Nơi lưu dấu cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc
Chùa Giồng Thành (phường Long Sơn, TX. Tân Châu) do hòa thượng Trần Minh Lý khởi công xây dựng năm 1875. Năm 1922, tại xã Long Sơn có tổ chức hội Kèo xanh, Kèo vàng của Phan Xích Long để tập hợp những người yêu nước chống thực dân Pháp. Tại chùa Giồng Thành, hòa thượng trụ trì Nguyễn Văn Điền đã tham gia hội Kèo vàng. Dưới danh nghĩa tôn giáo, hòa thượng đã quy tụ được nhiều người yêu nước hoạt động sôi nổi, nhất là vào năm 1923.
Đặc biệt, chùa Giồng Thành còn để lại nhiều dấu ấn về cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, thân sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Từ năm 1925-1929, cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc trên bước đường hoạt động cứu nước, đã ở đây và truyền bá chủ nghĩa yêu nước cho nhân dân Long Sơn và các vùng lân cận. Trong thời kỳ chống Mỹ, chùa Giồng Thành còn là cơ sở của Tỉnh ủy Châu Đốc, Huyện ủy Tân Châu và là điểm giao liên của Trung ương Cục và Khu 8. Chùa Giồng Thành được Bộ Văn hóa - Thông tin công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia theo Quyết định 235/VHQĐ, ngày 12/12/1986.
Nơi treo lá cờ Đảng đầu tiên
Ngày 3/2/1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời trên cơ sở hợp nhất 3 tổ chức Đảng ở nước ta, dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Ái Quốc (Hồ Chí Minh). Tháng 4/1930, Chi bộ Đảng đầu tiên ở An Giang được thành lập tại xã Long Điền, gồm có 3 đồng chí: Lưu Kim Phong, Bùi Trung Phẩm và Đoàn Thanh Thủy.
Để chào mừng sự kiện lịch sử đó, lá cờ Đảng đầu tiên được treo trên đỉnh cột Dây Thép (xã Long Điền A, huyện Chợ Mới). Cờ đỏ búa liềm phất phới tung bay sau đó tiếp tục được treo ở nhiều nơi khiến kẻ thù lo sợ, còn nhân dân thì phấn khởi.
Cột Dây Thép đã trở thành địa danh lịch sử cách mạng, tiêu biểu cho phong trào đấu tranh cách mạng từ những ngày đầu thành lập Đảng. Di tích lịch sử cách mạng cột Dây Thép được Bộ Văn hóa Thông tin xếp hạng theo Quyết định 34/VH-QĐ, ngày 9/1/1990.
Quê hương của Chủ tịch Tôn Đức Thắng
Nhà lưu niệm thời niên thiếu của Chủ tịch Tôn Đức Thắng ở cù lao Ông Hổ (xã Mỹ Hòa Hưng, TP. Long Xuyên) là nơi “anh Hai Thắng” sinh ra, trưởng thành, hình thành nhân cách, hun đúc lòng yêu nước, tinh thần đấu tranh cách mạng của Bác Tôn.
Chủ tịch Tôn Đức Thắng - người chiến sĩ cách mạng kiên trung của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, người bạn chiến đấu thân thiết của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, nhà lãnh đạo mẫu mực của Đảng, đã hiến dâng cả cuộc đời cho lý tưởng cộng sản, độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc.
Để tưởng nhớ công lao to lớn của Chủ tịch Tôn Đức Thắng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân An Giang đã xây dựng khu lưu niệm rộng hơn 6ha ngay đối diện ngôi nhà thời niên thiếu của Bác Tôn. Hiện nay, khu lưu niệm và ngôi nhà thời niên thiếu đã trở thành địa điểm thân thuộc của du khách trong và ngoài nước, nơi giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ An Giang.
Căn cứ Ô Tà Sóc oai hùng
Ô Tà Sóc (xã Lương Phi, huyện Tri Tôn) là tên con suối bắt nguồn từ đỉnh núi Dài (Ngọa Long Sơn, cao 554m). Với lợi thế địa hình hiểm trở, nhiều hang động, dốc đá gập ghềnh, có vị trí chiến lược quan trọng, Ô Tà Sóc là nơi dừng chân, hợp đồng chiến đấu của các trung đoàn chủ lực Trung ương từ miền Đông chi viện vào các tỉnh miền Tây. Vì vậy, từ năm 1962-1967, Tỉnh ủy An Giang đã chọn nơi đây làm căn cứ với các cơ quan trực thuộc đóng rải rác trong các lò ảng. Trong chiến tranh, địch đã tổ chức nhiều trận càn quét lớn nhỏ với mọi phương tiện chiến tranh hiện đại lên căn cứ Ô Tà Sóc, nhưng đều thất bại. Từ căn cứ này, Tỉnh ủy An Giang đã chỉ huy các phong trào cách mạng, đánh địch trên các mặt trận của tỉnh, mở rộng vùng giải phóng và căn cứ kháng chiến…
Những “địa chỉ đỏ” được giữ gìn không chỉ thể hiện sự tri ân với thế hệ đi trước mà còn giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ, góp phần tô điểm thêm truyền thống yêu nước của mỗi người dân An Giang.
|
TRỌNG TÍN