Quang cảnh Hội nghị. (Ảnh: Trần Hải)
Hội nghị được truyền trực tuyến tới các điểm cầu Ủy ban nhân dân 19 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Phát biểu ý kiến khai mạc hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, chúng ta đang xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, trong đó xuyên suốt của ba trụ cột này là lấy con người là trung tâm, chủ thể, mục tiêu, động lực cho sự phát triển, phát huy tối đa nguồn lực, trí tuệ, bản lĩnh, năng lực, đạo đức của người Việt Nam. Trong đó, có 1 quan điểm hết sức quan trọng, đó là không hy sinh tiến bộ, công bằng xã hội, bảo vệ môi trường lấy tăng trưởng kinh tế đơn thuần. Hội nghị này có ý nghĩa quan trọng triển khai đường lối xuyên suốt của Đảng, theo phương châm không để ai bị bỏ lại phía sau.
Một trong những sự trăn trở của chúng ta lâu nay là sự quan tâm của Đảng, Nhà nước tới giai cấp công nhân nói chung, trong đó có công nhân lao động, người thu nhập thấp. Do đó, Hội nghị nhằm cụ thể hóa đường lối chủ trương của Đảng chăm lo nhà ở cho công nhân.
Chúng ta đặt mục tiêu đến năm 2025, là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp; đến năm 2030, là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045, trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Các mục tiêu này đều đề cập đến công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Muốn phát triển công nghiệp có nhiều yếu tố, trong đó có yếu tố con người, trong yếu tố con người có công nhân. Qua nghiên cứu cho thấy, đa số các nước đều có các chính sách về nhà ở, trong đó chính sách thuê, mua là quan trọng.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: Trần Hải)
Thủ tướng khẳng định, việc chăm lo giải quyết nhà ở cho người dân, nhất là nhà ở xã hội cho công nhân, người thu nhập thấp luôn được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm và xác định là nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.
Quốc hội đã ban hành Luật Nhà ở năm 2014, theo đó, pháp luật về nhà ở hiện hành đã có những cơ chế, chính sách ưu đãi nhằm khuyến khích phát triển nhà ở xã hội, trong đó có nhà ở dành cho công nhân lao động, như: miễn tiền sử dụng đất; giảm 50% thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp; hỗ trợ đầu tư hạ tầng kỹ thuật trong và ngoài dự án; cho vay ưu đãi lãi suất thấp; chi phí mua hoặc thuê nhà ở cho công nhân được tính là chi phí hợp lý trong giá thành sản xuất khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp.
Thủ tướng cũng khẳng định, trong phòng, chống dịch vừa qua, các doanh nghiệp thể hiện vai trò xã hội rất cao. Thay mặt Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng bày tỏ chia sẻ với các doanh nghiệp về những khó khăn, vất vả trong 2 năm qua chống dịch Covid-19; hoan nghênh, trân trọng cảm ơn các doanh nghiệp vì lợi ích chung, vì sức khỏe của nhân dân, đã có nhiều đóng góp cho phòng, chống dịch vào những thời điểm cam go nhất. Nhờ đó, chúng ta đã góp phần kiểm soát dịch bệnh, cơ bản an toàn. Tuy nhiên, diễn biến dịch bệnh vẫn còn phức tạp. Do đó, Thủ tướng mong các doanh nghiệp tiên phong trong việc hưởng ứng tiêm vaccine.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng các đại biểu tham dự Hội nghị. (Ảnh: Trần Hải)
Thời gian qua, dưới sự chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cùng sự tham gia tích cực, cố gắng vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là vai trò của các địa phương, các doanh nghiệp đã hoàn thành gần 7,8 triệu mét vuông nhà ở xã hội, giúp cho hàng trăm nghìn hộ gia đình thu nhập thấp và hàng trăm nghìn công nhân được cải thiện nhà ở, có chỗ ở an toàn.
Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện các chính sách về nhà ở xã hội chưa đáp ứng được yêu cầu, đáp ứng được một phần nhỏ nhu cầu của công nhân lao động, nhu cầu nhà ở của công nhân lao động vẫn rất cấp bách; cơ chế chính sách và quá trình thực thi bộc lộ nhiều tồn tại, hạn chế cần được khắc phục nhằm thúc đẩy việc phát triển nhà ở xã hội, giải quyết tốt hơn nhu cầu cải thiện nhà ở của các đối tượng chính sách xã hội. Do đó, các bộ, ngành, địa phương phải cố gắng nhiều hơn nữa, đáp ứng quyền con người là có chỗ ở, việc làm, quyền hạnh phúc.
Chúng ta là một nước nghèo, bị tàn phá trong chiến tranh, đang phát triển đang trong quá trình chuyển đổi, đã có nhiều cố gắng trong lĩnh vực này nhưng vẫn chưa đáp ứng được. Sự phát triển công nghiệp của nước ta cũng rất nhanh. Chúng ta có thuận lợi lớn là ổn định chính trị, kinh tế vĩ mô, ổn định các loại thị trường. Do đó vẫn phải tiếp tục phát triển nhà ở xã hội, việc này đã đến lúc cần phải làm, tập trung, ưu tiên.
