Tết đoàn viên mang đến giá trị truyền thống tốt đẹp
Tết Nguyên đán hay còn gọi là Tết ta, là một trong những ngày lễ quan trọng nhất trong văn hóa của người Việt Nam. Đây là dịp mọi người sum vầy bên gia đình, cùng nhau đón chào năm mới và tiễn đưa năm cũ. Tết đoàn viên mang đến những giá trị truyền thống tốt đẹp, là dịp để mỗi người chúng ta thêm trân trọng khoảnh khắc sum vầy, ấm áp bên người thân.
Tết Nguyên đán có nguồn gốc từ nền văn minh lúa nước của người Việt cổ. Theo quan niệm của người xưa, đây là thời điểm giao thoa giữa năm cũ và năm mới, là lúc đất trời chuyển mình, vạn vật sinh sôi nảy nở. Tết không chỉ là dịp để mọi người nghỉ ngơi sau 1 năm lao động vất vả, mà còn để cúng bái tổ tiên, cùng nhau cầu mong năm mới an khang, thịnh vượng, vạn sự như ý.
“Mấy mươi mùa Tết đã qua, cứ đến mùng 2 Tết, tất cả con cháu đều tề tựu về nhà thờ tổ để mừng tuổi, chúc Tết mẹ. Năm nay, mẹ tôi bước sang tuổi 94, điều chúng tôi mong muốn nhất là bà sẽ thật khỏe mạnh để đại gia đình chúng tôi được cất vang câu hát “Mừng tuổi mẹ” vào những ngày đầu năm. Còn mẹ là còn nơi để về. Vậy nên, những dịp đoàn viên như thế, chúng tôi đều quây quần bên mẹ, kể cho bà nghe về một năm bươn chải của mình, hứa sẽ sống thật tốt để không làm mẹ buồn lòng” - ông Minh Khoa bày tỏ thêm.
Tết Nguyên đán mang trong mình nhiều ý nghĩa sâu sắc. Dù đi đâu, làm gì, mỗi người con đất Việt đều mong muốn được trở về nhà, cùng người thân đón Tết. Bữa cơm tất niên ấm cúng, những câu chuyện rôm rả đầu năm, hay lời chúc tốt đẹp dành cho nhau là khoảnh khắc vô giá, không gì có thể thay thế được. Tết là dịp để mỗi người nhìn lại năm đã qua, tự đánh giá thành công và thất bại của bản thân. Đây cũng là dịp để chúng ta đặt ra mục tiêu mới cho năm tới, đồng thời rút ra bài học kinh nghiệm cho mình.
“Việc cúng bái tổ tiên, dọn dẹp nhà cửa, hay chuẩn bị mâm cỗ cúng giao thừa là những nét đẹp văn hóa truyền thống, thể hiện lòng thành kính của con cháu đối với ông bà, cha mẹ. Tết năm nào, tôi đều thu xếp thời gian đến thăm nhà nội ngoại của vợ chồng. Có thể vì công việc, chúng tôi có thể vắng buổi họp mặt vào dịp giỗ ông bà, nhưng Tết thì nhất định phải có mặt để tận hưởng giây phút sum vầy ngắn ngủi nhưng đong đầy tình yêu thương” - chị Nguyễn Thị Kim Ngân (ngụ phường Bình Đức, TP. Long Xuyên) chia sẻ.
Trong những ngày Tết Nguyên đán, có rất nhiều hoạt động diễn ra. Trước hết, đó là việc dọn dẹp nhà cửa, trang trí nhà cửa. Tiếp theo là việc chuẩn bị mâm cúng giao thừa và cúng tổ tiên. Mâm cúng thường có nhiều món ăn truyền thống, mang đậm hương vị quê hương, như: Bánh chưng, bánh tét, thịt kho hột vịt... Tất cả hoạt động ấy, tự thân nó đã mang đến nét đẹp của sự sum họp và đoàn viên.
“Tôi hạnh phúc khi các con, cháu quây quần bên mình những ngày Tết. Nhìn vợ chồng hạnh phúc, con cái ngoan ngoãn, đó chính là món quà lớn nhất dành cho tôi rồi, không mong cầu gì hơn. Giây phút đoàn viên cũng là lúc ngôi nhà nhỏ quanh năm yên ắng vang lên tiếng cười rộn rã, hơi ấm tình thân xua đi vất vả, cực nhọc của một năm bộn bề. Từ đây, mọi thành viên trong gia đình đều phấn đấu cho năm mới với nhiều điều tốt đẹp” - bà Nguyễn Thị The (ngụ xã Hòa Bình Thạnh, huyện Châu Thành) tâm sự.
Trong cuộc sống hiện đại, đôi khi chúng ta quên mất giá trị truyền thống tốt đẹp. Vì vậy, hãy dành thời gian cho gia đình nhiều hơn, để giá trị truyền thống tốt đẹp mãi mãi được lưu giữ, phát huy và trường tồn.
PHƯƠNG LAN