Phát huy tiềm năng trong sản xuất nông nghiệp, huyện Châu Thành tập trung đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, góp phần tạo đà tăng trưởng kinh tế. Huyện tích cực tuyên truyền, vận động nông dân thi đua sản xuất - kinh doanh, mạnh dạn áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao giá trị nông sản. Chủ tịch Hội Nông dân huyện Châu Thành Trương Ngọc Lợi cho biết, những năm qua, Hội Nông dân huyện tập trung đổi mới và nâng cao chất lượng tuyên truyền, vận động, phổ biến kiến thức, nâng cao kiến thức sản xuất nông nghiệp cho hội viên, nông dân. Đặc biệt, phong trào nông dân thi đua sản xuất - kinh doanh giỏi đã chuyển biến về chất so với trước đây trong việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở nông thôn. Nông dân ngày nay đang giảm dần việc sản xuất độc canh cây lúa, đổi mới tư duy trong làm ăn, đáp ứng với nhu cầu thị trường đặt ra.
Từ đó, đã xuất hiện nhiều điển hình nông dân dám nghĩ, dám làm, mạnh dạn chuyển đổi mô hình sản xuất kém hiệu quả, thực hiện chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, góp phần đa dạng hóa sản xuất, phát triển các ngành nghề, dịch vụ mới trong kinh tế nông thôn. Tiêu biểu như các mô hình: Trồng lúa kết hợp trồng dưa hấu của ông Võ Ngọc Trạng (ấp Trung Thành); trồng lúa kết hợp dịch vụ nông nghiệp của ông Võ Văn Vũ (ấp Trung Thành), ông Dương Thành Nghiệp (ngụ ấp Đông Bình Nhất); ông Võ Phước Hợp, Võ Phước Hội (ấp Đông Phú 1) với mô hình trồng nấm rơm trong nhà; trồng màu kết hợp trồng lúa của ông La Tráng Kiện (ấp Đông Bình Nhất); tưới nước tự động của ông Nguyễn Minh Bổn (ấp Tân Thành); chuyển đổi từ lúa sang cây ăn trái hiệu quả của ông Mai Hồng Tám (ấp Đông Bình Trạch); ông Nguyễn Văn Chuẩn (ấp Đông Bình Nhất) và ông Khưu Văn Lân (ấp Tân Thành), với 4ha áp dụng Chương trình “1 phải, 5 giảm” và các tiến bộ kỹ thuật để sản xuất lúa, lợi nhuận hàng năm trên 100 triệu đồng…

Ứng dụng công nghệ vào sản xuất nông nghiệp
Thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nông dân xã Vĩnh Nhuận duy trì và nhân rộng những mô hình sản xuất - kinh doanh tiêu biểu, mang lại hiệu quả kinh tế cao, như: Cam, quýt, xoài, dưa leo, dưa hấu, nấm rơm, đậu nành rau, rau màu các loại... Việc chuyển đổi đất vườn tạp, đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng rau màu và cây ăn trái được nông dân địa phương hưởng ứng tích cực.
Nhờ sự hỗ trợ, giúp đỡ của ngành nông nghiệp và chính quyền địa phương, ông Bùi Minh Thắng (ngụ ấp Vĩnh Hòa 1, xã Vĩnh Nhuận) cho biết, sau thời gian nghiên cứu, tìm hiểu, năm 2019, ông chuyển đổi 0,2ha đất từ trồng lúa sang trồng sầu riêng, hạnh, rồi tăng lên 1ha. Ngoài ra, ông còn mạnh dạn đầu tư hệ thống tưới phun tự động cho vườn sầu riêng của mình, nhằm tiết kiệm chi phí bơm tưới. Hiện, mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao cho gia đình, khoảng 100 - 150 triệu đồng/năm. Ông Thắng cho biết: “Được chính quyền địa phương tạo điều kiện, giúp đỡ, hỗ trợ tập huấn kỹ thuật chăm sóc kết hợp tham quan mô hình trồng cây ăn trái hiệu quả, tôi mạnh dạn ứng dụng trồng sầu riêng. Mô hình đang mang lại hiệu quả cao, góp phần cải thiện kinh tế gia đình”.
Xác định thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) là nhiệm vụ trọng tâm trong xây dựng nông thôn mới, xã Vĩnh Thành quan tâm hỗ trợ hộ kinh doanh, hợp tác xã phát triển sản phẩm đặc trưng địa phương. Xã có 2 sản phẩm được công nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao là sản phẩm nước mắm chay Cô Nành và tàu hủ ky của hộ kinh doanh Võ Thị Yến Phương (ấp Trung Thành). “Tham gia chương trình OCOP, chúng tôi được hướng dẫn mở rộng sản xuất, nâng cao vị thế, sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường, góp phần tăng giá trị và uy tín của sản phẩm. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục hoàn thiện, đổi mới, nâng cao sản phẩm hơn nữa, hướng tới việc có mặt tại siêu thị, nâng tầm chất lượng, đưa thương hiệu quê hương vươn xa” - chị Yến Phương chia sẻ.
Thời gian tới, huyện Châu Thành thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng phát triển công nghệ cao, gắn với khai thác và tận dụng tốt lợi thế của địa phương. Đồng thời, tiếp tục tuyên truyền, vận động nông dân ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, chú trọng tổ chức sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao... Qua đó, góp phần nâng cao giá trị nông sản, tăng sức cạnh tranh trên thị trường, đảm bảo đầu ra ổn định, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.
LÊ HOÀNG