Những món quà hơn vạn đóa hoa!

08/03/2022 - 04:19

 - Ngày 8-3, khắp nơi ngập tràn hoa, quà và những lời chúc đặc biệt gửi tặng đến phái đẹp. Song thực tế, còn có những món quà còn xứng đáng hơn, đó là tình yêu thương và sự sẻ chia trong cuộc sống!.

Lắng nghe những nhọc nhằn

Hình ảnh người phụ nữ vất vả mưu sinh, lặn lội ngược xuôi, mạnh mẽ xốc vác những việc được cho là của phái mạnh dường như không còn quá xa lạ. Họ, những phụ nữ tảo tần, nhọc nhằn kiếm sống thì ngày 8-3 không quan trọng bằng hôm nay làm được bao nhiêu tiền để lo cho gia đình. Có thể vì những nhọc nhằn của cuộc sống, họ không dám mơ mộng nhiều hay đó cũng là một ngày bình thường như bao ngày trong chuỗi lao động mưu sinh.

Với chiếc xe đẹp cũ rích, mỗi sáng, chị Nguyễn Thị Phấn (ngụ huyện Châu Thành, tỉnh An Giang) treo máng lỉnh kỉnh bao nhiêu thứ để trang bị cho “gánh” hàng rong của mình. Tiếng gà chưa gáy, chị Phấn đã phải thức dậy, tất bật chuẩn bị cho ngày mới với mong muốn bán đắt hàng. Từ bánh bò, bánh mì, cơm tấm, bún thịt xào, sữa đậu nành… và rất nhiều những món ăn vặt được chị Phấn chất gọn trên chiếc xe đạp cũ. Rong ruổi khắp các con đường lớn nhỏ để bán cho người dân trong vùng. Đồng lời kiếm được khoảng 1.000-2.000 đồng/món, tuy ít ỏi nhưng nhiều năm qua, đây là nguồn thu nhập chính của người phụ nữ chịu thương chịu khó ấy.

“Mặc dù nhà cách chợ không xa, khoảng 5 phút chạy xe máy, đến chợ thì món gì cũng có, nhưng hàng ngày tôi vẫn muốn đợi xe hàng rong của chị Phấn để mua ủng hộ. Hôm thì bịch bánh bông lan, khi thì hộp cơm tấm, hay những món ăn vặt khác. Ra chợ mua cũng vậy, thôi thì mua dùm chị Phấn để nhanh hết hàng và chị được về nhà sớm, có thời gian chăm lo cho gia đình” - chị Cẩm Giang (ngụ thị trấn An Châu, huyện Châu Thành) bày tỏ.

Còn với chị Nguyễn Thị Bé Tư (ngụ xã Bình Hòa, huyện Châu Thành) sau một thời gian chật vật tìm kiếm công việc, chị xin vào làm công nhân tại Khu công nghiệp Bình Hòa với mức lương khiêm tốn. Chồng chị làm phụ hồ nhưng công việc không ổn định. Hai vợ chồng còn lo cho 2 con gái (con lớn học lớp 7 và con nhỏ đang học lớp 3), cuộc sống gia đình còn nhiều khó khăn nên nên hàng ngày gia đình chị phải thắt chặt các khoản chi tiêu, tính toán kỹ lưỡng.

“Bươn chải với nhiều nghề, cực khổ lo “cơm áo gạo tiền”, tôi tự nhủ cuộc sống của mình sao cũng được, tập trung lo cho 2 con ăn học đến nơi đến chốn để sau này các con đỡ vất vả, có được cuộc sống khá hơn. Thấy nhiều chị em đồng trang lứa với mình, tay ôm hoa trong chiếc áo dài xinh đẹp, tôi cảm thấy buồn. Là phụ nữ, ai không thích được như vậy! Nhưng hoàn cảnh không cho phép nên bản thân mình phải cố gắng nhiều hơn, lấy nụ cười của các thành viên trong gia đình làm niềm vui, nghị lực để vươn lên trong cuộc sống!” - chị Bé Tư chia sẻ.

