Nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, thách thức, phát huy vai trò chủ đạo của doanh nghiệp nhà nước

03/03/2024 - 10:52

Sáng 3/3, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị Thường trực Chính phủ gặp mặt đầu Xuân các doanh nghiệp nhà nước tiêu biểu trên cả nước để bàn giải pháp vượt qua khó khăn, thách thức, triển khai hiệu quả nhiệm vụ năm 2024. Cùng dự có các Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái và Trần Lưu Quang; đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương; khoảng 130 doanh nghiệp nhà nước tiêu biểu.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đến dự và chỉ đạo hội nghị. (Ảnh: TRẦN HẢI)

Phát biểu ý kiến khai mạc, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, hội nghị này nhằm bàn công việc liên quan các tập đoàn, tổng công ty nhà nước trong thực hiện nhiệm vụ chính trị, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội năm 2024, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng. Đến thời điểm này, chúng ta chỉ còn gần 2 năm nữa là tổ chức Đại hội lần thứ XIV của Đảng, do đó năm 2024 là năm tăng tốc.

Nhìn lại năm 2023 là một năm khó khăn chung của thế giới có nhiều biến động khó lường hậu Covid-19, cạnh tranh địa chính trị, xung đột, đứt gãy các chuỗi cung ứng; tác động kinh tế thế giới, trong đó có Việt Nam, có khó khăn của các doanh nghiệp nói chung, doanh nghiệp nhà nước nói riêng. Trong bối cảnh hội nhập, Việt Nam không tránh được rủi ro được vì nền kinh tế đang chuyển đổi, quy mô còn nhỏ, sức chống chịu với tác động bên ngoài còn hạn chế…

Tuy nhiên, dưới sự lãnh đạo của Đảng, thường xuyên trực tiếp là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, sự ủng hộ của Quốc hội, sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, sự đồng hành, vào cuộc của cộng đồng doanh nghiệp và người dân, sự ủng hộ của bạn bè quốc tế, đất nước đã đạt kết quả khá toàn diện, kinh tế vĩ mô ổn định, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn; kiểm soát bội chi ngân sách, nợ công, nợ Chính phủ; quy mô nền kinh tế tăng lên khoảng 430 tỷ USD, thu nhập bình quân đầu người tăng lên đạt 4.300 USD. Từ đó bảo đảm ổn định chính trị, độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ được vững, uy tín, vị thế của đất nước được nâng lên.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo hội nghị. (Ảnh: TRẦN HẢI)

Thủ tướng khẳng định, trong thành tựu chung của đất nước, có sự đóng góp quan trọng của các doanh nghiệp nhà nước. Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng ghi nhận, biểu dương và đánh giá cao sự đóng góp tích cực của các doanh nghiệp nhà nước; nêu rõ, bên cạnh đó, vẫn còn nhiều mặt chưa được.

Do đó, Hội nghị này trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, tháo gỡ khó khăn, vượt qua thách thức năm 2024 để hướng đến những năm tiếp theo tốt hơn. Thủ tướng đề nghị các đại biểu đánh giá tình hình phát triển doanh nghiệp nhà nước như thế nào, tình hình thế giới, trong nước có gì thuận lợi, khó khăn, nguyên nhân? Kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo thì vai trò của doanh nghiệp nhà nước như thế nào ? Các doanh nghiệp nhà nước khai thác như thế nào để bảo đảm hiệu quả tài sản, vốn đang có? Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp được giao quản lý vốn nhà nước thì cần có giải pháp gì để bảo đảm hiệu quả hơn?

Đặc biệt, Thủ tướng nhấn mạnh các doanh nghiệp nhà nước phải tích cực đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh; phải làm mới các động lực cũ như tiêu dùng, đầu tư, xuất khẩu, khi đó, vai trò của các doanh nghiệp nhà nước như thế nào để dẫn dắt, tạo động lực, truyền cảm hứng cho các doanh nghiệp? Các doanh nghiệp nhà nước phải tham gia đầu tư vào các động lực mới như chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, kinh tế chia sẻ… như thế nào, có kiến nghị gì để phát huy tối đa khả năng?

Thủ tướng nêu rõ, con người Việt Nam luôn luôn biết vượt qua mọi khó khăn, thách thức, luôn tìm ra phương án phù hợp cho những lúc khó khăn; các doanh nghiệp nhà nước cũng vậy, trong giai đoạn khó khăn, các doanh nghiệp luôn chứng tỏ vai trò của mình, đó là bảo toàn vốn, khai thác hiệu quả nguồn vốn đang nắm giữ; bảo đảm đời sống người lao động, cán bộ, công nhân viên chức; tham gia tích cực công tác an sinh xã hội.

