Những nỗ lực trong công tác lao động, người có công và xã hội năm 2020

29/12/2020 - 05:15

 - Năm 2020, dù tình hình kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, ngành lao động - thương binh và xã hội (LĐ-TB&XH) tỉnh An Giang đã nỗ lực, phối hợp triển khai thực hiện có hiệu quả các hoạt động thuộc lĩnh vực quản lý, hầu hết các chỉ tiêu được giao của ngành đều đạt và vượt so kế hoạch.

Nhiều tập thể, cá nhân được khen thưởng có thành tích xuất sắc trong công tác công nhận người có công với cách mạng giai đoạn 2013-2020

Theo đó, hoạt động tuyển sinh đào tạo nghề nghiệp khoảng 30.353 người, đạt tỷ lệ 121,4% kế hoạch năm; đưa 300 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Giữ tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị dưới 4%... Tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề nghiệp từ 53,86% năm 2019 lên 60% năm 2020 và tỷ lệ lao động qua đào tạo từ 62,5% năm 2019 lên đạt 65% năm 2020. Tỷ lệ hộ nghèo còn 1,9%.

Hiện, tỉnh không còn hộ nghèo có thành viên thuộc đối tượng người có công với cách mạng... Cụ thể, trong thực hiện chính sách người có công, luôn quan tâm, đẩy mạnh phong trào chăm lo cho người có công với cách mạng. Phân bổ trên 6,12 tỷ đồng kinh phí điều dưỡng và trang cấp phương tiện trợ giúp, dụng cụ chỉnh hình. Trong đó, có hơn 1,1 tỷ đồng cấp phương tiện trợ giúp, gần 2 tỷ đồng điều dưỡng tập trung và trên 3 tỷ đồng điều dưỡng tại nhà. Về công tác mộ và nghĩa trang liệt sĩ, đã giải quyết di chuyển 15 hài cốt liệt sĩ về quê nhà, đồng thời hỗ trợ kinh phí cất bốc với số tiền hơn 84 triệu đồng.

Điều chỉnh thông tin và khắc lại mộ bia liệt sĩ đối với 9 trường hợp. Tổ chức lấy 100 mẫu sinh phẩm hài cốt liệt sĩ đề nghị Cục Người có công (Bộ LĐ-TB&XH) giám định ADN xác định danh tính liệt sĩ. Theo báo cáo tổng kết, rà soát việc công nhận người có công với cách mạng, An Giang hiện quản lý hồ sơ và thực hiện chế độ ưu đãi trên 40.000 hồ sơ người có công với cách mạng, người tham gia cách mạng.

Trong đó, gần 10.000 hồ sơ liệt sĩ; 751 mẹ Việt Nam Anh hùng, trên 5.500 thương binh, gần 400 bệnh binh, hơn 900 người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày; trên 3.200 người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc đã được giải quyết trợ cấp 1 lần; trên 15.600 người có công giúp đỡ cách mạng được xác nhận; trên 420 người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học và 100 con đẻ của họ được xác nhận.

Ngoài ra, có trên 2.000 học sinh, sinh viên là con của người có công hưởng chế độ ưu đãi về giáo dục và đào tạo với kinh phí trợ cấp bình quân trên 2 tỷ đồng. Hiện tại, có gần 8.000 người có công và thân nhân của họ đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng với kinh phí gần 150 tỷ đồng/năm. Toàn tỉnh có 87 gia đình được Chủ tịch nước tặng Huân chương Độc Lập cho gia đình có nhiều liệt sĩ...

Đặc biệt, ngành đã tham mưu thực hiện chi trả theo Nghị quyết số 42/NQ-CP và Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg đảm bảo đúng, đủ, kịp thời, giúp các nhóm đối tượng giảm bớt khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19... Thực hiện đầy đủ, kịp thời, hiệu quả chính sách người có công mà Pháp lệnh ưu đãi người có công do Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành.

Từ đó, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, thúc đẩy mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tiếp tục phát huy tốt vai trò thường trực Tổ tư vấn an sinh xã hội của tỉnh, Sở LĐ-TB&XH tập trung tham mưu, hướng dẫn triển khai thực hiện tốt các chính sách xã hội và huy động được các nguồn lực thực hiện giảm nghèo bền vững, thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, dự án chương trình giảm nghèo trên địa bàn tỉnh; các chính sách hỗ trợ về tín dụng, giáo dục, y tế... cho người nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội.

Theo đó, từ đầu năm 2020 đến nay, đã giải ngân cho trên 30.000 hộ vay với số tiền trên 968 tỷ đồng. Khám, chữa bệnh cho người nghèo 5.738 lượt người, kinh phí trên 2.125 tỷ đồng; khám, chữa bệnh miễn phí cho trẻ dưới 6 tuổi 3.632 lượt trẻ, với kinh phí trên 1.245 tỷ đồng. Đồng thời, hỗ trợ nhân rộng 22 mô hình giảm nghèo cho 537 hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo...

Dù tình hình kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn nhưng với sự quan tâm, nỗ lực và triển khai đồng bộ các giải pháp của các cấp, ngành, công tác giảm nghèo và bảo trợ xã hội tiếp tục có chuyển biến tích cực. An sinh xã hội được đảm bảo, đời sống người nghèo, cận nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội ngày càng được cải thiện. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 2,63% đầu năm 2019 xuống còn dưới 2% cuối năm 2020, đạt chỉ tiêu nghị quyết HĐND tỉnh đề ra.

Năm 2021, công tác lao động - người có công và xã hội tỉnh An Giang phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ cơ bản như: tuyển sinh đào tạo nghề nghiệp khoảng 20.000 người; đưa trên 300 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; giữ tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị dưới 4%. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 66,5%; thực hiện đúng, đủ, kịp thời và công bằng các chế độ chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng và thân nhân của họ theo quy định; tăng cường các hoạt động trợ giúp nhằm sớm ổn định đời sống người nghèo, đẩy nhanh thực hiện công tác giảm nghèo bền vững.

Cùng với đó là đảm bảo trợ cấp thường xuyên cho 100% đối tượng bảo trợ xã hội tại cộng đồng theo quy định và trợ giúp, cứu trợ kịp thời cho các đối tượng gặp thiên tai, tai nạn rủi ro đột xuất; củng cố, duy trì và xây dựng mới xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em; xã, phường, thị trấn lành mạnh không có tệ nạn ma túy, mại dâm...

PHƯƠNG LAN