Ghé thăm lại làng nghề lưỡi câu phường Mỹ Hòa (TP. Long Xuyên, tỉnh An Giang) khi mặt trời bắt đầu lặn, chúng tôi vẫn nghe tiếng máy chạy ro ro, tiếng búa gõ đều, nhưng không còn náo nhiệt như trong chính vụ. Vẫn miệt mài bên chiếc máy mài bằng motor điện và ngọn đèn chiếu sáng, bên góc nhà, bà Lê Ngọc Phương tỉ mỉ mài từng đoạn lưỡi câu.
Bà chia sẻ: “Lớn tuổi, sức khỏe kém nhiều, không còn lao động nặng nhọc được, tôi chỉ ở nhà, nhận gia công lưỡi câu. Ngồi từ sáng tới chiều, tôi mài được 1.000 lưỡi câu, kiếm được 100.000 đồng, đủ cơm nước hàng ngày. Nghề lưỡi câu này chỉ tập trung vào mùa nước nổi. Giờ mùa nước đã qua, tôi cố gắng mài được nhiêu hay nhiêu. Tôi hy vọng, đại lý có khách hàng đặt số lượng lớn lưỡi câu, để những ngày cận Tết, thậm chí trong Tết tôi có nguồn thu nhập”.
Gần đó, chị Lê Thị Lập dùng bao da che 2 đầu ngón tay giảm rung chấn và mòn da, liên tục đưa đầu lưỡi câu vào máy mài sắc nhọn. Kinh nghiệm lâu năm, đôi lúc chị đưa vào mài chẳng cần nhìn. Chị cho biết: “Mỗi ngày, tôi cũng chỉ gia công được 1.000 lưỡi, nhưng phải ngồi suốt. Mắt tập trung vào đầu lưỡi nhỏ nên bị suy giảm nhanh. Ngồi nhiều đau lưng, nhưng phải cố gắng làm”.
Thời gian này, mọi người trong làng nghề lưỡi câu đều gia công cầm chừng. Chủ yếu doanh nghiệp trữ số lượng lưỡi câu cho mùa nước năm sau. Nhưng số lượng ngày một giảm đi, việc đặt hàng này giữ chân nhân công, giúp họ có thu nhập. Mùa nước vừa qua, số lượng lưỡi câu bán ra thấp hơn năm trước. Nguyên nhân do tài nguyên thủy, hải sản ngày càng cạn kiệt; mức độ cạnh tranh gay gắt của các doanh nghiệp lưỡi câu khác; giá nguyên liệu sắt thép tăng. Số lượng người gia công ở làng nghề giảm dần, khi thu nhập không đủ cho cuộc sống. Họ đành chuyển nghề, tìm kiếm công việc khác thu nhập khá hơn.
Cũng nằm trong nhóm làng nghề cung ứng sản phẩm cho thị trường Tết, nhưng tình hình hoạt động ở làng nghề bánh tráng Mỹ Khánh (TP. Long Xuyên) không mấy khả quan. Chị Nguyễn Thị Thoa kể: “Thời điểm này những năm trước, bánh tráng bán rất chạy, mỗi ngày tôi đổ cả ngàn cái vẫn không đủ cho bạn hàng. Nay chỉ 700 - 800 cái, kiếm chút thu nhập cho con ăn học. Nguyên liệu làm bánh, vật liệu đốt đều tăng, nhưng giá bán không tăng, do cạnh tranh với các loại bánh tráng khác. Chỉ riêng bao trấu, trước chỉ 5.000 đồng, giờ tăng gấp 10 lần. Những ngày gần Tết, bánh tráng rất hút hàng. Hiện nay, tôi đang trông từng ngày, mong rằng cận Tết sẽ có nhiều đơn đặt hàng để lò luôn đỏ lửa”.
Tay thoăn thoắt tráng những cái bánh cuối cùng trong ngày, bà Bùi Thị Hai nói: “Ngồi cả ngày, tôi đổ được gần 500 cái bánh tráng, kiếm được 70.000 - 80.000 đồng. Lớn tuổi, không làm gì ra tiền, nên tôi bám nghề bánh tráng này. Tôi nhớ, cái xóm này nhà nhà làm bánh tráng, có khi làm cùng lúc 2 lò vẫn không đủ bán. Tầm 2 - 3 giờ sáng, cả đoạn hẻm đều sáng đèn, tiếng nói chuyện, cười đùa rôm rả, quanh năm như thế.
Mùa nước nổi, bạn hàng chèo xuồng tận nơi để lấy hàng. Nước ngập, ai nấy… xắn quần ngồi đổ bánh tráng. Nay chỉ còn vài hộ đỏ lửa giữ nghề. Số có sức khỏe thì đi làm xa, chuyển nghề, còn lại người già yếu, không thể làm nghề nghiệp nào khác mới bám trụ. Hy vọng thị trường khởi sắc, tiêu thụ mạnh hơn, chúng tôi có cái Tết trọn vẹn, vui vẻ”.
Nhiều năm nay, nhận thức được vai trò, tầm quan trọng của các làng nghề, nhất là làng nghề truyền thống đối với sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương, các cấp chính quyền rất quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển làng nghề. Đó là phê duyệt quy hoạch hệ thống làng nghề, xây dựng cơ chế chính sách đầu tư phát triển, tổ chức xúc tiến tiêu thụ sản phẩm, hỗ trợ cơ sở sản xuất ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật nâng cao chất lượng, năng suất sản phẩm, cải tiến mẫu mã, cải thiện vệ sinh môi trường làng nghề… Tuy nhiên, các làng nghề cần “tiếp sức” nhiều hơn ở đầu ra, đảm bảo thu nhập cho người dân sống nhờ làng nghề.
ĐĂNG LÂN