Chạy nước rút hoàn thành
Như một mối duyên, khi phần đường chính của dự án đầu tư xây dựng tuyến nối Quốc lộ 91 và tuyến tránh TP. Long Xuyên (gọi tắt là tuyến tránh Long Xuyên) vừa hoàn thành thì phát sinh sạt lở mái taluy trên Quốc lộ 80 (TP. Cần Thơ), thuộc gói thầu CW4A của dự án này. Trên cơ sở thống nhất với Sở Giao thông vận tải (GTVT) An Giang, Ban Quản lý dự án (QLDA) Mỹ Thuận (chủ đầu tư dự án) đã cho khai thác tạm thời tuyến tránh Long Xuyên, tạo thuận lợi cho các phương tiện lưu thông theo hướng cầu Vàm Cống (TP. Cần Thơ) qua An Giang và ngược lại.
Các phương tiện lưu thông thuận lợi trên tuyến tránh Long Xuyên
Để khai thác được tuyến tránh Long Xuyên thời điểm này cũng không phải ngẫu nhiên, đó là kết quả từ nỗ lực lớn của chủ đầu tư, nhà thầu, giúp hoàn thành, thông xe dự án vào ngày 31/5/2024 (sớm hơn cam kết với lãnh đạo tỉnh 2 tháng, vượt tiến độ 4 tháng so kế hoạch ban đầu).
“Việc hoàn thành dự án có ý nghĩa rất lớn đối với khu vực, đặc biệt là tỉnh An Giang, địa phương gần như cuối cùng của cả nước có tuyến tránh quốc lộ đi qua thành phố tỉnh lỵ” - Giám đốc Ban QLDA Mỹ Thuận Trần Văn Thi nhấn mạnh.
Ông Trần Văn Thi cho biết, quá trình triển khai thi công dự án, được sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Chính phủ, lãnh đạo Bộ GTVT, đặc biệt là lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các sở, ban, ngành tỉnh An Giang và TP. Long Xuyên, nhất là trong công tác giải phóng mặt bằng (rất ít dự án được bàn giao mặt bằng sạch khoảng 98% trước khi bắt đầu thi công) và hỗ trợ về vật liệu cát đắp, đất, đá...
“Mặc dù gặp một số khó khăn nhưng chủ đầu tư dự án, tư vấn giám sát và các nhà thầu thi công luôn ý thức được trách nhiệm rất lớn đối với chính quyền và Nhân dân tỉnh An Giang. Quán triệt phương châm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ đối với các công trình giao thông là “ăn tranh thủ - ngủ khẩn trương” “, “vượt nắng, thắng mưa”, “làm 3 ca, 4 kíp”, “xuyên lễ - xuyên Tết”, “chỉ bàn làm không bàn lùi”, trong giai đoạn 3 tháng nước rút, ngay sau khi các điều kiện về kỹ thuật cho phép dỡ tải, các nhà thầu đã tập trung nhân lực, vật lực, máy móc, thiết bị, tổ chức điều hành hợp lý, với trên 250 đầu xe máy thiết bị và trên 350 kỹ sư công nhân trên công trường để hoàn thành dự án sớm nhất có thể” - Giám đốc Ban QLDA Mỹ Thuận Trần Văn Thi nhấn mạnh.
Cùng nhau đi xa
Từ gợi ý của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính: “Muốn đi nhanh hãy đi một mình, muốn đi xa hãy đi cùng nhau”, tất cả cán bộ, nhân viên, kỹ sư và công nhân của Ban QLDA Mỹ Thuận, tư vấn giám sát và các nhà thầu đều tổ chức thi công hợp lý, phối hợp nhịp nhàng giữa 3 gói thầu, cùng làm việc vì mục tiêu rút ngắn tiến độ hoàn thành dự án.
Cầu Long Xuyên trên tuyến tránh hoàn thành vượt tiến độ
Giám đốc Ban QLDA Mỹ Thuận Trần Văn Thi cho biết, các nhà thầu trong dự án đều có quyết tâm rất cao, đoàn kết, phối hợp tốt, đặc biệt là nhà thầu Công ty Cổ phần Tập đoàn Thành Huy, thành viên liên danh của gói thầu CW4C, là gói thầu đảm nhận thi công cầu Long Xuyên dài 9 nhịp dầm Super T - cầu lớn nhất của dự án (dài khoảng 400m). Không chỉ hoàn thành sớm cầu Long Xuyên và cầu Ông Câu, nhà thầu còn tự bỏ chi phí điện thắp sáng hệ thống đèn của cầu Long Xuyên, phục vụ người dân.
