Những sự kiện, ký ức không thể nào quên

25/01/2023 - 05:09

 - Năm Đinh Mão 967, hoàng đế Đinh Tiên Hoàng đặt Quốc hiệu nước ta là Đại Cồ Việt, xây dựng bộ máy hành chính thống nhất, xác định cương thổ, phát hành tiền tệ… sánh ngang cùng các quốc gia. Đến thời điểm này, sự nghiệp “tái lập quốc” chính thức hoàn thành, là sự kiện đặc biệt quan trọng, có ý nghĩa vô cùng to lớn, mở ra kỷ nguyên phát triển vinh quang của dân tộc.

Khoa thi đầu tiên

Năm Thần Vũ thứ 2 triều nhà Lý (năm 1070), vua Lý Thánh Tông cho thành lập Văn Miếu. Năm Thái Ninh thứ 4 (tháng 3/1075 - Ất Mão), vua Lý Nhân Tông tổ chức khoa thi “Minh kinh bác sĩ và Nho học tam trường” chọn người tài đức bổ dụng vào bộ máy nhà nước.

Nổi tiếng thông minh và hiếu học từ nhỏ, ông Lê Văn Thịnh (xã Đồng Cứu, huyện Gia Định (nay là huyện Gia Bình), tỉnh Bắc Ninh) đỗ đầu khoa thi, trở thành bậc khai khoa các nhà khoa bảng nước ta, gọi là “Trạng nguyên khai khoa” dù kỳ thi năm 1075, triều đình chỉ lấy người đỗ đầu, chưa định thứ bậc trạng nguyên, bảng nhãn, thám hoa.

Ngay sau kỳ thi, vua triều Lý tiếp tục cho xây Quốc Tử Giám bên cạnh Văn Miếu để nhà vua ra đây học tập. Vua Lý Nhân Tông trở thành “học viên” đầu tiên của Quốc Tử Giám và ông Lê Văn Thịnh là thầy giáo đầu tiên được dạy vua.

Giữ chức Thị lang Bộ binh, nhờ kiến thức sâu rộng, có tài ngoại giao, vua phái ông Lê Văn Thịnh dẫn đầu sứ bộ nước ta đến trại Vĩnh Bình thương lượng sứ bộ nhà Tống, đòi lại đất biên giới bị chiếm dụng. Hoàn thành nhiệm vụ được giao, ông thăng đến chức Thái sư, đứng đầu trong “Tam thái” (thái sư, thái phó, thái bảo), phẩm cao hơn cả chức vụ tể tướng. Tính từ khoa thi đầu tiên năm 1075, đến khoa thi cuối cùng của triều Nguyễn (năm 1919), các triều đại phong kiến Việt Nam tổ chức được 183 kỳ thi, có 2.898 người đỗ tiến sĩ.

Bộ luật đầu tiên

Năm Quý Mão - 1483, vua Lê Thánh Tông (1460-1497) cho biên soạn và ban hành “Quốc triều hình luật”, nhưng người dân tôn gọi là Bộ luật Hồng Đức - niên hiệu thứ 2 của vị vua Lê Thánh Tông. Đây là bộ luật chính thức của nhà nước Đại Việt thời Lê sơ, hiện nay còn lưu giữ được đầy đủ, là bộ luật đầu tiên tổng hợp nhiều quy phạm pháp luật, thuộc nhiều lĩnh vực, như: Hình sự, dân sự, hôn nhân và gia đình, luật tố tụng, luật hành chính...

Văn Miếu Quốc Tử Giám - Trường đại học đầu tiên của nước ta

Bộ luật có 13 chương, 722 điều, với 2 phần. Phần đầu là bản phụ lục, ghi về biểu đồ tang chế và các quy định về kích thước đồ hình cụ (roi, trượng, gông, dây sắt...). Phần hai, bên cạnh các quy định, các nhà làm luật phong kiến đều gắn hành vi vi phạm với một hay nhiều hình phạt. Pháp luật phong kiến nói chung mang nặng tính hình sự, mặc dù hành vi đó có sự phân biệt giữa dân luật và hình luật.

Bộ luật Hồng Đức được tìm thấy trên 2 bài vị ván khắc và một bản chép tay với tiêu đề: Lê triều hình sự. Các tài liệu này đều không ghi thông tin tên tác giả, niên đại, không có lời tựa... Bộ luật được ban bố đầu tiên trong khoảng năm 1490-1497 dưới thời vua Lê Thánh Tông. Các nhà nghiên cứu cho rằng, bộ luật này được biên soạn và ban hành từ thời vua Lê Thái Tổ (1428). Đặc biệt, có sự đóng góp đắc lực của Nguyễn Trãi, Phan Phu Tiên... và được hoàn chỉnh với sự đóng góp to lớn của vua Lê Thánh Tông. 

“Giáo trình” cách mạng đầu tiên

Đầu năm Đinh Mão - 1927, các bài giảng của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc được Bộ Tuyên truyền của Hội Liên hiệp các dân tộc bị áp bức tập hợp lại và xuất bản thành sách tên gọi “Đường Kách mệnh”. Đây là cuốn “giáo trình”, văn kiện lý luận chính trị đầu tiên của Đảng, giáo dục lý luận chính trị cho đội ngũ cán bộ của Đảng, đặt cơ sở tư tưởng, đường lối cho cách mạng Việt Nam.

Từ năm 1925-1927, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trực tiếp mở lớp huấn luyện chính trị cho 75 thanh niên ưu tú đầu tiên của cách mạng Việt Nam ở Quảng Châu (Trung Quốc). Các bài giảng của Người là “cẩm nang”, tài liệu chính cho học viên nghiên cứu và trao đổi. Để phổ biến, tuyên truyền rộng rãi, sách phát cho các học viên, đồng thời bí mật đưa về Việt Nam qua các đồng chí Nguyễn Lương Bằng, Nguyễn Công Thu, Nguyễn Văn Hoan... 

Trở thành “cẩm nang”, “Đường Kách mệnh” cùng Người về nước hoạt động, chuẩn bị chính trị, tư tưởng và tổ chức thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Sau đó, phát động, lãnh đạo nhân dân đấu tranh, làm nên thắng lợi Cách mạng Tháng Tám năm 1945, thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, làm “chấn động địa cầu” với chiến thắng Điện Biên Phủ, mở ra kỷ nguyên mới trong lịch sử dân tộc.

Thông qua “Đường Kách mệnh”, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - là người cộng sản Việt Nam đầu tiên trình bày những điều cốt lõi của học thuyết Mác - Lê-nin, phù hợp với điều kiện của một nước thuộc địa nửa phong kiến, nông nghiệp lạc hậu.

Trong tác phẩm, Người nêu rõ những chuẩn mực đạo đức của những người làm cách mạng: Phải là những người có nhân cách, đạo đức và phẩm hạnh thì mới tiếp thu được tinh thần của lý luận, mới làm tròn nhiệm vụ cách mạng khó khăn.

 “Đường Kách mệnh” trình bày một  hệ thống những vấn đề cơ bản của lý luận chính trị, cơ sở cho hoạch định đường lối của cách mạng Việt Nam. Gần một thế kỷ tồn tại, “Đường Kách mệnh” vẫn giữ nguyên tính thời sự trong sự nghiệp đổi mới, hội nhập quốc tế hiện nay của đất nước. Tác phẩm hiện còn nguyên bản gốc, là một trong 5 báu vật quốc gia phi vật thể của Bác Hồ để lại cho dân tộc.

NGUYỄN RẠNG