Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa có văn bản gửi các tổ chức tín dụng (TCTD) thông báo mức tăng trưởng tăng thêm từ nay đến cuối năm.
Theo đó, các TCTD có dư nợ tín dụng đến nay đạt đến 80% chỉ tiêu tín dụng đã được thông báo thì sẽ được chủ động bổ sung hạn mức tăng thêm dựa trên cơ sở xếp hạng năm 2022, đồng thời ưu tiên thêm cho những TCTD tập trung tín dụng vào các lĩnh vực ưu tiên của Chính phủ và hạ lãi suất cho vay xuống mức thấp trong thời gian vừa qua.
Cơ quan quản lý nhấn mạnh rằng "việc bổ sung hạn mức này là sự chủ động của NHNN mà các TCTD không cần thiết phải đề nghị hoặc xin bổ sung".
Đến tháng 7/2023, NHNN đã phân bổ hạn mức tín dụng cho toàn hệ thống tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (TCTD) với tổng mức tăng trưởng 14,5%.
Tuy nhiên, 11 tháng qua tăng trưởng kinh tế còn gặp khó khăn, sức hấp thụ vốn và cầu tín dụng của nền kinh tế còn yếu nên đến ngày 22/11/2023, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống mới đạt 8,21%, thấp hơn so với chỉ tiêu định hướng đầu năm. Mức tăng trưởng tín dụng của hệ thống TCTD không đồng đều, một số TCTD tăng trưởng khá cao, một số TCTD tăng trưởng thấp, thậm chí tăng trưởng âm.
NHNN không công bố những ngân hàng nào được cấp thêm room tín dụng, nhưng xét theo tiêu chí do cơ quan này đưa ra là TCTD có dư nợ tín dụng đạt từ 80%, cộng với việc tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên của Chính phủ cũng như đi đầu trong việc hạ lãi suất cho vay thời gian qua. Những ngân hàng thương mại lớn sẽ là đối tượng được cấp thêm room tín dụng lần này.
Agribank, Vietcombank, VietinBank và BIDV sẽ là những cái tên đầu tiên được nhắc đến. Đây là những ngân hàng giảm lãi suất cho vay xuống mức thấp nhất, tín dụng tập trung vào những lĩnh vực ưu tiên của Chính phủ.
Tuy nhiên, xét đến yếu tố tăng trưởng tín dụng kể từ đầu năm, việc cấp thêm room tín dụng chưa hẳn đã là mục tiêu cấp bách đối với Vietcombank.
Với quan điểm cho vay thận trọng, cộng với sức hấp thụ vốn của nền kinh tế còn yếu, tăng trưởng tín dụng 9 tháng đầu năm của Vietcombank chỉ đạt 3,8% so với đầu năm, tương đương mức tăng 44.000 tỷ đồng (mức tăng bình quân toàn ngành là 6,9%).
Trong khi đó, thanh khoản tại Vietcombank lại đang khá dồi dào khi tăng trưởng tiền gửi đã vượt xa tốc độ tăng trưởng cho vay ở mức 7,5% so với đầu năm.
Trong đợt điều chỉnh tăng trưởng tín dụng hồi tháng 7/2023, NHNN cũng không điều chỉnh room tín dụng cho Vietcombank do ngân hàng này không đề nghị.
Còn tại Agribank, trong một cuộc trao đổi với báo chí hồi tháng 7/2023, một lãnh đạo ngân hàng này cho biết: “Tăng trưởng của Ngân hàng không đáng kể, do đó, Agribank chưa có nhu cầu điều chỉnh chỉ tiêu”.
Một số ngân hàng có lãi suất thấp sẽ được ưu tiên điều chỉnh room tín dụng (Ảnh H.H)
Cùng thời điểm đó, VietinBank và BIDV là hai ngân hàng được NHNN điều chỉnh room tín dụng lên 14%.
Bên cạnh nhóm 4 ngân hàng thương mại có vốn nhà nước nói trên, một số ngân hàng thương mại cổ phần luôn nằm trong nhóm các ngân hàng có mức tăng trưởng tín dụng cao và thường phải nới thêm room là MB, VPBank, HDBank, ACB, VIB, Techcombank, TPBank và Sacombank.
Thực tế ngay từ tháng 7/2023 các nhà băng này cũng đã đề nghị NHNN được cấp thêm room tín dụng.
Việc điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho các TCTD được NHNN thực hiện trên cơ sở đề nghị của TCTD, tình hình hoạt động, năng lực tài chính, quản trị điều hành và khả năng mở rộng tín dụng lành mạnh của từng TCTD, đảm bảo thanh khoản và an toàn hoạt động của hệ thống TCTD.
NHNN cho biết, từ nay đến hết năm sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến thị trường để có các giải pháp điều hành kịp thời, phù hợp, chủ động bổ sung hạn mức, sẵn sàng hỗ trợ thanh khoản tạo điều kiện cho các TCTD cung ứng vốn tín dụng cho nền kinh tế.
Tại Chỉ thị ngay từ đầu năm, NHNN xác định mức tăng trưởng tín dụng năm 2023 khoảng 14-15% và được linh hoạt điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế, tạo điều kiện thuận lợi cho các TCTD cung ứng nguồn vốn tín dụng cho nền kinh tế.
Theo TUẤN NGUYỄN (VietNamNet)