Thủ tướng cho biết, sắp tới, chúng ta sẽ phát động phong trào xóa nhà tạm, dột nát trên toàn quốc để mọi người dân được hưởng lợi thành quả của cách mạng, sự phát triển của đất nước. Tinh thần chung là cần thay đổi cách làm không chỉ dựa vào doanh nghiệp mà người dân và các chủ thể khác cũng phải tham gia nhưng doanh nghiệp là nòng cốt, khi đó doanh nghiệp nhà nước cũng phải giữ vai trò nòng cốt tham gia tích cực xóa nhà tạm, nhà dột nát ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo còn khó khăn, do đó các doanh nghiệp nhà nước phải phát huy tinh thần trách nhiệm, đạo đức trong việc này.

Đại diện lãnh đạo các Bộ, ban, ngành tham dự hội nghị. (Ảnh: TRẦN HẢI)

Thủ tướng lưu ý, các doanh nghiệp nhà nước phải cạnh tranh lành mạnh để thúc đẩy lẫn nhau phát triển chứ không phải triệt tiêu nhau; phải học tập, hợp tác với nước ngoài…, trên cơ sở đó chúng ta có những đường hướng lớn để thoát khỏi sự lúng túng, bị động để chủ động hơn nữa trong phát triển kinh tế-xã hội.

Hội nghị này vừa tri ân, vừa phát huy tinh thần trách nhiệm cao hơn nữa của các doanh nghiệp nhà nước khi được Đảng, Nhà nước và nhân dân tin tưởng giao quản lý nguồn vốn và tài sản lớn của đất nước; mong các doanh nghiệp không phụ lòng tin của Đảng, Nhà nước và nhân dân; mong các doanh nghiệp nhà nước phát huy tinh thần trách nhiệm, những gì đã làm tốt rồi thì cần làm tốt hơn nữa, những gì chưa được thì cần cố gắng khắc phục, khó khăn thì phải tháo gỡ, vượt qua thách thức, cùng tiến bước với cả dân tộc, đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững trong bối cảnh thế giới còn nhiều khó khăn. Điều quan trọng là các doanh nghiệp nhà nước có hướng đi đúng, biết xử lý các vấn đề phát sinh hợp lý và hiệu quả vì chúng ta đã trưởng thành nhiều trong giai đoạn khó khăn phức tạp vừa qua.

Thủ tướng nêu rõ, đất nước hiện đang đẩy mạnh 3 đột phá chiến lược, do đó các doanh nghiệp nhà nước cần tham gia tích cực đóng góp vào xây dựng, hoàn thiện thể chế, phát triển hạ tầng, phát triển nguồn nhân lực. Thủ tướng mong muốn các doanh nghiệp nhà nước tái cấu trúc 3 nội dung lớn đối với doanh nghiệp nhà nước là tái cấu trúc về quản trị; tái cấu trúc về con người, bộ máy, cơ cấu lại nguồn vốn để bảo đảm hiệu quả; tái cấu trúc chuỗi cung ứng, các nguyên liệu đầu vào để tăng cường tính tự chủ, hạn chế nhập khẩu.

Các đại biểu tham dự hội nghị. (Ảnh: TRẦN HẢI)

Nêu một số bài học kinh nghiệm từ Dự án Lọc hóa dầu Nghi Sơn, Thủ tướng nêu bật bài học kinh nghiệm về tái cấu cấu có vai trò quan trọng, từ đó các doanh nghiệp nhà nước cũng cần tái cấu trúc dựa trên đặc thù của từng doanh nghiệp; điều quan trọng là quản trị, sử dụng nguồn vốn hiệu quả, điều hành hợp lý đầu vào-đầu ra, từ đó để nền kinh tế không bị động, không gặp khó khăn.

Thủ tướng mong các doanh nghiệp nhà nước trao đổi thẳng thắn, cởi mở, tìm đầu ra cho các doanh nghiệp trên tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, với tinh thần xây dựng, với niềm hy vọng, động lực mới, khí thế mới để phát triển doanh nghiệp nhà nước thực sự giữ vai trò chủ đạo trong kinh tế nhà nước, để kinh tế nhà nước thực sự giữ vai trò chủ đạo; mong các doanh nghiệp nhà nước “dám nói, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm” vì sự phát triển của đất nước.

