Hoàng Kỳ(*)
Sự ra đời của Quân đội nhân dân Việt Nam là sự kiện lịch sử trọng đại của cách mạng Việt Nam. Lần đầu tiên trong lịch sử, giai cấp công nhân và Nhân dân ta có một Quân đội kiểu mới, do Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh tổ chức, giáo dục, rèn luyện và lãnh đạo; quân đội mang bản chất giai cấp công nhân, từ Nhân dân mà ra, vì Nhân dân mà chiến đấu, anh hùng, dũng cảm, sẵn sàng hy sinh vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, vì tự do, hạnh phúc của Nhân dân.
Quân đội nhân dân Việt Nam - quân đội anh hùng của dân tộc anh hùng
Ngay từ ngày đầu thành lập với 34 chiến sĩ, vũ khí chỉ là “gậy tầm vông, súng kíp, súng trường…”. Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân đã ra quân đánh thắng trận đầu Phai Khắt, Nà Ngần (ngày 25, 26/12/1944) - mở đầu cho truyền thống quyết chiến, quyết thắng của Quân đội nhân dân Việt Nam. Chiến công, tiếp bước chiến công, Quân đội nhân dân Việt Nam đã cùng quân dân cả nước đánh bại hai thế lực thực dân, đế quốc hung hãn nhất của thế kỷ XX giành lại nền độc lập dân tộc, thống nhất nước nhà. Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (1954) là một điển hình xuất sắc, là đỉnh cao của nghệ thuật quân sự Việt Nam trong kháng chiến chống thực dân Pháp, đồng thời cũng là minh chứng cho sự phát triển vượt bậc của quân đội ta sau 10 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành. Đại thắng mùa Xuân năm 1975 với Chiến dịch Hồ Chí Minh vĩ đại là dấu mốc trưởng thành vượt bậc của quân đội ta, góp phần quyết định kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, thu giang sơn về một mối.
Sau thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Quân đội nhân dân Việt Nam lại bước vào cuộc trường chinh mới, chiến đấu giành thắng lợi trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam, biên giới phía Bắc và làm nghĩa vụ quốc tế, giúp nhân dân Lào bảo vệ vững chắc thành quả cách mạng, giúp nhân dân Campuchia thoát khỏi nạn diệt chủng, thực hiện công cuộc hồi sinh dân tộc.
Giữ vững và phát huy truyền thống dựng nước, giữ nước của dân tộc ta và trước yêu cầu của nhiệm vụ xây dựng, bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; đồng thời thể theo nguyện vọng của quân và dân cả nước, ngày 17/10/1989, Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa VI) đã ban hành Chỉ thị số 381, quyết định lấy ngày 22/12 là Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam và cũng là Ngày hội Quốc phòng toàn dân. Từ đó đến nay, ngày 22/12 hàng năm đã trở thành ngày hội lớn, ngày hội biểu dương sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, thể hiện tình quân - dân cùng một ý chí trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; tôn vinh hình ảnh cao đẹp của Bộ đội Cụ Hồ, một giá trị độc đáo của văn hóa dân tộc trong thời đại mới.
Suốt 35 năm qua, ý thức, trách nhiệm xây dựng, bảo vệ Tổ quốc của cả hệ thống chính trị, của toàn dân và sức mạnh tổng hợp của nền quốc phòng toàn dân không ngừng nâng cao; thế trận quốc phòng toàn dân gắn chặt với thế trận an ninh nhân dân, thế trận lòng dân được xây dựng ngày càng vững chắc. Lịch sử dựng nước và giữ nước đã khẳng định khối đại đoàn kết toàn dân tộc là sức mạnh to lớn, là yếu tố đặc biệt quan trọng để giành chiến thắng, đánh bại mọi kẻ thù xâm lược. Bác Hồ kính yêu đã khẳng định: “Nhờ đại đoàn kết mà Nhân dân Việt Nam đã đánh thắng chủ nghĩa thực dân, làm Cách mạng Tháng Tám thành công và đã kháng chiến thắng lợi...”.
Bước vào thời kỳ đổi mới, Quân đội nhân dân Việt Nam tích cực tham mưu với Đảng, Nhà nước triển khai đường lối, nhiệm vụ quốc phòng, xây dựng quân đội; thực hiện xuất sắc chức năng “đội quân chiến đấu, đội quân công tác, đội quân lao động sản xuất”, đây là chức năng làm nên bản chất truyền thống riêng của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng; giúp người dân xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, phòng tránh, khắc phục hậu quả thiên tai… đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong mỗi giai đoạn cách mạng.
