Những câu thơ mùa Xuân sống mãi

19/01/2024 - 05:18

 - Khởi đầu của một năm, dường như từ cổ chí kim, mùa Xuân đã mang lại nguồn cảm hứng vô tận cho thi nhân. Nhiều nhà thơ Việt Nam để lại cho đời đôi bài thơ mùa Xuân bất hủ.

Nói đến thơ Xuân, trước hết phải nhắc tới những câu thơ như bài tổng kết về quy luật của trời đất và con người của Thiền sư Mãn Giác (1052 - 1096) trong bài “Cáo tật thị chúng”: Xuân đi trăm hoa rụng/ Xuân đến trăm hoa cười/ Trước mắt việc đi mãi/ Trên đầu, già đến rồi/ Chớ bảo Xuân tàn hoa rụng hết/ Đêm qua - sân trước - một cành mai. Đã hàng ngàn năm trôi qua, bài thơ vẫn còn vang vọng trên thi đàn của dân tộc.

 Không chỉ là những bậc anh hùng đánh giặc, quản trị đất nước tài ba, các vua nhà Trần còn là những nhà thơ lớn. Ngày nay, hậu thế còn lưu truyền hàng chục bài thơ Xuân của vua Trần Nhân Tông. Trong bài “Cảnh Xuân”, tâm hồn con người gần như đã hòa huyện với vẻ đẹp thiên nhiên: Trong khóm hoa dương liễu rậm rạp, tiếng chim hót lời chậm rãi/ Dưới bóng hiên nhà trưng bày tranh vẽ, bóng mây chiều lướt bay. Ở bài thơ “Bến đò Lưu Gia” của danh tướng, vương gia Trần Quang Khải, anh hùng và thi nhân song hành: Trở lại khách thơ đầu đã bạc/ Trời thanh nước gợn ánh hoa mai/ Cỏ xuân như khói bến xuân tươi/ Lại có mưa Xuân nước vỗ trời.

 Mùa Xuân không chỉ làm xao xuyến tâm hồn thi nhân nhàn rỗi, vốn đã gác  mọi việc đến nơi yên tĩnh, tu tâm, sống theo bản ngã, nhưng vẻ đẹp của mùa Xuân cũng làm nhà chính trị, quân sự lỗi lạc Nguyễn Trãi mê hoặc: Tiếc Xuân đốt đuốc mảng chơi đêm/ Những lệ (sợ) Xuân qua tuổi tác thêm/ Chỉ thấy ngoài hiên tơ liễu rũ/ Một phen liễu rũ một phen mềm.

Trong bài “Ngày Xuân ngẫu hứng làm thơ”, đại thi hào Nguyễn Du cảm khái nghe buồn buồn nhưng là tuyệt cú: Cỏ biếc lòng đau trời Nam phố/ Mai vàng chi nữa chúa Xuân ơi! Còn trong kiệt tác Truyện Kiều, hàng chục lần đại thi hào nhắc đến vẻ đẹp mùa Xuân tuyệt mỹ, được nhiều thế hệ người Việt nằm lòng: Cỏ non xanh rợn chân trời/ Cành lê trắng điểm một vài bông hoa.

Cùng thời với Nguyễn Du, bà chúa thơ Nôm Hồ Xuân Hương, dù thường ngạo nghễ cười cợt, khinh khi mọi sự việc, nhưng đến thời khắc của giao mùa, thi nhân cũng bị mùa Xuân tác động: Êm ái chiều xuân tới khán đài/ Lâng lâng chẳng bợn chút trần ai (Chơi khán đài). Cảm kích trước vẻ đẹp của mùa Xuân, nhà thơ so sánh với thiếu nữ ở trong tranh: Ấy bao nhiêu tuổi hỡi cô mình/ Chị cũng xinh mà em cũng xinh/ Trăm vẻ như in tờ giấy trắng/ Ngàn năm còn mãi cái xuân xanh, cho thấy tâm hồn dù “phá phách, táo bạo” của nữ sĩ cũng mềm yếu trước nàng Xuân.

