Những chiến binh áo trắng trong cuộc chiến với đại dịch thế kỷ

13/04/2020 - 13:54

Đội ngũ các y bác sỹ và nhân viên y tế của chúng ta sẽ luôn là những chiến binh dẫn đầu, trong cuộc chiến với đại dịch thế kỷ…

Không phải đợi đến những ngày này, khi Việt Nam, cũng như hầu hết các quốc gia trên thế giới, căng mình đối phó với dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp, các y bác sỹ trở thành những chiến sỹ nơi tuyến đầu, tôi mới nghĩ nhiều về họ.

Cũng như nhiều người, tôi đã từng có ấn tượng không tốt về y bác sỹ, nhưng suy nghĩ, định kiến ấy đã dần dần thay đổi và biến mất hoàn toàn khi 5 – 6 năm nay, nhà tôi phải thường xuyên ra vào khắp các bệnh viện, vì người thân ruột thịt hai bên nội ngoại liên tục bệnh tật, tai nạn, rủi ro…Lúc này, tràn ngập trong tôi là cảm xúc biết ơn và thán phục. Trong số đó, ít nhất, các y bác sỹ của bệnh viên Việt Đức, Bạch Mai và cả Dệt May nữa, đã cứu chữa cho 3 thành viên trong gia đình tôi, từ chỗ thập tử nhất sinh, nay đã khoẻ mạnh và phục hồi hoàn toàn.

Bệnh viện Bạch Mai dỡ bỏ hàng rào cách ly, y bác sĩ vỡ òa hạnh phúc.

Giai đoạn thứ nhất

Khi Việt Nam có hai ca nhiễm đầu tiên là hai bố con người Trung Quốc, tới từ tâm dịch Vũ Hán, cũng là thời khắc, các bác sỹ Việt Nam chính thức bước vào cuộc chiến với Coronavirus. Những người “xung trận” đầu tiên là bác sỹ của Khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy, Thành phố Hồ Chí Minh.

Hai ca bệnh được phát hiện đúng vào buổi chiều cuối ngày 28 Tết, ngày làm việc chính thức cuối cùng của năm 2019. Ngành y tế cả nước rúng động! Hai ca đã được phát hiện nhờ sự cảnh giác và nghi ngờ “rất nghiệp vụ” của kíp trực hôm đó. Là những bác sỹ đầu tiên bước vào cuộc chiến, bệnh nhân lại là hai người nước ngoài, trong đó, người cha tới từ nơi dịch bệnh đang hoành hành dữ dội, lớn tuổi và có kèm theo nhiều bệnh lý nền, các bác sỹ không tránh khỏi tâm trạng hơi bất ngờ, lo lắng, hồi hộp của những người nhận sứ mệnh tiên phong. Những bác sỹ, điều dưỡng giỏi và nhiều kinh nghiệm nhất đã được lựa chọn. Không chỉ giỏi, kinh nghiệm, họ còn phải là những người dũng cảm, vì tất cả đều hiểu rằng, đây là một loại virus mới, vô cùng nguy hiểm và chưa có vaccine điều trị. Trong quá trình chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân, họ hoàn toàn có thể bị lây nhiễm, nguy hiểm tới tính mạng. Nhưng điều mà tất cả các y bác sỹ còn lo lắng hơn tính mạng của chính mình là họ có thể làm lây sang cho người thân, và xa hơn, cho cộng đồng.

