Những máy “ATM tình thương”

24/04/2020 - 05:46

 - Sáng 18-4, máy “ATM gạo” đầu tiên được đưa vào hoạt động tại phường Bình Đức (TP. Long Xuyên, An Giang), do Công ty TNHH Xây dựng - Thương mại Hải Toàn thực hiện. Lãnh đạo TP. Long Xuyên quyết định đặt mua thêm 1 máy khác, tạo điều kiện cho nhiều người khó khăn được nhận gạo miễn phí. Hai ngày sau, hàng loạt nhà hảo tâm, doanh nghiệp, người dân chung tay góp sức, tạo ra một “kỳ tích”: tất cả phường, xã trên địa bàn thành phố đều có máy “ATM gạo”, nhiều nơi được đặt 2 máy.

Mấy tuần nay, máy “ATM gạo” xuất hiện ở nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước, được đa số người dân đồng tình, ủng hộ, khen ngợi. Cách làm sáng tạo này giúp người nghèo chủ động trong việc tiếp nhận, lại vừa đúng tinh thần “nhường cơm sẻ áo”, giải quyết phần nào khó khăn trước mắt trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19 bùng phát. Thấy vậy, anh Lê Hải Tùng (42 tuổi, đại diện Công ty Hải Toàn, TP. Long Xuyên) bàn bạc ý tưởng, được thành viên trong công ty (cũng là người thân trong gia đình) ủng hộ.

“Tôi liên hệ với doanh nghiệp sản xuất máy ở TP. Hồ Chí Minh, đặt mua giá 30 triệu đồng. Trước giờ, chúng tôi thường xuyên làm từ thiện, hỗ trợ gạo cho người dân nghèo ở các địa phương. Với chiếc máy này, chúng tôi thay đổi cách thức tặng gạo, người dân có thể tự đến lấy. Trước mắt, dự kiến phát gạo cho người dân khó khăn trong 1 năm, kể cả khi dịch bệnh đã chấm dứt. Thời gian nhận gạo mỗi ngày: sáng từ 8 - 10 giờ, chiều từ 14 - 16 giờ. Máy hoạt động thông qua hệ thống camera kết nối với điện thoại di động. Mỗi người sẽ được nhận khoảng 1,5kg gạo/lần” - anh Tùng chia sẻ.

Những phần gạo nghĩa tình của người Việt dành cho nhau

Hôm ấy, người đến nhận gạo không nhiều, vì họ chưa biết thông tin. Một số đến sớm, nhưng rất rụt rè, ngại ngần bên chiếc xe đạp cũ. Dù được hướng dẫn cách bấm nút, nhận gạo, họ vẫn loay hoay một lúc mới thực hiện được.

Cụ Nguyễn Văn Vẹn (90 tuổi, ngụ khóm Bình Đức 5) là người đến sớm nhất, nhận phần gạo đầu tiên. Cụ Vẹn chia sẻ, từ hôm nghỉ bán vé số đến nay, gia đình cụ sống nhờ sự hỗ trợ của địa phương và bà con hàng xóm. Nghe tin có phát gạo miễn phí, cụ chạy xe đạp đến nhận. Bọc gạo nhỏ nằm yên trong giỏ xe, nhưng mang đến niềm vui lớn lao cho những người khó khăn như cụ.

Sáng 20-4, chúng tôi nhận được thông tin: đã có 5 máy “ATM gạo” được tài trợ cho thành phố. Ít phút sau, số lượng đã lên đến 7, rồi 9, 10... Tin vui nối tiếp tin vui, số lượng gạo được hỗ trợ cũng tăng dần. Đến chiều cùng ngày, thành phố nhận được tổng cộng 15 máy “ATM gạo” từ 8 doanh nghiệp, cá nhân; 57 tấn gạo (lũy kế số lượng do UBMTTQ thành phố và các phường, xã vận động là 163 tấn). Tất cả các phường, xã đều được lắp đặt máy “ATM gạo”, riêng phường Bình Khánh và Đông Xuyên bố trí 2 địa điểm.