Đến phong trào “thơ mới”, các nhà thơ lừng danh, như: Nguyễn Bính, Hàn Mạc Tử, Xuân Diệu, Huy Cận, Chế Lan Viên… đều có những bài thơ đặc sắc về Tết, về Xuân. Nếu Nguyễn Bính đón Xuân nơi thôn quê với tiếng reo vui, vồn vã: Đã thấy Xuân về với gió đông/ Với trên màu má gái chưa chồng/ Bên hiên hàng xóm cô hàng xóm/ Ngước mắt nhìn giời đôi mắt trong…

Đây cả mùa Xuân đã đến rồi/ Từng nhà mở cửa đón vui tươi/ Từng cô em bé so màu áo/ Đôi má hồng lên nhí nhảnh cười (Thơ Xuân). Nhà thơ Xuân Diệu lại thấy Xuân có sẵn ở trong lòng: Xuân của đất trời nay mới đến/ Trong tôi xuân đến đã lâu rồi (Nguyên đán). Còn trong bài thơ “Vội vàng”, thi nhân như thấu hiểu quy luật của trời đất: Xuân đang tới, nghĩa là Xuân đang qua/ Xuân còn non, nghĩa là Xuân sẽ già.

Nhưng với nhà thơ Tố Hữu thì “Xuân là thơ của đất trời, thơ là xuân của lòng người”, đó là “Xuân lòng” của muôn đời: Xuân trong sáng, xuân thơm, xuân ríu rít/ Nhưng xuân đâu tươi đẹp không xuân lòng?. Còn với nhà thơ Sóng Hồng, thì vẻ đẹp của mùa Xuân không chỉ làm tâm hồn thi sĩ vốn thường phiêu du với trời, trăng, mây, nước, mà nhà thơ cách mạng phải Dùng ngòi bút làm đòn xoay chế độ/ Mỗi vần thơ bom đạn phá cường quyền.

Về số lượng những bài thơ Xuân hay nhất, có thể nói Bác Hồ và Tố Hữu là những nhà thơ đại diện giữ kỷ lục. Thơ Xuân của Tố Hữu thường là những khúc ca về mùa Xuân, ca ngợi cảnh đẹp quê hương đất nước.Trong “Bài ca mùa Xuân 1961”, thi nhân hào sảng: Cành táo đầu hè rung rinh quả ngọt/Nắng soi gương giọt long lanh... Ôi tiếng hót vui say con chim chiền chiện/ Trên đồng lúa chiêm xuân chao mình bay liệng/ Xuân ơi Xuân, vui tới mông mênh.

Thơ Xuân của Chủ tịch Hồ Chí Minh phong phú và đa dạng hơn nhiều. Thơ Xuân của Bác thường được chia làm 2 mảng: Thơ Xuân và thơ chúc Tết. Thơ chúc Tết của Người thường là những lời kêu gọi, chúc Tết với lời thơ gần gũi, thân thương, chân thành, ý nghĩa, dễ nhớ, dễ thuộc. Nói theo lời thơ của Bác chỉ là: Mấy câu thành thật nôm na/ Vừa là kêu gọi, vừa là mừng Xuân. Hay như: Xuân này hơn hẳn mấy Xuân qua/ Thắng trận tin vui khắp nước nhà/ Nam Bắc thi đua đánh giặc Mỹ/ Tiến lên! Toàn thắng ắt về ta! (Thơ chúc Tết Xuân Mậu Thân năm 1968).

Đặc biệt, thơ Xuân của Bác Hồ vô cùng sâu sắc, tinh tế và hàm chứa nhiều triết lý sâu xa, xứng đáng là những bài học tư tưởng có giá trị nghệ thuật cao. Trong bài “Tự khuyên mình”, Bác dạy: Nếu không có cảnh Đông tàn/ Thì đâu có cảnh huy hoàng ngày Xuân/ Nghĩ mình trong bước gian truân/ Gian nan rèn luyện tinh thần thêm hăng. Trong bài “Rằm Nguyên tiêu”, Bác Hồ viết ở chiến khu Việt Bắc năm 1948, là một trong những bài thơ Xuân nổi tiếng và trở thành bài thơ khai hội thơ Việt Nam hàng năm: Rằm Xuân lồng lộng trăng soi/ Sông Xuân nước lẫn màu trời thêm Xuân/ Giữa dòng bàn bạc việc quân/ Khuya về bát ngát trăng ngân đầy thuyền.

Đây là bức tranh thủy mặc đẹp đến nao lòng, mà thi nhân không nặng lòng với quê hương đất nước và vẻ đẹp thiên nhiên, không thể nào hạ bút được. Ở đó là dòng sông, con thuyền, mặt nước, và nhất là ánh trăng rằm lung linh được tắm trong sắc Xuân rực rỡ. Thêm vào đó, công việc đã bàn xong, tâm hồn con người tươi mới. Hình ảnh mùa Xuân trong thơ Bác Hồ vô cùng quyến rũ, độc đáo, xứng đáng là một kiệt tác về mùa Xuân của nền thơ ca Việt Nam.

NGUYÊN HẢO