Cần mẫn giữa nắng, mưa bất chợt
Những ngày qua, người đi đường có thể cảm nhận nắng nóng gay gắt ngay từ đầu buổi sáng. Càng về trưa, nhiệt độ tăng dần, cộng với hơi nóng phả ra từ mặt đường khiến không khí càng khó chịu. Đang chạy xe trên đường, bỗng có cuộc điện thoại, dừng xe nghe máy, tôi càng cảm nhận được cái nắng khắc nghiệt của thời tiết mùa hè. “mua giùm tôi tờ vé số đi cô!”- một bà cụ tóc bạc trắng, cầm xấp vé số mời. Rút 4 tờ vé số, đưa bà 50.000 đồng và nói: “Con gửi bà chút tiền mua nước uống ạ”. Tay run run đang cầm khăn lau mồ hôi, bà dừng lại bảo: “Cảm ơn con, nhưng con cứ lấy vé số cho đủ tiền đi, bà có mang nước trong giỏ”.
Dựng xe xuống hỏi chuyện, bà cho biết: “Tôi tên Ai, 68 tuổi, nhà ở xã Mỹ Hòa Hưng (TP. Long Xuyên). Tôi có 4 người con (3 gái, 1 trai) lớn hết rồi, đứa nào cũng có gia đình riêng. Tụi nó cũng khó khăn lắm, lại ở xa nên tôi ráng đi bán vé số kiếm tiền lo cơm, lo thuốc. Mỗi ngày tôi đi phà qua đây, lội lòng vòng bán. Mấy bữa nay nắng quá, đi ngoài đường, có lúc hơi nóng phà vào rát cả mặt. Dù đã đội nón lá rộng vành, đi sát lề để tránh nắng, người ướt đẫm mồ hôi nhưng vẫn phải trân mình đi bán”. Lấy tay phủi phủi, bà ngồi xuống thềm nhà, đếm đi, đếm lại xấp vé số, miệng móm xọm, mắt lem nhem nhìn tôi cười và nói: “Còn 22 tờ nữa. Già rồi, có mấy tờ vé số mà cứ đếm lộn tới, lộn lui. Cầu trời bán cho mau hết về nhà nghỉ ngơi. Nắng này bán cực quá. Nhiều khi mệt quá ngồi 1 chỗ, người đi đường thấy tội tấp vô mua ủng hộ. Con mình đứa nào cũng khổ, mình chẳng tiếp được gì, có sức khỏe đi bán để con cái nhẹ lo”.
Nắng buổi sáng, chiều lại xuất hiện mưa, thời tiết thất thường khiến những người mua, bán ngoài đường càng thêm cực. 16 giờ 45 phút, bày đồ chơi trẻ em xuống tấm bạt trải trên vỉa hè, chú Tài mời khách đi đường có chở trẻ em mua hàng, rồi quay sang nói: “Mới dọn ra, thấy trời chuyển đen thui là thấy rầu”. Vừa nói dứt câu, lộp bộp, lộp bộp, tiếng mưa rơi trên mái tole ngày một gần. Thế là chú nhanh tay gom gọn đống đồ chơi mới bày ra bỏ vào những bọc ny-lon đen. Đôi mắt đượm buồn, giọng chú Tài chùn xuống: “Buôn bán ở lề đường, vỉa hè cực vậy đó”.
