Nỗ lực vượt khó của ngành hàng thủy sản

07/01/2020 - 07:24

 - Năm 2019 khép lại, đây là năm mà ngành thủy sản tỉnh nhà vượt qua biết bao khó khăn để duy trì sự phát triển. Mặt hàng cá tra là sản phẩm chủ lực của tỉnh, song trong năm này, giá cá tra thương phẩm rớt dưới giá thành sản xuất khiến người nuôi gặp rất nhiều khó khăn.

“Cá rớt giá”

Gia đình ông Trần Văn Cây (xã Vĩnh Thạnh Trung, Châu Phú) đang thả nuôi 3ha cá tra thương phẩm. Cá của ông đã quá kích cỡ để xuất khẩu, bình quân mỗi con cân nặng 1,7kg, vậy mà gần 1.500 tấn cá trong hầm nhưng vẫn chưa bán được. “Khi cá tra có giá, kích cỡ nào cũng bán được. Khi giá cá thương phẩm rớt dưới giá thành sản xuất, khâu tiêu thụ gặp rất nhiều khó khăn. Mình là hộ nuôi cá thể, không có hợp đồng tiêu thụ vì vậy đành phải chấp nhận. Mọi năm, cá trong hầm rớt kích cỡ xuất khẩu thì mình bán cá chợ cũng được. Năm nay, cá đã lên 1,7kg/con, vậy mà cá chợ cũng khó bán vì sản lượng lớn, thương lái không thể bắt từ 1-3 ngày. Đây là cái khó của ngư dân hiện nay” - ông Cây chia sẻ.

Theo Tổng cục Thủy sản, tính đến ngày 19-11-2019, toàn vùng ĐBSCL thả nuôi 7.127ha, tăng gần 2.000ha so năm 2018, trong khi đó ngư dân An Giang thả nuôi 1.200ha, sản lượng cá xuất khẩu ở mức 300.000 tấn. Diện tích thả nuôi tăng, kéo theo sản lượng tăng đáng kể, trong khi về thị trường, tốc độ phát triển không theo kịp với đà tăng trưởng về sản lượng, từ đó xảy ra tình trạng “cung vượt cầu”. Cá tra rớt giá khiến nhiều người gặp khó, từ doanh nghiệp (DN) chế biến, cung cấp thức ăn, thuốc thú y thủy sản đến các DN kinh doanh hậu cần nghề cá gặp khó khăn. “Cá rớt giá, DN kinh doanh, cung cấp thức ăn cũng gặp không ít khó khăn, vì chủ hầm bán cá không được, tiền thức ăn chưa thanh toán, mặc dù còn 18 ngày nữa là Tết đến” - chị Phan Thị Lài (xã Vĩnh Hòa, TX. Tân Châu) than phiền.

Tiêu thụ sụt giảm

Kết thúc năm 2019, kim ngạch xuất khẩu cá tra Việt Nam ở mức 2 tỷ USD, giảm so năm 2018 (đạt 2,26 tỷ USD). Kim ngạch sụt giảm, có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân thị trường Trung Quốc siết chặt quản lý chất lượng, xuất xứ hàng hóa đối với các lô hàng xuất khẩu qua đường biên mậu từ ngày 1-6-2019, từ đó làm cho các DN xuất khẩu cá tra vào thị trường này bị hụt hẫng. Riêng đối với thị trường Liên minh Châu Âu (EU), ngay từ đầu năm, thị trường này cũng gặp khó, bởi năm 2018, giá cá tra ở mức cao, các nhà nhập khẩu lo sợ khi bước sang năm 2019, giá cá tra nhập khẩu sẽ tăng mạnh nên để bảo vệ hệ thống khách hàng, các nhà nhập khẩu của EU đã mở hầu bao, nhập hàng vào kho từ tháng 8, 9, 10 của năm 2018. Chính động thái này khiến bước sang năm 2019, các tập đoàn lớn của EU đã hạn chế nhập hàng, trong khi sản lượng nuôi cá tra của toàn vùng ĐBSCL tăng lên đến 7.127ha, từ đó đã xảy ra tình trạng “cung vượt cầu”.

“Thị trường tiêu thụ sản phẩm cá tra trên thế giới liên tục thay đổi, từ đó khiến các DN xuất khẩu cảm thấy mệt mỏi. Ngoài việc cạnh tranh về giá, còn phải cạnh tranh về sản phẩm thay thế, bởi một khi giá nhập khẩu cá tra ở mức cao, các nhà nhập khẩu sẽ tìm sản phẩm thay thế để phục vụ người tiêu dùng. Cá tra Việt Nam không còn độc quyền phân phối trên thị trường thế giới, các quốc gia khác như: Ấn Độ đã sản xuất được 650.000 tấn, Bangladesh 450.000 tấn, Indonesia 110.000 tấn/năm. Đây là bài toán mà DN xuất khẩu cá tra phải tính đến” - Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Nam Việt Doãn Tới chia sẻ.

Để khắc phục khó khăn trước mắt cũng như lâu dài, ngành thủy sản đã đưa ra nhiều khuyến cáo dành cho ngư dân, đẩy mạnh việc đa dạng hóa các chủng loài thủy sản, không tập trung vào một đối tượng, mặt hàng (cá tra) như những năm vừa qua. Mục tiêu của khuyến cáo này là nhằm hạn chế rủi ro về thị trường đối với sản phẩm của ngư dân. “Đa dạng hóa giống loài thủy sản, tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm từ khâu con giống đến quá trình nuôi thương phẩm; vận động ngư dân đưa khoa học - kỹ thuật vào quá trình chăn nuôi, áp dụng các quy trình nuôi tiên tiến vào sản xuất để hạ thấp giá thành sản phẩm, nâng sức cạnh tranh. Đối với cá tra, tập trung kiểm soát sản lượng đi đôi với kiểm soát chất lượng… đó là những giải pháp được đưa ra trong năm 2020 và những năm tiếp theo, việc này nhằm giữ vững ổn định và tăng trưởng của ngành thủy sản tỉnh nhà trong năm 2020 và những năm tiếp theo” - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Sĩ Lâm chia sẻ.

 “Việc Hoa Kỳ công nhận hệ thống kiểm soát an toàn thực phẩm của Việt Nam tương đương với Hoa Kỳ là 1 điều đáng mừng, khẳng định năng lực kiểm soát chất lượng, an toàn thực phẩm của chuỗi sản xuất, chế biến cá tra Việt Nam khi tham gia xuất khẩu. Hệ thống kiểm soát này đã đáp ứng những yêu cầu khắt khe nhất của thị trường, tạo niềm tin cho các nhà nhập khẩu trên thế giới. Tập đoàn Nam Việt hiện đang tìm cách để trở lại thị trường Hoa Kỳ trong thời gian sớm nhất” - ông Doãn Tới khẳng định.

MINH HIỂN