Sau 21 ngày cùng chung “chiến hào” với người bệnh, chiến thắng đã gọi tên các bác sỹ của Bệnh viện Chợ Rẫy, khi người cha, bệnh nhân Li Ding đã hoàn toàn bình phục. Ông cùng với người con trai đã khỏi bệnh trước đó nhiều ngày, gửi tới các y bác sỹ một lá thư với những lời cám ơn xúc động từ đáy lòng “Dù đã rời bệnh viện nhưng tâm trí chúng tôi dường như vẫn còn nằm lại đó. Chúng tôi không thể quên ấn tượng sâu sắc và tươi đẹp mà bệnh viện Chợ Rẫy đã để lại”; “Chúng tôi cảm nhận được chính lòng tử tế của các bạn đã cứu chúng tôi và chúng tôi sẽ ghi nhớ mãi mãi. Chúng tôi muốn hét lên từ đáy lòng mình rằng: Cám ơn Việt Nam!”... Những lời cám ơn hết sức chân thành ấy đã nói lên rất nhiều điều về những vất vả, hy sinh, sự tận tuỵ, nỗ lực đầy tình thương và trách nhiệm của các y bác sỹ và nhân viên y tế Bệnh viện Chợ Rẫy.

Tiếp theo Bệnh viện Chợ Rẫy, các trung tâm y tế, các bệnh viện lớn nhỏ, từ tuyến huyện, tỉnh, tới thành phố, trung ương, cho đến cả các bệnh viện dã chiến trên khắp đất nước đã lần lượt đón nhận những ca nhiễm Covid- 19 tiếp theo, trong đó có rất nhiều người nước ngoài hoặc người Việt Nam ở nước ngoài trở về.

Hai tháng rưỡi qua, trong cuộc chiến sinh tử với một kẻ thù vô hình, không thể nhìn thấy bằng mắt thường ấy, trong khi số ca nhiễm mới và ca tử vong ở khắp các quốc gia trên thế giới không ngừng tăng, các y bác sỹ và nhân dân cả nước đã có một khoảng lặng êm ái, nín thở, hồi hộp, khi suốt 22 ngày, Việt Nam không có thêm ca bệnh mới nào. Cả 16 ca bệnh trước đó, đều đã được chữa khỏi và xuất viện. Khi chúng ta chỉ còn vài ngày nữa là đủ điều kiện công bố hết dịch thì tối ngày 6/3, ca bệnh số 17 được phát hiện, đã một lần nữa, làm rúng động nhân dân trên khắp cả nước, đặc biệt là người dân Hà Nội. Và cũng thêm một lần nữa, các y bác sỹ, những người hiểu rõ tình hình hơn hết thảy, cũng là những người luôn chuẩn bị tâm thế cho một cuộc chiến đấu còn nhiều khó khăn gian khổ ở phía trước, lại tiếp tục bước vào giai đoạn hai của cuộc chiến chống con virus thế kỷ.

Có những giọt nước mắt đã tuôn rơi, đó là những giọt nước mắt hạnh phúc.

Giai đoạn thứ hai

Nhưng khác với giai đoạn 1, khi các ca bệnh tập trung chủ yếu ở xã Sơn Lôi, Vĩnh Phúc và nhanh chóng được phong toả, cách ly, các ca bệnh của giai đoạn 2 lại chủ yếu từ người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam; từ người Việt Nam đi công tác, du lịch, du học... từ nước ngoài trở về. Không ít người trong số họ có mối quan hệ phức tạp, diện tiếp xúc xã hội lớn, nguy cơ lây lan nhiều.

Trước tình hình đó, chính phủ Việt Nam đã huy động mọi nguồn lực, toàn xã hội đã vào cuộc. Nhưng trên tất cả, lực lượng gánh mọi trách nhiệm nặng nề nhất, chấp nhận mọi rủi ro, nguy hiểm tới sức khoẻ, tính mạng của bản thân và gia đình, chỉ có thể là các y bác sỹ và nhân viên y tế ở nơi tuyến đầu chống dịch.

