Những biện pháp nào được triển khai để đảm bảo an toàn tiêm chủng cho trẻ?

18/04/2022 - 19:12

Bộ Y tế đã tập huấn cho cán bộ y tế về xử trí các phản ứng nặng sau tiêm chủng cho trẻ, hướng dẫn tổ chức buổi tiêm, hướng dẫn cha mẹ theo dõi sức khoẻ của trẻ.

Tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ 5- dưới 12 tuổi tại Hà Nội.

Chiến dịch tiêm chủng vaccine COVID-19 cho trẻ em từ 5- dưới 12 tuổi đã bắt đầu triển khai trên cả nước, nhằm đảm bảo mục tiêu sớm đạt được độ bao phủ tiêm chủng vaccine COVID-19 cho các nhóm lứa tuổi.

Về việc đảm bảo an toàn trong tiêm chủng cho trẻ, PGS.TS Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Trưởng Văn phòng Tiêm chủng mở rộng Quốc gia cho biết: “Theo kinh nghiệm của các cán bộ thực hiện công tác tiêm chủng mở rộng trong suốt năm 2021 đến nay, đặc biệt là với việc triển khai thành công chiến dịch tiêm chủng cho nhóm trẻ từ 12- 17 tuổi, chúng tôi đã có nhiều bài học kinh nghiệm để xử trí các tình huống, đảm bảo triển khai tốt chiến dịch lần này. Cụ thể, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, Chương trình Tiêm chủng mở rộng thực hiện chỉ đạo của Bộ Y tế đã tổ chức tập huấn sử dụng hai loại vaccine là Moderna và Pfizer để tiêm cho trẻ em trong đợt này. Tất cả cán bộ y tế cũng đồng thời được tập huấn về công tác xử trí các phản ứng nặng sau tiêm chủng. Chúng tôi luôn lưu ý công tác tư vấn cho các bậc cha mẹ, thầy cô giáo trong việc tổ chức tiêm chủng tại trường học và hướng dẫn cụ thể cho các bậc phụ huynh về theo dõi sức khoẻ sau tiêm của trẻ. Đặc biệt là có những hướng dẫn đầy đủ cho phụ huynh khi đưa con tới các điểm tiêm chủng. Theo đó, trong thời gian tiêm chủng phải làm như thế nào và sau khi tiêm chủng phải theo dõi sức khoẻ trẻ như thế nào”.

Bộ Y tế và Chương trình Tiêm chủng mở rộng đã hướng dẫn cho tất cả các tỉnh xây dựng kể hoạch chi tiết, tổ chức các điểm tiêm chủng an toàn, đảm bảo tỷ lệ bao phủ tốt nhất. Sau khi nhóm trẻ là học sinh lớp 6 được tiêm trước, cùng với nguồn cung ứng vaccine, việc tiêm chủng sẽ triển khai ở nhóm tuổi nhỏ hơn.

Về việc tiêm chủng sử dụng 2 loại vaccine khác nhau là vaccine Pfizer tiêm cho trẻ 5- dưới 12 tuổi và vaccine Moderna tiêm cho trẻ 6- dưới 12 tuổi, PGS.TS Dương Thị Hồng cho biết: “Để tránh những nhầm lẫn, chúng tôi đã có hướng dẫn nêu rõ việc tiêm vaccine cho nhóm trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi, trẻ đã tiêm vaccine nào ở mũi đầu tiên thì mũi thứ hai sẽ tiêm cùng loại vaccine đó để đảm bảo an toàn tiêm chủng. Với hướng dẫn như vậy, ngay từ cách thức phân bổ vaccine, chúng tôi sẽ có hướng dẫn theo từng đợt phân bổ”.

Theo đó, trong các đợt phân bổ vaccine, Chương trình tiêm chủng mở rộng sẽ hướng dẫn tiếp việc tiêm vaccine cho nhóm đối tượng nào. Khi tổ chức tiêm chủng, ngay trong trường học, việc tiêm cũng thực hiện theo hình thức cuốn chiếu theo khối lớp và khối lớp nào tiêm vaccine nào sẽ được quản lý và cấp số vaccine tương ứng để đảm bảo trẻ được tiêm đúng liều và tiêm cùng một loại vaccine.

Tính đến hết ngày 17/4, cả nước đã có 4 tỉnh, thành phố là: Quảng Ninh, Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và Hà Nam triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ trong độ tuổi từ 5- dưới 12 tuổi. Bắt đầu từ tuần này, các địa phương sẽ đồng loạt triển khai tiêm vaccine cho trẻ trong nhóm tuổi này.

Tại Hà Nội, sau 2 ngày tiêm vaccine phòng COVID-19 đã có gần 8.500 trẻ được tiêm, hiện chưa ghi nhận trường hợp nào phản ứng bất thường. Tại TP Hồ Chí Minh trong ngày đầu triển khai tiêm chủng cũng chưa ghi nhận trường hợp tai biến nặng nào xảy ra.

Theo TTXVN