Cụ thể, Bí thư Tỉnh ủy Võ Thị Ánh Xuân vận động hỗ trợ 5 tấn gạo; Công ty TNHH Phú Cường hỗ trợ 3 máy “ATM gạo” và 30 tấn gạo; DNTN Vàng Kim Hương hỗ trợ 2 máy “ATM gạo” và 4 tấn gạo; Công ty TNHH Tam Long hỗ trợ 1 máy “ATM gạo” và 5 tấn gạo; Công ty TNHH XD Hải Toàn hỗ trợ 1 máy “ATM gạo” và 1 tấn gạo; Công ty TNHH XDTM&DV Vương Đỉnh hỗ trợ 1 máy “ATM gạo”; ông Tôn Tâm Quý lắp đặt 1 máy “ATM gạo” tại nhà (đường Võ Văn Hoài, khóm Bình Khánh 1, phường Bình Khánh); Công ty TNHH MTV Trường An hỗ trợ 3 máy “ATM gạo”; bà Nguyễn Thị Hồng (ngụ phường Đông Xuyên) hỗ trợ 1 máy “ATM gạo”; Công ty Cổ phần Tổ chức Nhà Quốc gia (N.H.O) hỗ trợ 2 máy “ATM gạo” và 2 tấn gạo...

Trao bằng khen của UBND tỉnh cho các cá nhân đóng góp cho công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19

Hiện nay, các phường, xã đang trong giai đoạn khảo sát địa điểm lắp đặt máy, tổ chức vận hành để gạo sớm được đến tay người cần. Đến ngày 23-4, có thêm 10 phường, xã triển khai xong hoạt động này. Sẽ có người băn khoăn: làm thế nào để xác định đúng đối tượng nhận gạo, hạn chế tình trạng tiêu cực ở các máy “ATM gạo”?

Một lãnh đạo phường chia sẻ rằng, số lượng gạo mỗi người được nhận mỗi lượt chẳng đáng bao nhiêu tiền, nhà hảo tâm không so đo điều đó khi họ đã mở lòng từ thiện. Chúng ta chỉ có thể tác động vào ý thức, tự giác của mỗi người: “Nếu khó khăn cứ lấy 1 phần, nếu bạn ổn thì nhường cho người khác”. Đối với trường hợp cố tình lợi dụng lòng tốt của xã hội, nhận gạo để bán thu lợi bất chính, chính quyền địa phương có trách nhiệm nắm tình hình, xử lý theo quy định.

Lại có ý kiến cho rằng, càng lắp đặt nhiều máy “ATM gạo”, khả năng “ế” sẽ càng cao. Theo Phó Chủ tịch UBND TP. Long Xuyên Nguyễn Phú, điều đó chẳng sao cả. “Trước khi có các máy “ATM gạo” này, thành phố và phường, xã đã vận động nhiều nguồn, hỗ trợ gạo, mì, nhu yếu phẩm, tiền mặt cho từng đối tượng khó khăn trên địa bàn. Các hoạt động hỗ trợ được thực hiện liên tục ngay từ đầu mùa dịch đến nay. Nếu không có người đến nhận gạo tại các máy “ATM gạo”, chứng tỏ công tác chăm lo an sinh xã hội của địa phương đã được thực hiện tốt, phát huy hiệu quả. Người nghèo không cần phải đi nhận gạo miễn phí nữa. Chiếc máy là minh chứng rõ nét cho thành tích ấy” - ông Phú bày tỏ.

Trân trọng các nghĩa cử cao quý, UBND tỉnh và TP. Long Xuyên đã kịp thời khen thưởng cho các doanh nghiệp, cá nhân về thành tích “đóng góp cho công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19, cùng địa phương thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội”. Sự bao dung, tương thân tương ái một cách hào sảng của người Việt đã trở thành truyền thống lâu đời, nhất là mỗi khi có “hữu sự”. Vậy thì hãy để điều đó được phát huy đến mức tối đa, để người cho đi - người nhận lại đều an lòng, hạnh phúc!

GIA KHÁNH