Điện thoại "cục gạch" sẽ không còn tác dụng khi tắt sóng 2G.
Công nghệ sóng 2G đã xuất hiện tại Việt Nam khi có mạng viễn thông từ những năm 1990. Đến nay, trước sự bùng nổ của Internet, điện thoại thông minh và các dịch vụ kinh tế số, mạng 2G bộc lộ rõ những hạn chế. Một số quốc gia trong khu vực như Singapore, Thái Lan, Malaysia cũng đều đã hoặc đang trong tiến trình loại bỏ công nghệ 2G.
Khi tắt sóng 2G, những chiếc điện thoại cơ bản hay còn gọi là "cục gạch" sẽ ngừng hoạt động và không thể thực hiện các tác vụ cơ bản như nghe, gọi, nhắn tin.
Theo chuyên gia về công nghệ, sẽ có hai đối tượng người dùng bị ảnh hưởng khi tắt sóng 2G là đối tượng những người có thu nhập thấp, nhất là người dân ở vùng quê, vùng sâu, vùng xa khi giá smartphone còn cao.
Đối tượng thứ hai là chưa được phép hoặc chưa thích ứng với công nghệ mới. Cụ thể là học sinh do bố mẹ và nhà trường không cho phép dùng smartphone. Hoặc người già không đủ khả năng dùng smartphone.
Để đón đầu xu hướng này, một số hãng điện thoại đang đưa ra các mẫu máy hỗ trợ mạng 3G,4G, thậm chí là kế hoạch đưa ra smartphone giá rẻ có tích hợp công nghệ 5G.
Trong đề án của Cục Viễn thông cũng đề xuất khi tắt sóng 2G sẽ có đề án hỗ trợ chuyển đổi thiết bị đầu cuối 2G cho người dân khi tắt sóng. Hiện tổng số thuê bao điện thoại di động đạt hơn 125 triệu, trong đó thuê bao di động băng rộng (3G, 4G) đạt hơn 61,3 triệu thuê bao, chiếm hơn 48 %; số còn lại hiện vẫn dùng công nghệ 2G.
Theo Báo Tin Tức