Tiếng ồn ã dỡ nhà không làm cuộc trò chuyện của chúng tôi và bà Nguyễn Thị Giáp (ngụ khóm An Bình, thị trấn Ba Chúc, huyện Tri Tôn) bị ngắt quãng. Ngược lại, chúng thành chất xúc tác khiến ai nấy vui hơn, hào hứng hơn. Không vui sao được, khi bước qua tuổi 70, bà Giáp mới được trải nghiệm cảm giác “làm nhà mới”. Người phụ nữ chân chất ít chữ, ít tiền, chẳng biết bày tỏ làm sao cho hết ý trong bụng mình, thôi cứ nở “nụ cười mừng” đón nhận niềm vui quá lớn.
“Chồng tôi mất trong chiến tranh biên giới Tây Nam. Mấy chục năm nay, tôi làm thuê, mướn đủ nghề, bán đủ món để nuôi con. Tới khi con lớn khôn, tôi lại vất vả nuôi cháu. Càng lớn tuổi, ngày bệnh nhiều hơn ngày khỏe, công việc mua bán bữa đực bữa cái, dần dần tôi “nghỉ hưu” luôn. Tiền sinh sống hàng ngày còn thiếu hụt, nói gì tới chuyện cất sửa nhà. Đùng một cái, nghe tin có nguồn hỗ trợ cất nhà, tôi mừng ngủ hổng được mấy đêm liền. Tôi mang ơn mọi người lắm, giúp tôi chuyện cả đời tôi không thể làm được!” - bà Giáp chia sẻ, nụ cười mãn nguyện thường trực trên môi.
Niềm vui của bà Hạnh
Ngược lại, bà Phạm Thị Hạnh (ngụ ấp Vĩnh Thạnh A, xã Vĩnh Hòa, TX. Tân Châu) kể, từ ngày có nhà mới, bà… khóc hoài, “thức tới nỗi bệnh luôn”. Niềm hạnh phúc quá lớn khiến bà choáng ngộp. “Căn nhà cũ, tôi không dám cho ai ghé thăm hết. Nửa đêm đang ngủ mà trời mưa, tôi chui xuống gầm giường, sợ nhà sập bất ngờ. Nhà làm xong rồi, tôi cũng không ngủ được. Nửa đêm, lại mở đèn, coi chỗ này chỗ kia, sợ mọi thứ chỉ là giấc mơ quá đẹp. Mấy đứa em tôi la, tôi về chỗ nằm im ru, một lát sau lén lén đi coi lần nữa…” - bà kể.
Với người khác, căn nhà gần 70m2 (khung tiền chế, mái và vách lợp tole, nền lót gạch men) tổng kinh phí xây dựng hơn 100 triệu đồng chẳng phải điều gì to tát. Nhưng với bà Hạnh, đó là ước mơ cả đời bà chạm không đến. Ráng lây lất nuôi các con trưởng thành, cuộc đời xô đẩy khiến mẹ chẳng thể giúp con, con đành nhìn mẹ khổ, bởi chữ “nghèo” bám dai dẳng. Mỗi khúc vải “second hand” bà bán ra chưa được 20.000 đồng, đâu giúp bà vá lành cuộc đời mình!
Nhưng rồi, bà Giáp, bà Hạnh được bộ đội ghé thăm, vận động tiền cất sửa lại nhà. Khi Tết cận kề, những căn nhà thơm mùi sơn cũng được bàn giao. Họ nằm trong nhóm đối tượng được Trung đoàn 892 (Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh) phấn đấu hỗ trợ xây, cất 5 căn nhà Đại đoàn kết; 16 căn Mái ấm hậu phương từ đêm văn nghệ “Ấm tình hậu phương” giai đoạn huấn luyện chiến sĩ mới; 1 căn nhà Đồng đội trong năm 2024. Qua đó, nêu cao tinh thần “Tương thân, tương ái”, “Lá lành đùm lá rách”, phát huy truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ” trong thời kỳ đổi mới, góp phần thực hiện chính sách an sinh xã hội và hậu phương quân đội trên địa bàn đóng quân.
Trung đoàn 892 là đơn vị thực binh, có nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, huấn luyện, xây dựng tổ chức Ðảng “Trong sạch, vững mạnh” tiêu biểu, đơn vị vững mạnh toàn diện “Mẫu mực, tiêu biểu”, đặc biệt là nhiệm vụ huấn luyện chiến sĩ mới. Thực tế cho thấy, bên cạnh thực hiện tốt công tác giáo dục tốt, huấn luyện giỏi, quản lý, duy trì nghiêm, việc thực hiện tốt chính sách quân đội, hậu phương quân đội đối với cán bộ, chiến sĩ sẽ góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ huấn luyện chiến sĩ mới.
Những căn nhà mới ấm tình Xuân
Trung tá Nguyễn Quang Hòa, Chính ủy Trung đoàn 892 nhấn mạnh: “Nhiều năm qua, chúng tôi duy trì tổ chức chương trình đêm văn nghệ “Ấm tình hậu phương”, nhận được sự quan tâm, hưởng ứng tích cực của cấp ủy Đảng, chính quyền, cơ quan, ban, ngành, đoàn thể địa phương, tổ chức và nhà hảo tâm trên địa bàn. Chúng tôi rất vui mừng, xúc động khi liên tục 8 năm qua, đơn vị đón nhận những tình cảm cao thượng, tình nhân ái sâu sắc từ mọi tổ chức, cá nhân. Tất cả ủng hộ quyên góp được hơn 1,6 tỷ đồng, dùng để xây dựng nhà, hỗ trợ cho hơn 200 gia đình cán bộ, chiến sĩ có hoàn cảnh khó khăn. Nhờ vậy, đơn vị có điều kiện chăm lo tốt đời sống vật chất, tinh thần, củng cố hậu phương vững chắc, giúp cán bộ, chiến sĩ an tâm công tác, nhận và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao”.
Trong không khí thi đua sôi nổi của toàn quân lập thành tích chào mừng kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024), 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân (22/12/1989 - 22/12/2024), những căn nhà Xuân càng thêm ý nghĩa, nhận được sự tri ân từ địa phương, bà con Nhân dân. Phó Chủ tịch UBND thị trấn Ba Chúc Phan Bá Phước chia sẻ: “Còn gặp nhiều khó khăn, nhưng chúng tôi vẫn nỗ lực thực hiện nhiều chương trình an sinh xã hội, các chương trình mục tiêu quốc gia. Thị trấn hoàn thành hỗ trợ nhà ở cho gia đình chính sách, thương binh, liệt sĩ. Tuy vậy, hơn 400 hộ nghèo, cận nghèo của địa phương đang rất cần sự tiếp sức từ xã hội. Những nghĩa cử hỗ trợ của Trung đoàn 892 nói riêng, tổ chức, cá nhân khác nói chung đều rất quý giá. Sắp tới, rất mong có thêm nhiều nguồn lực để chúng tôi hỗ trợ, đảm bảo bà con ở khu vực biên giới an cư lạc nghiệp”.
Tin chắc rằng, mỗi ngày qua đi, sẽ có thêm căn nhà được tu sửa, cất mới, xóa đi nhà tạm, dột nát, xóa luôn nỗi lo toan vất vả của người nghèo. Để rồi, mỗi căn nhà mới đều ấm áp tình người, chứa chan động lực giúp họ vẽ nên trang mới cuộc đời mình.
GIA KHÁNH