Mong ước giản đơn
Dọn xong hàng, chú Tài ngồi bệt xuống đất, kéo lệch chiếc mũ ve chai đã cũ, chốc chốc lại nhìn lên trời nói: “Cầu cho gió mạnh mạnh, thổi mây đi hết, trống chân, đừng mưa lớn”. “Để con mua tiếp chú, sẵn “dụ” thằng nhóc đang khóc chờ tới lượt lấy thuốc”- tay cầm chú chó đồ chơi, một khách hàng chở con đi khám bệnh nói. “Tôi bán đồ chơi trẻ em hơn 8 năm rồi. Chiều chiều tôi đạp xe đến các trường mẫu giáo, tiểu học, chỗ bác sĩ nhi bày hàng ra bán. Mỗi món lời vài ngàn đồng, kiếm chút tiền lo miếng cơm, manh áo. Mấy hôm nay thời tiết thất thường, sáng nắng, chiều mưa, buôn bán cực quá. Có bữa chưa bán được món nào là trời mưa, lủi thủi gom hàng đạp xe về mà muốn rớt nước mắt. 60 mấy tuổi rồi, lại buôn bán ở lề đường nên phải chịu. Chỉ mong sao có sức khỏe để “cày” kiếm cơm”.
Chú Tài nhanh tay gom đồ chơi vào bọc để tránh mưa
17 giờ 30 phút, nhiều người đi đường khu vực công viên Hai Bà Trưng hướng mắt về người phụ nữ ngồi trên xe lăn, che khăn nửa mặt, mắt nhắm. Đứng quan sát từ xa, tôi thấy có người dừng lại xem, rồi đi, có người đứng lại hỏi thăm. Kéo khăn che mặt, chị cười cười, nói nói rồi xòe xấp vé số mời. Chạy đến mua vài tờ vé số, tôi hỏi: “Chị khỏe không?”. “Không có gì cô hai. Sáng nắng quá xá, chiều lại mưa, tôi bị sốt bại liệt năm 13 tuổi, người yếu sẵn nên trái gió, trở trời là muốn bệnh. Nãy mệt quá tôi chộp mắt tí cho khỏe để bán tới tối. Chút ghé ngang tiệm thuốc mua uống chặn cử chắc khỏe lại”- chị trả lời.
Chị giới thiệu tên Lê Thị Ngọc, ở trọ phường Mỹ Phước (TP. Long Xuyên), ba mẹ mất sớm, không có người thân, hàng ngày chị phải đẩy xe len lỏi khắp nơi từ 6 giờ sáng đến 11 giờ khuya mới về, có khi bán đắt thì được 200 vé. Gần đây nắng nóng, chị đậu xe một chỗ bán quanh khu vực công viên Hai Bà Trưng nên số lượng giảm, khoảng 100 - 150 tờ/ngày. Có lẽ vì bươn chải, mưu sinh từ nhỏ nên trông chị già hơn so với tuổi 38 của mình. Tay, chân lại khẳng khiu, co quắp, da sạm đen do rám nắng. “Hôm nay, cố gắng bán hết mớ vé số này về sớm, mai nghỉ 1 ngày. Tôi sợ bệnh lắm! Một thân một mình không ai lo. Bệnh là nghỉ bán, mà nghỉ bán thì không có tiền trả tiền trọ, tiền cơm, tiền điện, nước. Mong có sức khỏe, bán đắt để có tiền tự lo cho bản thân”.
Chị Lê Thị Ngọc mưu sinh cùng chiếc xe lăn
Gửi chị thêm ít tiền mua thuốc uống, chị cười toe toét, cảm ơn rối rít: “Nhiều người cũng giống cô hai vậy, thấy tôi ốm yếu, tật nguyền nên hay cho tôi thêm tiền. Nhiều khi ngẫm lại thấy mình thật may mắn, thiếu tình cảm gia đình nhưng được tình thương của nhiều người. Tôi bán gần đây, có dịp đi qua khu vực này nhớ ghé mua tiếp tôi nhe”. Nhìn cách họ buôn bán cũng đủ biết, những đồng tiền kiếm được trong hành trình rong ruổi bám đường mưu sinh vất vả, bấp bênh đến nhường nào. Mỗi người mỗi hoàn cảnh, tất cả cũng vì miếng cơm, manh áo. Đó cũng là động lực xoa dịu nỗi nhọc nhằn để họ cần mẫn tiếp tục bươn chải.
THU THẢO