Sau đó, mặc dù khối lượng thi công phần đường của gói 4C lớn nhất trong dự án, lại là đoạn được phép dỡ tải sau cùng, nhưng nhà thầu Thành Huy đã hỗ trợ các nhà thầu trong liên danh thi công phần đường, với quyết tâm rút ngắn thời gian thi công, hoàn thành toàn bộ gói thầu CW4C, đảm bảo hoàn thành đúng cam kết tiến độ vào ngày 31/5/2024.
“Thành Huy đã thể hiện là một nhà thầu có năng lực, kinh nghiệm, tâm huyết với công việc chung, tổ chức thi công khoa học, bài bản, có uy tín, trách nhiệm rất cao với công việc được giao, có sự tương tác hỗ trợ các nhà thầu trong dự án” - Giám đốc Ban QLDA Mỹ Thuận Trần Văn Thi đánh giá.
Gần đây, Tập đoàn Thành Huy còn hỗ trợ phương tiện, vật tư tiếp khắc phục sạt lở mái taluy trên Quốc lộ 80, thuộc gói thầu CW4A của dự án tuyến tránh Long Xuyên.
Trách nhiệm của nhà thầu
Chỉ huy trưởng của Công ty Cổ phần Tập đoàn Thành Huy Nguyễn Văn Quang cho biết, trên tinh thần hợp tác cùng nhau đi xa, nhà thầu Thành Huy vừa nỗ lực hoàn thành phần việc của mình, đồng thời tích cực hỗ trợ các nhà thầu khác.
Tháng 12/2022, Tập đoàn Thành Huy hoàn thành gia tải 120m đoạn đường đầu tuyến; tháng 8/2023, hoàn thành toàn bộ phần kết cấu và thông xe kỹ thuật 2 cầu, vượt tiến độ đề ra. Qua đó, kết nối lưu thông nội tuyến với Đường tỉnh 943, giúp công tác vận chuyển, tập kết vật tư, vật liệu phục vụ thi công móng mặt đường của các nhà thầu phía trong tuyến của gói CW4B và CW4A được thuận lợi.
Khi công tác đắp nền và gia tải gặp nhiều khó khăn, nhà thầu Thành Huy đã đứng ra tiếp nhận thi công toàn bộ phần đắp cát và xử lý đất yếu còn lại, hỗ trợ các thành viên khác trong liên danh. Sau hơn 3 tháng thi công, Thành Huy đã hoàn thành toàn bộ khối lượng công việc nhận điều chuyển, giúp hoàn thành công tác xử lý nền đất yếu, đảm bảo thời gian gia tải của gói thầu CW4C.
Ngay sau khi Bộ GTVT và lãnh đạo tỉnh có ý kiến chỉ đạo phải hoàn thành toàn bộ dự án trước ngày 31/5/2024, Công ty Cổ phần Tập đoàn Thành Huy đã huy động bổ sung 5 kỹ sư hiện trường, hơn 100 công nhân có tay nghề, 80 đầu xe máy thiết bị chuyên dụng và 1 dây chuyền sản xuất, thi công bê-tông nhựa đến công trường để phục vụ thi công; tiếp tục đảm nhận thực hiện toàn bộ phần công việc còn lại của các thành viên liên danh.
Ông Nguyễn Văn Quang cho biết, trong giai đoạn nước rút (từ cuối tháng 3 đến ngày 31/5/2024), nhà thầu Thành Huy đã tổ chức thi công “3 ca, 4 kíp”, đảm bảo hoàn thành công việc được giao. Điển hình như ngày 25/5/2024, khối lượng thảm bê-tông nhựa nóng của nhà thầu Thành Huy đạt mốc 2.175 tấn/ngày, khối lượng “khủng” ở miền Tây Nam Bộ hiện nay. Qua đó, giúp hoàn thành khối lượng công việc rất lớn trong thời gian rất ngắn, nhưng vẫn đảm bảo chất lượng, an toàn tuyệt đối trên công trường...
Dự án đầu tư xây dựng tuyến nối Quốc lộ 91 và tuyến tránh TP. Long Xuyên có chiều dài tuyến xây dựng mới 15,3km và đoạn nâng cấp, cải tạo Quốc lộ 80 (TP. Cần Thơ) dài khoảng 2km; quy mô theo tiêu chuẩn đường cấp III đồng bằng, vận tốc thiết kế 80km/giờ. Dự án được chia thành 3 gói thầu xây dựng (gồm 18 cầu vượt sông), tổng mức đầu tư hơn 2.100 tỷ đồng, từ nguồn vốn vay của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) và một phần vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam.
|
NGÔ CHUẨN