Các anh chị em, cho dù ở một trung tâm y tế huyện, hay những bệnh viện lớn đầu ngành, thì hầu hết đều đã mấy tháng trời không về nhà. Phần vì khối lượng công việc quá lớn, phần vì thường xuyên tiếp xúc trực tiếp, chăm sóc bệnh nhân, nguy cơ mắc bệnh và lây nhiễm cho người thân luôn tiềm ẩn. Và thực tế, đã có những bác sỹ, điều dưỡng bị lây từ người bệnh, khiến cho toàn dân vô cùng lo lắng, bởi khác với bệnh nhân, khi bác sỹ bị mắc bệnh, chúng ta mất đi nguồn nhân lực chống dịch, hơn thế nữa, họ còn có nguy cơ lây bệnh rất lớn cho đồng nghiệp, cho những bệnh nhân đang điều trị các căn bệnh khác, cho người nhà bệnh nhân và cho cả cộng đồng.

Nhiều người, trong đó có tôi, đã không cầm được nước mắt, khi đọc những dòng nhật ký của điều dưỡng trẻ tuổi Đặng Quốc Bảo, Bệnh viện Trung ương Huế. Được hỏi về lý do viết nhật ký, anh chia sẻ hết sức thật lòng: “Mình viết nhật ký để nếu lỡ mình bị nhiễm Covid-19 và không thể vượt qua căn bệnh này, mình xin lỗi vì mình đã làm việc hết tâm, hết sức. Mình đã làm bằng cả trái tim và nhiệt huyết, đồng thời cố gắng phòng để tránh lây cho bản thân… Đây cũng là lời xin lỗi vợ, xin lỗi con và mong vợ và con hãy tiếp bước những gì ba chưa hoàn thành”.

Hay những chia sẻ từ đáy lòng của một lãnh đạo bệnh viện lớn đầu ngành như bác sỹ Dương Đức Hùng, Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, khi bệnh viện bị cách ly, phong toả “Có thể hôm nay tôi ngồi đây nói chuyện là ngày cuối cùng con tôi nhìn thấy bố”. Bất kỳ ai trong mỗi chúng ta đều cảm thấy rung động, xót xa đến tận cùng, khi nhìn thấy hình ảnh người bác sỹ của Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, khi đêm xuống, công việc trong bệnh viện đã vãn hơn, bệnh nhân đã ngủ yên, anh rảo chút qua nhà mình, nhưng không vào, mà chỉ đứng lặng từ xa, nhìn về phía cánh cửa đóng kín. Sau cánh cửa ấy, là những người thân yêu nhất của anh, mà ngày hôm nay đây, rất có thể là cơ hội cuối cùng trong đời, anh được ở gần họ đến thế.

Nhìn sang các nước khác, chúng ta mới hiểu rằng, những lo lắng của người điều dưỡng trẻ hay của một lãnh đạo bệnh viện từng trải, dày dặn kinh nghiệm là hoàn toàn có cơ sở. Trong cuộc chiến khốc liệt với Covid- 19, biết bao bác sỹ và nhân viên y tế ở Vũ Hán (Trung Quốc), ở Ý, ở Tây Ban Nha và nhiều nước khác đã ngã xuống như những anh hùng. Họ hầu hết đều là những con người trẻ tuổi, tài năng, tâm huyết, hết lòng vì người bệnh.

Khó khăn đến với các y bác sỹ không chỉ từ yếu tố chuyên môn, dịch tễ, mà còn là sự tổn thương về mặt tinh thần, do nhiều người còn có tâm lý kỳ thị, xa lánh nhân viên y tế, đặc biệt khi biết họ là những người trực tiếp tham gia chống dịch. Có những y bác sỹ, bị chủ nhà trọ đuổi, không cho thuê nữa, hay người thân của họ bị hàng xóm, xã hội hắt hủi, ghẻ lạnh. Liệu có mấy ai thấu hiểu tâm trạng của những người vợ, người chồng, phải đảm đương, gánh hết mọi trách nhiệm con cái, hai bên gia đình nội ngoại để vợ (chồng) mình yên tâm, quần quật, lao lực suốt mấy tháng trời trong bệnh viện, trong các khu cách ly, có thể rủi ro lây nhiễm và chính mình lại trở thành bệnh nhân, thậm chí tính mạng cũng không còn, nhưng vợ chồng, con cái họ lại phải hứng chịu đủ mọi sự kỳ thị của hàng xóm, của cộng đồng.