Cùng với đó, chúng ta phải nâng cao tay nghề cho người lao động, phát triển thị trường lao động lành mạnh, ổn định, bền vững, lâu dài, đáp ứng yêu cầu về công nghiệp hóa, hiện đại hóa, yêu cầu về lao động chất lượng cao, thích ứng cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Nhà nước cũng phải có chính sách toàn diện, tổng thể, liên thông để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Hội nghị được truyền trực tuyến tới các điểm cầu Ủy ban nhân dân 19 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. (Ảnh: Trần Hải)
Hội nghị này là một dịp để đánh giá tình hình thực hiện chủ trương, pháp luật, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển nhà ở xã hội trong thời gian qua và định hướng nhiệm vụ, giải pháp thực hiện trong thời gian tới, tìm ra giải pháp thực hiện đường lối của Đảng.
Chúng ta cũng cần bàn là đã có cơ chế, chính sách, nhưng việc này lại chưa đạt mục tiêu đề ra? Những nguyên nhân khách quan, nguyên nhân chủ quan? Thủ tướng mong các doanh nghiệp trên tinh thần trách nhiệm với xã hội, suy nghĩ cùng Đảng, Nhà nước, Chính phủ có cách nào để thúc đẩy việc này? Có giải pháp nào thúc đẩy việc này, có thể đóng góp hằng năm? Vừa đòi hỏi tinh thần tự giác, vừa là tinh thần trách nhiệm của doanh nghiệp. Vấn đề là cách thức tổ chức hiệu quả. Các cơ quan quản lý nhà nước vào cuộc như thế nào để phát huy tối đa sự đóng góp của doanh nghiệp trong việc phát triển nhà ở xã hội. Bộ Xây dựng tham mưu chính sách như thế nào, các địa phương vào cuộc như thế nào ? Cần huy động cả sự vào cuộc của các doanh nghiệp FDI, đem lại lợi ích cho Nhà nước, công nhân; cùng với đó là Công đoàn vào cuộc như thế nào? Chúng ta cần mạnh dạn đánh giá, đề xuất các giải pháp thiết thực, hiệu quả, tìm ra động lực tạo sự đột phá.
Thủ tướng nêu rõ, hiện nay, nhu cầu phát triển rất cao, trong khi chúng ta phải giải quyết các vấn đề nền tảng là lao động, trong đó, có vấn đề nhà ở cho công nhân. Thủ tướng bày tỏ hy vọng sau hội nghị này có bước chuyển biến trong lĩnh vực này.
Theo Bộ Xây dựng, tính đến nay, trên địa bàn cả nước, đã hoàn thành 301 dự án nhà ở xã hội khu vực đô thị, quy mô xây dựng khoảng 155.800 căn, với tổng diện tích hơn 7.790.000m2. Đang tiếp tục triển khai 401 dự án, với quy mô xây dựng khoảng 454.360 căn, với tổng diện tích khoảng 22.718.000m2.
Trong đó: Đối với dự án nhà ở xã hội, đến nay, đã hoàn thành việc đầu tư xây dựng 175 dự án, quy mô xây dựng khoảng 93.090 căn hộ, với tổng diện tích khoảng 4.654.480m2. Đang tiếp tục triển khai 274 dự án, quy mô xây dựng khoảng 293.460 căn hộ, với tổng diện tích khoảng 14.673.000m2.
Đối với nhà ở công nhân, đến nay, đã hoàn thành việc đầu tư xây dựng 126 dự án, với quy mô xây dựng khoảng 62.700 căn hộ, với tổng diện tích 3.135.000m2. Đang tiếp tục triển khai (bao gồm các dự án đã được chấp thuận đầu tư và đang triển khai đầu tư xây dựng) 127 dự án với quy mô xây dựng khoảng 160.900 căn hộ, tổng diện tích 8.045.000m2;
Đối với việc giải ngân gói hỗ trợ cho Chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân: Tính đến ngày 5/7/2022, có 41/63 địa phương có báo cáo, trong đó báo cáo số lượng dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân đang triển khai là 240 dự án, dự kiến nhu cầu vay vốn là 34.552 tỷ đồng. Trên cơ sở rà soát các điều kiện đã được quy định cụ thể tại Nghị định số 31/2022/NĐ-CP, ngày 6/7/2022, Bộ Xây dựng đã công bố danh mục các dự án đủ điều kiện được vay (giai đoạn 1) trên Cổng thông tin điện tử của Bộ và gửi Ngân hàng Nhà nước là 4 dự án với tổng mức đầu tư là 4.665 tỷ đồng, tổng mức vay dự kiến là 1.751 tỷ đồng...
Theo Nhân Dân