Thủ tướng chủ trì Phiên họp Chính phủ thường kỳ trực tuyến
Trong tuần tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì họp Phiên thường kỳ tháng 5 trực tuyến với các địa phương đánh giá tình hình kinh tế - xã hội tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2023; tình hình triển khai chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; tình hình phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công; tình hình triển khai 3 Chương trình mục tiêu quốc gia; kết quả triển khai công tác lập quy hoạch theo quy định của Luật Quy hoạch; kết quả làm việc của các thành viên Chính phủ chủ trì đôn đốc, làm việc với các địa phương về tình hình sản xuất, kinh doanh, đầu tư công, xây dựng hạ tầng và xuất nhập khẩu.
Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5. Ảnh: Dương Giang/TTXVN
Trong bối cảnh thế giới đang gặp nhiều khó khăn, thách thức, tình hình kinh tế - xã hội nước ta 5 tháng 5 đầu năm tiếp tục chuyển biến khá tích cực. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 5 tháng tăng 3,55% so với cùng kỳ, tiếp tục xu hướng giảm (4 tháng tăng 3,84%); lạm phát cơ bản tiếp tục chuyển biến tích cực. Thị trường tiền tệ cơ bản ổn định; lãi suất cho vay giảm; ổn định tỷ giá phù hợp với diễn biến thị trường; bảo đảm an toàn hệ thống ngân hàng. Thu ngân sách Nhà nước 5 tháng đạt 48% dự toán. Kim ngạch xuất nhập khẩu, xuất khẩu, nhập khẩu tháng 5 ước lần lượt tăng 5,3%, 4,3% và 6,4% so với tháng trước; 5 tháng ước xuất siêu 9,8 tỷ USD. FDI đăng ký tháng 5 đạt gần 2 tỷ USD, gấp 2,2 lần cùng kỳ năm trước; tính chung 5 tháng đạt 10,86 tỷ USD, bằng 92,7% so với cùng kỳ năm trước. Giải ngân vốn đầu tư công đến ngày 31/5 đạt trên 157 nghìn tỷ đồng, bằng 22,22% kế hoạch Thủ tướng giao, tương đương cùng kỳ năm 2022, nhưng số tuyệt đối cao hơn 41 nghìn tỷ đồng; đã đẩy một lượng vốn lớn ra nền kinh tế, hỗ trợ đầu ra cho nhiều ngành, lĩnh vực, giải quyết việc làm.
Tạo thuận lợi hơn nữa trong chính sách thị thực
Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 5, Quốc hội cho ý kiến về 6 dự án luật tại Kỳ họp thứ 6; thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.
Trong đó, đáng chú ý, Quốc hội cho ý kiến về dự án luật xuất nhập cảnh, các đại biểu nhất trí các quy định của dự thảo Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam (sửa đổi) sẽ nâng thời hạn của thị thực điện tử từ 30 ngày lên 3 tháng, có giá trị một lần hoặc nhiều lần. Các đại biểu nhất trí với việc nâng thời hạn tạm trú và thị thực điện tử cho người nước ngoài là phù hợp với tình hình thực tế hiện nay, khi nhu cầu vào Việt Nam dài ngày tăng lên.
Đại lễ Phật đản Phật lịch 2567
Tại Đại lễ Phật đản Phật lịch 2567 diễn ra trong tuần qua tại chùa Quán Sứ (Hà Nội), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tới chúc mừng chức sắc, tăng ni, phật tử Giáo hội Phật giáo Việt Nam nhân dịp Đại lễ Phật đản Phật lịch 2567 - Dương lịch 2023.
Với gần 2.000 năm gắn bó và đồng hành cùng dân tộc, Phật giáo Việt Nam đã trải qua những thăng trầm cùng với lịch sử đất nước. Phật giáo đã thấm sâu, lan tỏa, hòa quyện vào xã hội Việt Nam, là một phần quan trọng trong đời sống văn hóa tinh thần của dân tộc Việt Nam.
Năm 2023 là năm có ý nghĩa quan trọng của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, năm đầu tiên triển khai chương trình hoạt động Phật sự mà Nghị quyết Đại hội IX của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, nhiệm kỳ 2022 - 2027, đã đề ra. Đặc biệt, sau nhiều năm bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, Đại lễ Phật đản năm nay được tổ chức trang trọng ở nhiều nơi trên cả nước, quy tụ nhiều tăng ni, phật tử và người dân tham dự, góp phần lan tỏa những giá trị tốt đẹp trong cuộc sống.
Thủ tướng Chính phủ đề nghị Giáo hội Phật giáo Việt Nam các cấp tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, gương mẫu, thực hiện và động viên tăng ni, đồng bào phật tử thực hiện tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước, chủ động tham gia và thực hiện có hiệu quả các hoạt động từ thiện, nhân đạo, an sinh xã hội; phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, vì một nước Việt Nam hùng cường, phồn vinh, hạnh phúc và ấm no.
