Niềm tin hay mê tín?

25/02/2019 - 07:40

 - Những ngày đầu tháng giêng đến nay, những ngôi chùa ở khắp nơi tấp nập phật tử, khách hành hương cúng viếng. Với niềm tin cầu mong mọi việc bình an, những điều may mắn sẽ đến trong năm mới, nhiều người không ngại đi viếng gần chục ngôi chùa chỉ trong 1 ngày. Chuyện không có gì để bàn nếu mọi người đừng nhầm lẫn giữa niềm tin và mê tín khi đã đặt chân đến những nơi thanh tịnh!

“Đi chùa không, hôm nay rằm lớn, ai cũng đi chùa để cầu an kìa!” - người bạn thân rủ tôi đi chung cho “có tụ”. Sẵn lúc rảnh, tôi đã nhận lời tháp tùng. Quả thật, với suy nghĩ “cúng cả năm không bằng rằm tháng giêng”, hầu như chùa nào cũng chật kín người. Nhanh chân vào vái lạy, vừa xong, người bạn đi cùng tôi chợt kêu tìm giúp bàn cúng “tam tai” để giải hạn vận xui. Như sợ tôi hỏi nhiều mất thời gian, người bạn giải thích: “Đầu năm tới giờ, nghe nhiều người bảo tuổi tôi năm nay không được tốt, gặp nạn “tam tai” cần phải hóa giải mới mong bình an. Lúc đầu không tin, tôi lên mạng tìm hiểu, thấy tất cả đều liệt kê 3 con giáp gặp hạn “tam tai” 2019, xin lễ cúng “tam tai” cho yên dạ”.

Loay hoay mãi, chúng tôi tìm được bàn dài, có 2 người ngồi ghi chép gì đó, trên bàn để bảng “cúng tam tai”. Đưa đôi mắt nhìn tôi tỏ vẻ như mình nói đúng, bạn tôi nhanh nhảu hỏi: “Cúng “tam tai” có phải trả tiền không ạ?”. “Có chứ, 70.000 đồng/người, chỉ cần để họ tên, ngày tháng năm sinh là được”. Như gặp được “quý nhân”, cô ấy nhanh chóng trả tiền cúng nạn “tam tai” cho mình. Chưa xong, người bạn dẫn tôi đến chỗ xin xăm, nơi đó cũng đông kịt người và rủ “gieo quẻ” đầu năm. Lắc mãi, quẻ xăm rơi ra, bạn tôi mừng lắm, rồi mang đi đổi quẻ xăm miễn phí. Cầm lời giải trên tay, hồi sau, nét mặt bạn tôi chựng lại, tỏ vẻ lo lắng. “Thấy chưa, tôi gặp nạn “tam tai” nên quẻ xăm nói là năm nay xui lắm, làm sao bây giờ?”. Không riêng gì bạn tôi, những người “xin” được quẻ xăm xấu đều có cùng tâm trạng hoang mang và lo lắng. Anh M.H (sinh năm 1987, ngụ thị trấn An Châu, Châu Thành) chia sẻ: “Năm ngoái, tôi bắt được quẻ xăm không tốt, nói là “thời vận chưa tới”, gắng bền chí thì sẽ có ngày thành công. Năm nay, với hy vọng mọi chuyện suôn sẻ, tôi vào chùa xin xăm”.

Lời giải xăm khiến nhiều người hoang mang

Nhìn dòng giải xăm trên tay anh M.H có đoạn: “Người xin đặng quẻ xăm này mọi việc đều xấu. Chẳng khác nào cây bị tuyết đóng chờ cho mặt trời mọc mới có thể tiêu tan. Phải nán đợi không nên nóng vội…”, tôi cố gắng an ủi vị khách vừa quen bằng những lời lẽ tích cực. Nhưng dường như vẫn không “ăn thua” khi “niềm tin” của anh và bạn tôi đặt vào đấy quá lớn. nói về hạn “tam tai”, nếu không gửi chùa cúng, không ít người tự cúng giải hạn theo lời mách bảo của người khác. Đó là lý do nhiều lần chạy ngang ngã ba hay ngã tư vắng vẻ nào đó, tôi lại trong thấy dĩa đồ cúng, khi thì trái cây, lúc là bánh, mứt cùng vài cây nhang ai đó vừa thắp xong. Bà Nguyễn Thị S. (44 tuổi, ngụ Châu Thành) cho rằng: “Nhiều năm nay, tôi không còn cúng “tam tai” nữa vì được con cái giải thích là “mê tín”. Quan trọng là mình cố gắng sống tốt, làm điều hay lẽ phải sẽ gặp điều thiện. Những năm trước, nếu đi chùa xem tuổi mình bị sao “xấu chiếu mạng”, tôi sẽ mua lễ vật, chờ đúng giờ, đúng khắc mang ra ngã ba nào đó khấn vái, cầu mong sẽ giải hạn. Kiêng kỵ nhất khi cúng giải hạn là, khi cúng xong phải quay lưng đi ngay, không được nhìn lại nếu không sẽ càng gặp nạn hơn!”.

Nói đến “niềm tin” vô cớ nơi cửa chùa thì có đến “muôn hình vạn trạng”. Có mặt những ngày đầu tháng giêng ở miếu Bà Chúa Xứ núi Sam (TP. Châu Đốc), tôi khá ngợp khi chứng kiến cảnh mọi người tranh nhau đốt vàng mã, áo mão, lễ vật giấy “dâng bà”. Thật ra, 2 đỉnh lửa bằng đồng trước sân miếu Bà Chúa Xứ núi Sam là để đốt nhang “quá tải” khi khách thập phương dâng cúng. Vậy mà nhiều người lại chen nhau đốt vàng mã, lờ đi tấm bảng nhắc nhở: “Vì bảo vệ môi trường và sức khỏe mọi người, xin quý khách vui lòng để áo giấy, vàng mã vào thùng (sẽ đốt sau)”. Đứng xa đám đông chen chân ấy, vài người chăm chú nhìn rồi lắc đầu bảo: “Họ đang làm gì vậy? Chẳng phải những thứ ấy cũng mua từ tiền sao? Phải đến vài chục, thậm chí gần trăm ngàn đồng/bộ vàng mã chứ có ít ỏi gì". Người đốt tin rằng, bản thân sẽ được “phù hộ” vì đã dâng cúng “đủ” lễ nghi. Rồi “niềm tin” ấy sẽ về đâu khi mà sân miếu bà “ngập” trong làn khói cuộn đầy ô nhiễm, không ít độc hại ấy!

Đốt vàng mã

Khi có niềm tin, con người sẽ có sức mạnh vượt qua tất cả, làm được nhiều việc. Song, niềm tin khác với mê tín, một khi đã sa đà sẽ bị cuốn vào vòng luẩn quẩn của nạn kiếp, số phận. Vậy nên, chúng ta phải thật tỉnh táo để phân biệt đâu là niềm tin và đâu là mê tín để bài trừ.

Bài, ảnh: PHƯƠNG LAN