Những mẩu chuyện về con trâu

11/02/2021 - 06:39

 - “Tây Du ký” của Ngô Thừa Ân - một trong Tứ đại kỳ thư của văn học Trung Quốc đã phác họa rõ nét một “con trâu hảo ngọt”, “con trâu robot”; văn học cổ của họ cũng khắc họa về chiến thuật quân sự cổ là “trận trâu lửa”. Truyền thuyết và sử sách Việt Nam ghi nhận ở núi Tiên Du có “con trâu vàng”, ông thiền sư tài ba Không Lộ của nước ta sang Trung Quốc “mượn” được “con trâu vàng khổng lồ” và lãnh tụ nông dân Bắc kỳ Nguyễn Hữu Cầu - thời vua Lê - chúa Trịnh đã sử dụng “Hỏa ngưu trận”.

“Con trâu hảo ngọt”: trong “Tây du ký” của Ngô Thừa Ân phác họa đậm nét con trâu (Ngưu Ma Vương) mê gái đẹp. Khi trâu ta di hành, thấy Ngọc Diện công chúa (vốn là con Bạch Diện hồ ly) xinh đẹp nên tán tỉnh, rồi rủ đi xây tổ uyên ương, bỏ vợ lớn là Thiết Phiến công chúa (ngoại hiệu là Bà La Sát) vì bà này dữ dằn quá. May là có nhóm thầy trò Đường Tăng thỉnh kinh đi ngang qua, cầu được chiếc quạt Ba Tiêu của Thái thượng Lão Quân quạt tắt ngọn Hỏa Diệm sơn và tiêu diệt dòng họ nhà Ngưu.

“Con trâu “robot”: trong 6 lần đem quân đi đánh nước Ngụy (lục xuất kỳ sơn), Khổng Minh thấy vận chuyển lương thảo gặp rất nhiều khó khăn, chế ra những trâu gỗ ngựa máy để tải lương ra mặt trận. Đó là những con robot tự chế độc đáo. Khi tướng Ngụy Tư Mã Ý biết được, đã cho bắt vài trâu gỗ đem về bắt chước làm, chế ra nhiều bản sao, cũng tải lương thảo cho quân Ngụy. Nhưng quân Ngụy vui mừng chưa được lâu thì đã bị quân sư bên nhà Thục Khổng Minh “bắt bài”, cho các chú trâu ngựa này không nhúc nhích và xua quân đoạt được cả lương thảo lẫn đám trâu ngựa “học nhái” của Tư Mã Ý.

“Hỏa ngưu trận” (trận trâu lửa): là một trong những chiến thuật quân sự thời cổ kỳ lạ nhất, nổi tiếng nhất về sử dụng con trâu. Đó là trận đánh thành Tức Mạc giữa nước Tề và nước Yên ở Trung Hoa thời Chiến quốc. Để bảo vệ thành trước sự bao vây của quân nước Yên, tướng Điền Đan nước Tề tập trung 1.000 con trâu của dân trong thành, cho nhuộm vải màu sắc kỳ quái, may thành áo mặc cho trâu, rồi dùng gươm đao buộc vào sừng, lấy cỏ lau khô tẩm dầu buộc vào đuôi trâu. Ông chọn những quân sĩ mạnh khỏe, cảm tử, vẽ mặt mày hung tợn, trang phục kỳ dị chờ sẵn.

Đến đêm khuya mở cửa thành, châm lửa đốt đuôi trâu. Đàn trâu đồng loạt đâm đầu thẳng vào trại quân Yên, cùng 5.000 quân cảm tử hò hét xông trận. Lúc đó, già trẻ, trai gái trong thành khua chiêng, đánh trống vang trời để trợ chiến. Quân Yên thất kinh hồn vía, tự chạy tán loạn. Thừa thắng, quân Tề tổng phản công khôi phục lại 70 thành đã mất, nước Yên bị đại bại.

Theo truyền thuyết Việt Nam: thế kỷ XIII, nước ta thiếu đồng và sắt do bị người đô hộ phương Bắc đem về Tàu. Thời ấy, ở thành Đại La (Hà Nội ngày nay) có nhà sư Không Lộ pháp thuật cao cường, Quốc sư nhà Lý, sang Trung Hoa yết kiến vua Tống xin quyên góp một ít kim khí, chỉ đựng trong một chiếc túi nhỏ để đem về đúc tượng Phật.

Thấy túi vải nhỏ, vua Tống đồng ý. Nhà sư vào kho thấy trong số kim khí có con trâu khổng lồ, đúc bằng vàng đứng canh giữ, ông dùng phép thu lại nhỏ cùng số đồng đen đi về. Về nước, sư dạy cho các thợ rèn đúc cái chuông bằng đồng đen lấy được ở Trung Hoa. Khi khánh thành, tiếng chuông ngân rất xa, sợ “trâu vàng con” bên nước Tàu nghe tiếng “trâu vàng mẹ” gọi, phóng về ở phương Nam. Sợ đất Việt bị can qua, sư Không Lộ bèn lăn chuông xuống Hồ Tây, con trâu vàng cũng nhảy xuống nước biến mất. Sau đó, sư về trời, vua Lý ban sắc sư Không Lộ là thánh tổ đúc đồng .

“Hỏa ngưu trận”: sử sách ghi nhận Nguyễn Hữu Cầu (1712- 1751) là lãnh tụ cuộc khởi nghĩa nông dân Bắc kỳ thế kỷ XVIII, phá vòng vây của quân chúa Trịnh ở Đồ Sơn (TP. Hải Phòng). Ông xuất thân trong gia đình nông dân nghèo ở Lôi Động (xã Tân An, huyện Thanh Hà, Hải Dương) nhưng có tài văn lẫn võ, bơi lội rất giỏi được gọi là quận He (tên của một loài cá).

Khi tập hợp nông dân khởi nghĩa chống tập đoàn Lê – Trịnh, ông lấy vùng Đồ Sơn làm căn cứ từ năm 1741 – 1751, nghĩa quân có lúc tới hàng vạn người. Chúa Trịnh đã nhiều lần cử quân đến đánh dẹp nhưng đều bị quân ông Cầu đánh cho tan tác. Tuy vậy, có thời khắc quân Nguyễn Hữu Cầu cũng rơi vào thế hiểm nghèo. Trong trận đánh không cân sức, nghĩa quân ông bị bao vây bốn phía, gần như không thể thoát. Tình thế này buộc ông dùng kế “hỏa ngưu trận”.

Ông huy động toàn bộ số con trâu ở trong vùng, cho buộc những mũi lao nhọn vào sừng và 2 bên sườn từng con trâu, sau đó buộc vật dễ cháy, tẩm nhựa thông vào đuôi trâu và đồng loạt châm lửa. Đàn trâu điên cuồng do bị bỏng lao thẳng vào quân Trịnh và ông Cầu tung quân chủ lực đánh khiến quân Trịnh bỏ chạy.

NGUYỄN RẠNG