Xe ô tô không kinh doanh vận tải chính thức được giãn chu kỳ kiểm định
Thông tư 08/2023/TT-BGTVT của Bộ Giao thông vận tải sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 16/2021/TT-BGTVT quy định về kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ theo trình tự, thủ tục rút gọn chính thức có hiệu lực. Theo đó, các xe ô tô chở người đến 9 chỗ không kinh doanh vận tải (có thời gian sản xuất đến 7 năm và thời gian sản xuất từ 13 - 20 năm) đã được cấp giấy chứng nhận, tem kiểm định trước ngày 22/3/2023 và vẫn còn hạn kiểm định tính đến ngày 3/6/2023 sẽ được tự động giãn chu kỳ kiểm định theo chu kỳ mới quy định tại Thông tư 02/2023/TT-BGTVT.
Cơ quan đăng kiểm sẽ tự động cấp giấy xác nhận thời hạn hiệu lực của giấy chứng nhận, tem kiểm định đối với các phương tiện trên mà chủ xe không cần đưa xe đến trung tâm đăng kiểm để kiểm định lại, giúp giải quyết căn bản thực trạng ùn tắc trong kiểm định xe cơ giới hiện nay, đáp ứng tốt nhu cầu kiểm định của người dân, doanh nghiệp.
Thống nhất chuyển COVID-19 từ bệnh truyền nhiễm nhóm A sang nhóm B
Cuối tuần qua, tại Phiên họp thứ 20 Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19, Bộ Y tế đã thông tin thống nhất chuyển bệnh COVID-19 từ bệnh truyền nhiễm nhóm A sang bệnh truyền nhiễm nhóm B; đồng thời, ban hành hướng dẫn việc áp dụng các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 phù hợp với dịch bệnh nhóm B và khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới để xây dựng Kế hoạch kiểm soát, quản lý bền vững đối với dịch COVID-19 giai đoạn 2023-2025 phù hợp với tình hình mới.
Tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân. Ảnh: TTXVN
Theo Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19, thực hiện chỉ đạo của Ban chỉ đạo Quốc gia, Bộ Y tế xin đưa ra các căn cứ dựa trên cơ sở căn cứ tham mưu ban hành Quyết định chuyển bệnh COVID-19 từ nhóm A sang nhóm B; đối chiếu các quy định của Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm và qua theo dõi diễn biến dịch tại Việt Nam cho thấy, bệnh COVID-19 không còn đáp ứng các tiêu chí dịch bệnh truyền nhiễm nhóm A, Bộ Y tế đề xuất áp dụng quy định tại Khoản 2 Điều 3 Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm để điều chỉnh.
Tại Việt Nam, số ca mắc hiện nay đã giảm 8,5 lần so với 2021, giảm 48 lần so với 2022 (từ đầu năm 2023 đến ngày 29/5/2023, ghi nhận 85.493 ca mắc, trung bình hàng tháng ghi nhận 17.000 ca mắc). Bên cạnh đó, tỷ lệ tử vong do COVID-19 trong 5 tháng đầu năm 2023 giảm mạnh xuống còn 0,02% so với tỷ lệ tử vong năm 2021 là 1,86%, năm 2022 là 0,1%, tương đương hoặc thấp hơn tỷ lệ tử vong của một số bệnh truyền nhiễm nhóm B đang được ghi nhận tại Việt Nam trong 05 năm gần đây như: Sốt xuất huyết (0,022%), Sốt rét (0,017%), Bạch hầu (0,102%), Ho gà (0,417%)...
Để có thể triển khai đồng bộ, thống nhất các biện pháp phòng chống dịch sau khi bệnh COVID-19 chuyển từ nhóm A sang nhóm B, Bộ Y tế đang chỉ đạo các đơn vị rà soát các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 để xem xét, quyết định việc áp dụng các biện pháp phù hợp với tình hình dịch bệnh thời gian tới.
Như vậy, dịch COVID-19 khi chuyển sang nhóm B không còn thuộc đối tượng công bố dịch của Thủ tướng Chính phủ; do đó Quyết định 447/QĐ-TTg ngày 01/4/2020 không còn phù hợp. Bộ Y tế báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét ban hành Quyết định công bố hết hiệu lực của Quyết định 447/QĐ-TTg.
UBND các tỉnh, thành phố cần chỉ đạo các cơ quan chuyên môn thực hiện việc rà soát tình hình dịch bệnh, công bố dịch, công bố hết dịch theo quy định của pháp luật; thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định của Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm, hướng dẫn của Bộ Y tế và các bộ, ngành; rà soát các văn bản, hướng dẫn về phòng, chống dịch COVID-19 của địa phương để bãi bỏ, sửa đổi theo thẩm quyền.
Theo Báo Tin Tức