So với những quy định hiện hành, Thông tư 16 sửa đổi này có một số điểm mới, thay đổi so với năm 2020.
3 lần điều chỉnh nguyện vọng
Thông tư 16 bổ sung phương thức thí sinh đăng ký xét tuyển nguyện vọng xét tuyển đại học, cao đẳng bằng hình thức trực tuyến.
Sau khi có điểm thi tốt nghiệp THPT, thí sinh được điều chỉnh nguyện vọng tối đa 3 lần (năm 2020 thí sinh chỉ được điều chỉnh nguyện 1 lần).
Để xét tuyển đợt 1, thí sinh đăng ký nguyện vọng xét tuyển vào đại học, cao đẳng chỉ được chọn một trong hai phương thức: đăng ký trực tiếp trên phiếu đăng ký dự thi và đăng ký xét tuyển hoặc đăng ký trực tuyến theo hướng dẫn của sở GD&ĐT và nộp lệ phí đăng ký xét tuyển.
Trong các đợt xét tuyển sau, thí sinh thực hiện đăng ký xét tuyển và nộp lệ phí theo quy định của cơ sở đào tạo.
Thí sinh xác nhận nhập học vào trường đã trúng tuyển trong thời hạn quy định bằng cách gửi bản chính Giấy chứng nhận kết quả thi tốt nghiệp THPT đến trường trực tiếp hoặc thư chuyển phát nhanh. Các thí sinh đã xác nhận nhập học sẽ không được tham gia xét tuyển ở các cơ sở đào tạo khác.
Quá thời hạn, nếu thí sinh không xác nhận nhập học thì được hiểu là từ chối nhập học và cơ sở đào tạo được xét tuyển thí sinh khác.
Thí sinh tham gia thi THPT.
Thí sinh đặt hàng đào tạo
Năm nay Bộ GD&ĐT quy định, ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào thực hiện theo quy định "điểm trúng tuyển không thấp hơn điểm chuẩn của ngành đào tạo".
Cùng với đó, Thông tư 16 cũng nêu rõ, điểm trúng tuyển có thể thấp hơn không quá 1 điểm so với điểm chuẩn của ngành đào tạo trong trường hợp thí sinh được UBND cấp tỉnh (thuộc vùng Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ) đặt hàng để đào tạo lao động cho các cơ quan, tổ chức doanh nghiệp của tỉnh và cam kết sử dụng sinh viên tốt nghiệp; thí sinh có hộ khẩu thường trú từ 3 năm trở lên và học 3 năm cấp THPT tại địa phương đặt hàng, cam kết làm việc tại tỉnh sau khi tốt nghiệp; chủ tịch UBND tỉnh đặt hàng chịu trách nhiệm giải trình với các cơ quan chức năng và xã hội về nhu cầu đặt hàng đào tạo và sử dụng lao động sau đào tạo.
Thông tư 16 sửa đổi cũng quy định hỗ trợ của Bộ GD&ĐT trong việc quản lý Cơ sở dữ liệu xét tuyển chung toàn quốc; xây dựng, duy trì và vận hành Cổng thông tin tuyển sinh để hỗ trợ thí sinh và các cơ sở đào tạo trong công tác tuyển sinh, bao gồm các thông tin: Chỉ đạo điều hành công tác tuyển sinh, cơ sở dữ liệu về kết quả thi tốt nghiệp THPT, hệ thống nhập dữ liệu thống kê nguyện vọng của thí sinh và các thông tin khác cần thiết cho công tác tuyển sinh.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 16-7-2021.
Theo HÀ CƯỜNG (VTC News)