNH HƯNG