Những ngày gần đây, thời tiết diễn biến phức tạp, lúc thì trời nắng hanh như đổ lửa, lúc thì mưa lớn đột ngột. Đây là lúc những người lao động mưu sinh ngoài trời thêm phần vất vả. Đa phần công việc họ làm chủ yếu là phụ hồ, bán hàng, nhân viên phục vụ, giúp việc gia đình… nên phụ thuộc rất nhiều vào tình hình thời tiết. Vì cuộc sống nên dù phải đối mặt các nguy cơ về sức khỏe, nhưng họ vẫn phải tìm cách thích ứng để tiếp tục mưu sinh với “cái nghề” của mình.
Hơn 10 năm gắn với nghề thu mua phế liệu, chị Hồ Thị Hoa (ngụ xã Vĩnh Thành, huyện Châu Thành, An Giang) đã quen với cảnh thời tiết đỏng đảnh “sớm nắng, chiều mưa”. Khi bước vào thời điểm tháng 4, bình nước, áo mưa, tấm cao su lớn… là những hành trang không thể thiếu cho một ngày lao động của chị Hoa.
“Mấy hôm nay, mưa, nắng diễn biến thất thường nên công việc của tôi vất vả hơn so với trước. Để không bị giảm nguồn thu nhập, tôi phải đi làm sớm hơn và về muộn hơn so với mọi ngày. Biết rằng tình hình thời tiết này sẽ gặp nhiều khó khăn, nhưng vì phải mưu sinh lo toan cho cuộc sống nên đành chấp nhận, chứ biết sao bây giờ. Hy vọng vài hôm nữa thời tiết ổn định hơn, đỡ vất vả hơn” - chị Hoa tâm sự.
.jpg)
Trời nắng hầm hập, bà Nguyễn Thị Lệ Thu (ngụ xã Bình Mỹ, huyện Châu Phú) dừng chiếc xe đạp tìm chỗ mát ven đường nghỉ ngơi một chút để lấy lại sức, rồi tranh thủ đi bán tiếp. Hơn 5 năm bán vé số, quen với cuộc sống “nay đây, mai đó” ngoài đường nhưng vẫn không chịu nổi thời tiết như hiện nay. Bà Thu chia sẻ: “Đi ngoài trời nắng nên mồ hôi chảy xuống cay mắt dữ lắm, tôi đem theo bình nước để uống. Khi nào mệt, tôi tìm kiếm chỗ mát nghỉ ngơi một chút cho đỡ mệt rồi đi bán tiếp”.
Thời tiết xấu nên thu nhập từ việc bán vé số của bà bị ảnh hưởng. Nếu thường ngày, bà bán từ 120 -150 tờ vé số, nay chỉ dám lãnh từ 80-100 tờ vé số để bán. “Thời tiết dịch bệnh làm người ta ngại mua vé số, người nghèo như tôi khổ lại càng thêm khổ. Thôi thì mình cứ ráng chứ biết làm sao giờ, không làm lấy tiền đâu mà đắp đổi cuộc sống hàng ngày” - bà Thu tâm sự.
Làm bảo vệ cho quán cà phê đường Tôn Đức Thắng (phường Mỹ Bình, TP. Long Xuyên), ông Lê Văn Hoàng cho biết, nhờ bóng mát từ hàng cây xanh ven đường mà ông tránh được phần nào nắng nóng, khi trời đổ mưa thì vô trong quán vẫn có thể coi xe được. “Tôi còn đỡ, chứ mấy anh em chạy xe lôi giao hàng tội lắm. Phải chở hàng nặng dưới cái nắng gần 40oC, có khi phải dầm mưa nữa, dễ bị bệnh. Nếu là tôi không chịu nổi” - ông Hoàng bộc bạch.
.jpg)
Ngồi cạnh bên ông Hoàng, ông Võ Văn Tân (ngụ phường Mỹ Hòa, TP. Long Xuyên, có “thâm niên” chạy xe lôi đạp gần 20 năm ở khu vực chợ Long Xuyên) chia sẻ: “Có việc làm là vui rồi. Mình là dân lao động, vất vả mấy cũng ráng được, cố gắng kiếm tiền để chăm lo cho gia đình. Trời đang nắng, tôi phải tranh thủ giao hàng cho khách, ráng làm thêm cuốc nữa rồi về nghỉ, sẵn tiện mua đồ ăn cho cháu nội…”.
Những ngày này, ai cũng ngại ra đường, nhưng tại các công trình xây dựng, công nhân lao động cặm cụi làm việc bất chấp thời tiết khắc nghiệt. Anh Nguyễn Văn Hiền (ngụ xã Vĩnh Trạch, huyện Thoại Sơn) lấy tay quệt mồ hôi ướt đẫm trên trán trong lúc nghỉ mệt. Anh Hiền kể, 2 vợ chồng đều làm phụ hồ để nuôi con trai đi học, nên dù trời có nắng hay mưa vẫn phải làm việc. Với anh, thời điểm dịch bệnh COVID-19 mà có được công việc ổn định là điều may mắn.
Anh Hiền cho biết: “Trời nắng dù cực một chút nhưng vẫn còn làm được, chứ trời mưa thì khổ lắm. Còn mà lúc nắng, lúc mưa càng khổ hơn, làm không chạy việc, thu nhập bị ảnh hưởng. Biết là vất vả nhưng vẫn phải cố gắng, thời buổi này có việc làm ổn định là mừng lắm rồi” - anh Hiền chia sẻ.
.jpg)
Thời buổi hiện tại, tình hình kinh tế khó khăn, do dịch bệnh COVID-19, nhu cầu tìm kiếm việc làm của nhiều lao động càng ngày cao. Trong khi đó, tình hình thời tiết đang có những diễn biến phức tạp, ảnh hưởng rất lớn đến đời sống, công việc của người lao động. Vì thế, dẫu có dãi nắng hay dầm mưa, họ vẫn phải cố gắng làm việc, phải mưu sinh để lo toan cho cuộc sống…
TRUNG HIẾU