Tất cả vì nông thôn mới
Được xem là xã “vùng sâu” của huyện Thoại Sơn, Bình Thành có diện tích sản xuất nông nghiệp (SXNN) là 2.602ha, đời sống người dân chủ yếu dựa vào NN (chiếm tỷ lệ 90%), còn lại chỉ là SX - kinh doanh dịch vụ với quy mô nhỏ. Hàng loạt vấn đề như: công ăn việc làm; cải thiện đời sống, nâng cao thu nhập cho người dân; nâng cao trình độ dân trí; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội... là nỗi trăn trở đối với Đảng bộ, chính quyền địa phương. Từ năm 2011 đến nay, địa phương có bước chuyển mình tích cực, đặc biệt kể từ khi thực hiện xây dựng NTM, bộ mặt NT ở xã Bình Thành có nhiều khởi sắc.
Đáng chú ý phải kể đến là sự thay đổi trong SXNN, cơ cấu kinh tế và hình thức SX được tổ chức hợp lý, gắn NN vào công nghiệp và dịch vụ. Đến nay, thu nhập bình quân đầu người có bước chuyển biến mạnh, từ 29,6 triệu đồng/người/năm (năm 2010) đã tăng lên 43,86 triệu đồng/người/năm (năm 2018).
Nông dân áp dụng khoa học - kỹ thuật vào vườn cây ăn trái
Chủ tịch UBND xã Bình Thành Phạm Văn Lập cho biết: “Chúng tôi luôn xác định người dân là chủ thể và là người thụ hưởng “trái ngọt” của NTM. Vì vậy, việc tập trung tuyên truyền, vận động với hình thức “mưa dầm thấm lâu” để thay đổi suy nghĩ và nhận thức của bà con luôn được địa phương quan tâm lãnh chỉ đạo và thực hiện. Theo phương châm “tích cực, kiên trì”, tạo điều kiện để “dân biết, dân bàn, dân làm và dân kiểm tra”, quá trình xây dựng NTM ở Bình Thành có dấu ấn không nhỏ của người dân. Từ những phong trào và các mô hình thực tiễn như: tuyên truyền thực hiện quy chế dân chủ cơ sở; toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa; hỗ trợ vốn cho hộ nghèo, cận nghèo; tích cực chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi; áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào SX... góp phần giúp địa phương hoàn thành 19/19 tiêu chí, 49/49 chỉ tiêu xây dựng NTM”.
Những công trình “Ý Đảng lòng dân”!
Xác định phát triển NN có vai trò quan trọng trong việc nâng cao thu nhập người dân. Những năm qua, địa phương đã tập trung tuyên truyền, vận động Nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Đến nay, địa phương đã chuyển đổi đất lúa và đất vườn tạp kém hiệu quả sang trồng màu được 49,33ha, cây ăn quả 16,4ha.
Anh Lê Phước An (sinh năm 1967, ấp Nam Huề, xã Bình Thành) chia sẻ: “Nhờ được tuyên truyền, tôi đã mạnh dạn chuyển đổi 4,5ha diện tích đất lúa kém hiệu quả sang trồng cam, quýt áp dụng công nghệ phun tưới tự động. Hơn 2 năm nay, được cán bộ NN hướng dẫn kỹ thuật và mở nhiều lớp tập huấn trồng cây ăn trái mà vườn cây của tôi phát triển rất tốt. Hiện nay, vườn cam đang cho trái và chuẩn bị thu hoạch trong thời gian tới. Dự kiến đạt sản lượng khoảng 7 tấn/công, trừ hết chi phí, mỗi công tôi lời hơn 100 triệu đồng”.
Dấu ấn đậm nét của công trình Nhà nước và Nhân dân cùng làm của Bình Thành là 2 tuyến lộ mở rộng được xã hội hóa 100%: Thoại Giang 3 (dài 6,4km), Tây Huề (dài 4,4km). Bà con đã nhiệt tình, tự nguyện hiến đất làm đường và không ngại bỏ công sức cùng chính quyền địa phương để NT ngày càng hoàn thiện.
“Nghe thông tin địa phương sẽ mở rộng tuyến lộ Tây Huề trước nhà, tôi rất đồng tình hưởng ứng việc hiến đất, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại, buôn bán, học hành. Không chỉ hiến đất, tôi còn đóng góp ngày công lao động để tuyến đường sớm hoàn thành. Thấy được lợi ích từ NTM, người dân là đối tượng hưởng thụ trực tiếp nên tôi rất sẵn sàng hưởng ứng khi địa phương phát động phong trào. Dẫu công sức mình bỏ ra chẳng là bao vì “một cây làm chẳng nên non” nhưng nếu “ba cây chụm lại” thành “hòn núi cao”. Nghĩ vậy nên tôi không ngừng vận động bà con ủng hộ, góp công sức xây dựng NTM” - ông Trần Văn Ni (sinh năm 1946, ngụ ấp Tây Huề) bày tỏ.
Qua 7 năm, Bình Thành đã vận động Nhân dân tham gia đóng góp xây dựng các công trình phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, như: làm đường giao thông NT; xây dựng cầu, cất nhà Đại đoàn kết, nhà Tình nghĩa và các hoạt động an sinh xã hội khác với tổng số tiền trên 19,3 tỷ. Tất cả đều dựa trên nguyên tắc tự nguyện, bình đẳng, thông qua hành động thiết thực, đặt lợi ích của dân làm đầu.
Đến nay, toàn xã đã nhựa hóa, bê-tông hơn 6km tuyến trục chính, 2 tuyến đường giao thông NT từ đường trục chính về đến các ấp, đường liên ấp tổng chiều dài 7,8km. Công tác chăm lo cất nhà Đại đoàn kết cho người dân được các ngành và toàn xã hội quan tâm chăm lo. Từ năm 2011 đến nay, địa phương đã cất mới 98 căn nhà Đại đoàn kết cho hộ nghèo, khó khăn. Kinh phí đầu tư xây dựng NTM trên 195 tỷ đồng, trong đó, xã đã huy động nguồn Nhân dân đóng góp hơn 19,3 tỷ đồng.
Về Bình Thành hôm nay, có thể cảm nhận rõ sự thay đổi NTM từng ngày. Không còn là những con đường lầy lội, của vùng quê nghèo trước đây. Thay vào đó là sắc màu tươi tắn của màu cờ đỏ thắm, màu xanh bạt ngàn của đồng lúa mênh mông. Đó còn là màu của yên bình và hạnh phúc đang ngự trị trên vùng đất đang đi lên từng ngày như Bình Thành.
PHƯƠNG LAN