Phải đương đầu với muôn vàn khó khăn, hiểm nguy như thế, nhưng chả mấy bận tâm, lo lắng cho riêng mình, các anh chị không giấu nổi cảm xúc khi “Nhìn những bệnh nhân ra viện mà lòng tôi vui mừng không tả. Cái cảm giác lạ lắm! Bệnh nhân lành bệnh mà như chính người thân ruột thịt mình lành bệnh…" (Điều dưỡng Đặng Quốc Bảo); hay những giọt nước mắt vỡ oà vì hạnh phúc của các y bác sỹ Bệnh viện Đa khoa Bình Thuận, khi bệnh nhân cuối cùng trong 9 bệnh nhân Covid-19 của tỉnh đã có xét nghiệm âm tính lần một…

Suốt mấy tháng vừa qua, các cơ quan truyền thông, các nhà lãnh đạo của các nước trên thế giới, trong đó có những cường quốc hàng đầu như Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Nga… liên tục bày tỏ sự ngạc nhiên, bất ngờ, cho tới thán phục, ngợi ca hiệu quả công tác phòng chống dịch Covid- 19 của Việt Nam, một đất nước đông dân, thu nhập đầu người trong nhóm trung bình thấp, nền y tế còn nhiều hạn chế lại có thể đầy tự tin, chủ động đối phó với đại dịch, khống chế số người nhiễm ở mức thấp trong một thời gian dài, có số người bệnh được chữa khỏi chiếm 50% tổng số người nhiễm và chưa có trường hợp nào tử vong.

Có được thành quả to lớn ấy, là công sức của toàn Đảng, toàn dân, của cả xã hội chung lung đấu cật, nhưng công lao hàng đầu chính là những cống hiến không biết mệt mỏi, đầy dũng cảm của các y bác sỹ.

Hàng ngày, chúng ta liên tục được nghe những tin tức khiến cho mỗi người dân Việt Nam chúng ta đều cảm thấy ấm lòng và thật đỗi tự hào về đội ngũ các chiến binh áo trắng của mình, như việc 18 y bác sỹ Bệnh viện Trung ương Huế viết đơn tình nguyện được trực tiếp chăm sóc, cứu chữa bệnh nhân; 280 bác sĩ, y tá đã nghỉ hưu của Hà Nội và 700 sinh viên các trường y khoa tình nguyện tham gia công tác phòng chống dịch Covid-19; hay lời chia sẻ của bác sỹ Dương Đức Hùng (Bệnh viện Bạch Mai): “Mặc dù tình hình đang dần trở nên căng thẳng, phức tạp hơn và một số người phản ứng tiêu cực nhưng nhân viên Bệnh viện Bạch Mai chưa một ai nao núng. Trong trường hợp phải điều trị cho người dương tính, đã có 600-700 cán bộ nhân viên đăng ký tình nguyện tham gia…Tình huống xấu nhất xảy ra là chẳng may nhân viên y tế dương tính, bị cách ly rồi bệnh nặng hơn, thậm chí tử vong, ngày đi làm ấy là ngày cuối cùng nhìn thấy mặt gia đình. Nhưng không một nhân viên nào làm đơn xin nghỉ không lương.

Đây là tinh thần chung của cả ngành y tế, không phải chỉ riêng Bệnh viện Bạch Mai. Tôi tin rằng bệnh viện sẽ chống dịch thành công.”

Cuộc chiến đấu ấy sẽ còn rất nhiều khó khăn, gian khổ, thách thức ở phía trước, nhưng giây phút này đây, tất cả chúng ta hãy nghiêng mình trước những y bác sỹ, nhân viên y tế, và gọi họ với tất cả sự yêu thương, trân trọng, biết ơn và cảm phục: những anh hùng!.

Theo THU HƯƠNG (VOV)