Quang cảnh hội nghị. (Ảnh: TRẦN HẢI)

* Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đến hết năm 2023, Việt Nam có 676 doanh nghiệp nhà nước, trong đó gồm 478 doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và 198 doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối doanh nghiệp nhà nước hiện diện ở nhiều ngành, lĩnh vực có vai trò, vị trí quan trọng của nền kinh tế, trong 478 doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ (gồm 143 doanh nghiệp thuộc các cơ quan trung ương; 335 doanh nghiệp thuộc địa phương) có 6 tập đoàn kinh tế, 53 tổng công ty nhà nước; 18 công ty TNHH MTV hoạt động theo mô hình công ty mẹ-công ty con và 401 công ty TNHH MTV độc lập.

Trong số 198 doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối (gồm 35 doanh nghiệp thuộc các cơ quan trung ương, 126 doanh nghiệp thuộc địa phương) có 3 tập đoàn kinh tế, 17 tổng công ty nhà nước; 6 công ty hoạt động theo mô hình công ty mẹ-công ty con và 172 công ty độc lập. Doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ chủ yếu hoạt động trong các ngành nông-lâm nghiệp, kết cấu hạ tầng cảng biển, giao thông và sản xuất, kinh doanh (bất động sản, du lịch, vật liệu xây dựng…).

Bộ trưởng Kế hoạch-Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu. (Ảnh: TRẦN HẢI)

Tại thời điểm đầu năm 2023, tổng tài sản của doanh nghiệp nhà nước trên cả nước đạt 3.821.459 tỷ đồng, tăng 4% so đầu năm 2022. Trong đó, khối các tập đoàn, tổng công ty, công ty mẹ-con có tổng tài sản 3.511.993 tỷ đồng, chiếm 92% tổng tài sản của các doanh nghiệp nhà nước. Tổng vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp nhà nước đạt 1.807.999 tỷ đồng; trong đó, khối các tập đoàn, tổng công ty, công ty mẹ-con là 1.621.006 tỷ đồng, tăng 3% so thời điểm đầu năm 2022, chiếm 90% tổng vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp nhà nước.

Tổng giá trị vốn nhà nước đang đầu tư tại các doanh nghiệp nhà nước là 1.699.125 tỷ đồng, tăng 3% so đầu năm 2022. Ước tính kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước năm 2023 cơ bản hoàn thành vượt kế hoạch đề ra. Tổng doanh thu ước thực hiện đạt 1.652.442 tỷ đồng, đạt 104% kế hoạch được phê duyệt; lãi phát sinh trước thuế thu nhập doanh nghiệp đạt 125.847 tỷ đồng; thuế và các khoản phải nộp ngân sách nhà nước là 166.218 tỷ đồng, đạt 108% kế hoạch.

Riêng 19 tập đoàn, tổng công ty thuộc Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và Tập đoàn Viettel có doanh thu đạt 1.304.757 tỷ đồng, chiếm 79% tổng doanh thu toàn bộ doanh nghiệp nhà nước. Về chỉ tiêu lợi nhuận: tổng lãi phát sinh trước thuế của các doanh nghiệp nhà nước tính đến trước cuối năm 2023 là 125.847 tỷ đồng, đạt 108% so kế hoạch được phê duyệt. Một số doanh nghiệp nhà nước có tỷ lệ hoàn thành kế hoạch về lợi nhuận cao như Viettel, SCIC (đạt 225% so kế hoạch).

Trong năm 2023, các doanh nghiệp nhà nước nói chung đã tập trung thực hiện các dự án đầu tư để nâng cao năng lực, quy mô sản xuất, kinh doanh. Các dự án cơ bản được doanh nghiệp nhà nước khẩn trương thực hiện bảo đảm tiến độ, hiệu quả, tiết kiệm theo kế hoạch được duyệt, tuy nhiên, vẫn còn doanh nghiệp nhà nước chưa hoàn thành kế hoạch giải ngân dự án đầu tư. Theo báo cáo của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, tính riêng 19 tập đoàn, tổng công ty do Ủy ban làm đại diện chủ sở hữu, số vốn đầu tư giải ngân ước đạt 161.000 trên tổng số 208.328 tỷ đồng, tương đương gần 80% kế hoạch năm. Một số tập đoàn có kết quả giải ngân tích cực như Tập đoàn Công nghiệp Than–Khoáng sản Việt Nam đạt 97% kế hoạch; Tập đoàn Điện lực Việt Nam đạt 99%; Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam đạt 93%; Tập đoàn Hóa chất Việt Nam đạt 135%...

Theo Báo Nhân Dân