Lực lượng vũ trang tỉnh An Giang xây dựng và trưởng thành
Là một bộ phận của Quân đội nhân dân Việt Nam - Lực lượng vũ trang tỉnh An Giang ra đời từ cao trào cách mạng Tháng Tám năm 1945. Tiền thân là đội “Cộng hòa vệ binh”, gồm 05 trung đội, được thành lập ngày 26/8/1945, tại Thành PC Châu Đốc (nay là cơ quan Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng An Giang). Thời gian đầu mới thành lập, tuy nhỏ lẻ, trang bị thô sơ nhưng lực lượng vũ trang tỉnh An Giang đã lập nên nhiều chiến thắng lịch sử, như trận Chân Đùng - Cái Hố (tháng 7/1947), trận đánh tàu trên sông Sở Thượng (tháng 4/1949), trận cầu sắt Vĩnh Thông (tháng 6/1949), chiến dịch Long Châu Hà I (năm 1950), chiến dịch Long Châu Hà II (năm 1951)… góp phần cùng cả nước đánh thắng thực dân Pháp xâm lược.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, An Giang là địa bàn có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về cả quân sự và chính trị. Thời kỳ này, lực lượng vũ trang tỉnh vừa chiến đấu trên chiến trường trong tỉnh, bảo vệ các vùng căn cứ, giữ vững tuyến hành lang biên giới, vừa làm nghĩa vụ quốc tế giúp bạn trên chiến trường Campuchia… Với chiến thắng lịch sử Tức Dụp 128 ngày đêm (từ ngày 7/11/1968 đến 23/2/1969), lực lượng vũ trang và Nhân dân An Giang đã dũng cảm đương đầu với lực lượng quân địch đông gấp hơn 400 lần, chịu hàng ngàn tấn bom pháo dội xuống đồi - Chiến thắng Tức Dụp là nỗi kinh hoàng của “Lầu năm góc” và nhiều tướng, tá Mỹ - ngụy tay sai.
Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, Quân và Dân tỉnh An Giang cùng cả nước bắt tay vào công cuộc xây dựng, khôi phục sản xuất. Thế nhưng, phía bên kia biên giới, tập đoàn phản động Pol Pot-Ieng Sary lại đẩy mạnh gây hấn, nhiều lần xâm lấn lãnh thổ nước ta, buộc quân, dân An Giang phải tiếp tục cầm súng chiến đấu bảo vệ quê hương, đất nước… đồng thời, giúp người dân Campuchia thoát khỏi chế độ diệt chủng Pol Pot.
Trải qua hai cuộc kháng chiến chống ngoại xâm giành độc lập dân tộc, chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế giúp nhân dân Campuchia thoát khỏi nạn diệt chủng. Lực lượng vũ trang tỉnh An Giang đã vượt qua muôn vàn khó khăn, gian khổ, kiên cường, bám trụ, vừa chiến đấu vừa xây dựng lực lượng, góp phần vào thắng lợi trong công cuộc kháng chiến giải phóng và bảo vệ thành quả đất nước, xây đắp nên truyền thống vẻ vang, được Đảng ủy - Bộ Tư lệnh Quân khu 9 khen tặng 8 chữ vàng “Chiến đấu anh hùng, xây dựng sáng tạo”.
Nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới
Những năm tới, tình hình thế giới và khu vực có những diễn biến phức tạp, khó lường; ở trong nước, các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị tăng cường hoạt động “diễn biến hòa bình”, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, “phi chính trị hóa” với thủ đoạn ngày càng tinh vi, nhất là trong thời điểm chuẩn bị và tổ chức Đại hội Đảng các cấp. Đây là những thách thức đối với nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới, đòi hỏi lực lượng vũ trang của tỉnh thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm, như sau:
Thứ nhất, lực lượng vũ trang tỉnh cần tiếp tục quán triệt sâu sắc, nắm vững quan điểm, đường lối của Đảng về nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, đặc biệt là Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XIII) về chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, Nghị quyết số 28-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng khu vực phòng thủ; khẳng định sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng với lực lượng vũ trang nhân dân và sự nghiệp quốc phòng - an ninh; nâng cao chất lượng đào tạo, huấn luyện, diễn tập, sẵn sàng hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được Đảng và Nhân dân giao.
Thứ hai, tiếp tục làm tốt công tác xây dựng Đảng; lãnh, chỉ đạo tổ chức thực hiện nghiêm, hiệu quả kết luận Hội nghị Trung ương 4 (khóa XIII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn với đẩy mạnh học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, tấm gương đạo đức Chủ tịch Tôn Đức Thắng và cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ” thời kỳ mới. Xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, chiến sĩ có bản lĩnh chính trị vững vàng, không dao động trước những khó khăn, thách thức, có phẩm chất đạo đức, lối sống trong sạch, lành mạnh, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.
Thứ ba, tăng cường tuyên truyền trong hệ thống chính trị và trong Nhân dân về nhận thức, ý thức của nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc là nhiệm vụ chung của toàn xã hội, trong đó lực lượng vũ trang là nòng cốt.
Thứ tư, nâng cao chất lượng công tác giáo dục quốc phòng - an ninh, huấn luyện, diễn tập và khả năng sẵn sàng chiến đấu của lực lượng vũ trang; ứng phó hiệu quả với các thách thức an ninh phi truyền thống; tích cực tham gia phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới; thực hiện tốt chính sách đối với quân đội và hậu phương quân đội, xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc.
Lịch sử 80 năm, Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam đã khắc ghi những dấu son thực hiện trọn vẹn lời dạy của Bác Hồ trong hành trình trưởng thành, chiến đấu hy sinh bảo vệ sự trường tồn của đất nước, dân tộc, điều đó đã tạo ra khí thế mới, sức mạnh mới để quân đội cùng dân tộc xây dựng một kỷ nguyên mới của dân tộc. Phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” theo lời Bác “Quân đội ta trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội. Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”, viết tiếp truyền thống “Chiến đấu anh hùng - Xây dựng sáng tạo”, lực lượng vũ trang tỉnh An Giang sẽ tiếp tục chung tay, góp sức vào các lĩnh vực hoạt động của địa phương; xây dựng khối đoàn kết toàn dân, tích cực đấu tranh với các quan điểm sai trái, tạo sự đồng thuận trong nhận thức và hành động của các tầng lớp nhân dân đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
(*) TS Lê Hồng Quang
Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy An Giang, Bí thư Đảng uỷ Quân sự tỉnh