Sẻ chia những áp lực

Cùng với sự phát triển của đất nước, đội ngũ nữ trí thức Việt Nam ngày càng trưởng thành, trở thành nguồn lực quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Thực tế, xã hội Việt Nam hôm nay ngày càng có nhiều phụ nữ tham gia các cơ quan, ban ngành từ Trung ương đến địa phương, là lực lượng đóng góp hữu ích cho nền kinh tế ở khu vực công và tư nhân, họ tham gia tích cực các hoạt động cộng đồng. Song, thực tế cho thấy, trách nhiệm của người phụ nữ trong gia đình và ngoài xã hội đang ngày càng nặng hơn. Hầu như, việc giải “bài toán” cân bằng giữa công việc và gia đình luôn là trăn trở của các chị em. Phụ nữ càng có nhiều cơ hội cống hiến cho xã hội nhưng cũng đồng nghĩa phải gặp nhiều thử thách trong nuôi dạy con và giữ hạnh phúc gia đình. 

Sau khi tốt nghiệp đại học chuyên ngành sư phạm năm 2003, cô Nguyễn Thị Ánh Hồng về công tác tại Trường THPT Chu Văn An, đến năm 2006 cô Ánh Hồng chuyển về công tác tại Trường THPT Nguyễn Quang Diêu (TX. Tân Châu) đến nay. Từng giữ vai trò Bí thư Đoàn trường rồi đến vị trí Phó Hiệu trưởng, cô Ánh Hồng tâm sự: “Vị trí càng cao trách nhiệm càng lớn. Khó khăn chưa bao giờ là trở ngại lớn đối với mình, nhưng làm sao giữ vững được thành tích của nhà trường mà thế hệ đi trước để lại là điều bản thân luôn trăn trở”. Cô Ánh Hồng luôn nghiên cứu, tìm tòi, sáng tạo và có những bước đi mang tính đột phá để góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của trường.

"Những năm qua, tôi luôn cố gắng dung hòa, sắp xếp khéo léo giữa việc của trường và việc gia đình, chăm sóc con cái. Ở vai trò phó hiệu trưởng, với bao công việc phải lo, nhưng may mắn, gia đình luôn động viên, ủng hộ nên tôi được cống hiến hết mình với nghề. Ở trường là người thầy tốt, về nhà là người vợ đảm, mẹ hiền là phương châm sống của tôi. Chỉ cần nhìn thấy nụ cười của những người mình yêu thương thì bao áp lực, khó khăn cũng đều có thể vượt qua!”- cô Ánh Hồng chia sẻ.

Gần 20 năm gắn bó với công tác Đoàn, chị Nguyễn Thiên Thanh (Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh đoàn) đạt được nhiều thành tích nổi bật trong công tác Đoàn và phong trào thanh niên. Theo chị Thanh, hoạt động đoàn ở mỗi giai đoạn, mỗi thời kỳ và mỗi môi trường có những thuận lợi và khó khăn khác nhau. Tùy theo điều kiện thực tế sẽ có những lựa chọn phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh để tổ chức thực hiện các hoạt động phong trào một cách sáng tạo và hiệu quả nhất.

“Là nữ cán bộ Đoàn, tôi thấy bản thân phải nỗ lực gấp nhiều lần. Có khi vào hoạt động cao điểm, phải đi sớm về khuya, không kể là ngày cuối tuần, ngày lễ, Tết. Đôi khi việc nhiều quá phải mang về nhà làm vào buổi tối. Không chỉ riêng mình mà các nữ cán bộ Đoàn khác cũng phải cố gắng hơn” - chị Thiên Thanh trải lòng.

Người phụ nữ cần được sống và làm việc đúng với sở trường, năng lực, nhu cầu của chính họ. Dù là lao động chân tay hay lao động trí óc, phụ nữ rất cần sự yêu thương, thấu hiểu, sẻ chia từ những người bên cạnh, đặc biệt là từ người cùng họ gánh vác gia đình. Được vậy, ngày nào cũng là ngày 8-3, dẫu không có hoa hay những lời chúc tốt đẹp.

PHƯƠNG LAN

 

Liên kết hữu ích