Ni trưởng Thích nữ Diệu Thông thế danh Phạm Thị Bạch Liên, pháp danh Diệu Thông, biệt danh Chín Tô. Bà sinh năm 1935, tại làng Tân Dương, huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp). Khi nhỏ, bà sớm tiếp cận giáo lý từ bi, hỉ xả của nhà Phật, nhưng cũng sớm chứng kiến cảnh người dân khốn khổ dưới chế độ thực dân, đế quốc. Năm 1959, sau thời gian tu học tại Huế, bà trở về miền Nam, đúng thời điểm chế độ Việt Nam Cộng hòa thi hành Luật 10/59, thảm sát đẫm máu đối với chiến sĩ cách mạng.
Chứng kiến cảnh đồng bào bị đàn áp, bà nhận thức rằng, tu hành là cứu khổ, cứu nạn, không thể an trú trong ngôi chùa khi nước nhà bị xâm lược, Nhân dân sống đời cơ cực, lầm than… Thế là ni cô Diệu Thông quyết chí đi theo tiếng gọi của non sông. Dưới “vỏ bọc” tu sĩ, bà gia nhập lực lượng Biệt động Sài Gòn - Gia Định, tham gia đơn vị F100 từ năm 1965. Đây là lực lượng tinh nhuệ được chuẩn bị cho Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968.

Ni trưởng Thích nữ Diệu Thông (giữa) chụp ảnh lưu niệm cùng các đồng chí trong Ban Liên lạc Tình báo Quốc phòng tại An Giang
Khi tham gia vào lực lượng này, bà đã làm đủ nghề, hóa trang đủ kiểu để qua mắt quân thù. Có khi là sư cô đi khất thực, hoặc một nhà tu đi bán nhang, bán tương hột… Mọi việc chỉ nhằm một mục đích trinh sát, vận chuyển vũ khí và dẫn đường cho các trận đánh then chốt. Chùa Tam Bảo, Trúc Lâm, Liên Trì, Bổn Nguyện… do bà cùng Hòa thượng Viên Hảo thành lập. Nơi đây không chỉ để tu hành, mà còn là căn cứ hoạt động bí mật, nơi chứa vũ khí, tài liệu, thuốc nổ, phục vụ cho cuộc kháng chiến. Dưới nền đất, trong pho tượng Phật hay các lu chứa tương hột…. kíp nổ và súng ngắn được cất giấu cẩn mật. Những ngôi chùa ấy đã trở thành bình phong, “mắt xích” quan trọng trong mạng lưới chiến đấu của biệt động Sài Gòn, giữa trung tâm đầu não của địch.
Diệu Thông làm trinh sát, tham gia nhiều trận đánh ác liệt, mang tính quyết định, trong đó có các trận đánh tiêu biểu năm 1969. Tháng 3, lực lượng biệt động Sài Gòn đánh trụ sở Thượng Nghị viện; tháng 4 đánh trạm điện cao thế tại trường đua Phú Thọ; tháng 5 đánh trạm xe buýt Mỹ trên đường Nguyễn Văn Thoại; tháng 7 đánh cư xá Hạ sĩ quan độc thân của Mỹ. Những trận đánh đó, bà cùng nữ đồng đội chiến đấu quả cảm, góp phần tiêu diệt nhiều tên ác ôn của địch, khiến cả chính quyền Sài Gòn và quân đội Mỹ hoang mang cực độ.
Trong ký ức của bà, trận đánh vào cư xá Mỹ là một “dấu ấn đau thương”. Bà nghẹn ngào kể: “Khi Tám A hy sinh, thân thể văng lên rào kẽm gai, lúc này tôi như bị dao cắt vào tim, bởi giữa tôi và các chị từng ăn cơm chung, ngủ cùng chiếc chiếu tre dưới tượng Phật”. Diệu Thông từng bị bắt, bị tra tấn dã man, nhưng bà kiên quyết không khai báo, để bảo vệ tổ chức, đồng đội của mình. Cuộc đời tham gia cách mạng của bà được tặng nhiều phần thưởng cao quý, như: Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, Huân chương Chiến công hạng Ba, Kỷ niệm chương Tình báo Quốc phòng Việt Nam… Bà luôn khiêm tốn nói rằng, những thành tích đó là của tập thể, đồng đội, những người đã mãi mãi nằm lại chiến trường.
Cuộc đời chiến đấu âm thầm, gan dạ của bà đã trở thành nguồn cảm hứng vô tận để nhà văn, nhà biên kịch Lê Phương viết ra kịch bản bộ phim nổi tiếng “Biệt động Sài Gòn”. Bộ phim ra đời năm 1980, trở thành tác phẩm điện ảnh kinh điển nổi tiếng trong và ngoài nước. Ông Mai Thanh Đồng (Trưởng ban Liên lạc Tình báo Quốc phòng tại An Giang) chia sẻ: “Đến nay, Ni trưởng Thích nữ Diệu Thông vẫn luôn giữ trọn khí tiết của người lính, âm thầm cống hiến, không đòi hỏi vinh danh cá nhân, thể hiện rất rõ phẩm chất trong sáng của Bộ đội Cụ Hồ”.
Cuộc đời và sự nghiệp của Ni trưởng Thích nữ Diệu Thông là minh chứng sống động cho sự hòa quyện giữa đạo pháp và dân tộc, giữa tinh thần từ bi của Phật giáo và lòng yêu nước nồng nàn của người dân Việt Nam. Từ mái chùa nhỏ đến những trận đánh xuất quỷ nhập thần, từ vỏ bọc nhà tu đến chiến sĩ giao liên, trinh sát… bà đã sống một cuộc đời trọn đạo, trọn đời với tâm huyết hết lòng vì đạo pháp vì dân tộc. Tấm gương gan dạ, khí tiết anh dũng của bà sẽ mãi là ngọn lửa soi đường, truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau.
MINH HIỂN