Nỗi lo an toàn giao thông trong học sinh

05/10/2023 - 06:00

 - Thời gian qua, các cấp, ngành, địa phương quan tâm công tác giáo dục văn hóa giao thông nhằm góp phần nâng cao hiểu biết pháp luật về an toàn giao thông (ATGT) và ý thức tham gia giao thông cho mỗi người dân, trong đó có phụ huynh và học sinh. Tuy nhiên, ý thức chấp hành pháp luật khi tham gia giao thông của một bộ phận phụ huynh và học sinh vẫn còn hạn chế, gây tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT.

Phụ huynh không nhắc nhở việc đội nón bảo hiểm cho con em

Có mặt tại nhiều cổng trường trên địa bàn tỉnh, điều dễ nhận thấy là tình trạng học sinh vi phạm Luật Giao thông đường bộ vẫn còn. Nguyên nhân chủ yếu là ý thức tham gia giao thông của các học sinh chưa cao. Phổ biến vẫn là các lỗi, như: Không đội nón bảo hiểm khi đi xe máy, xe đạp điện; đi ngược chiều; điều khiển xe môtô, xe máy khi chưa đủ tuổi theo quy định…

Hiện nay, số lượng học sinh đi xe đạp điện đến trường tăng mạnh. Với nhiều gia đình, chiếc xe đạp điện có giá từ vài triệu đồng không phải là số tiền lớn nên trang bị xe đạp điện cho con em tự đến trường. Tuy nhiên, khi trang bị xe đạp điện, nhiều phụ huynh "quên" trang bị tâm thế, kiến thức, ý thức khi tham gia giao thông cho con. Tốc độ của xe đạp điện có thể lên tới 30 - 40km/giờ, khác xa xe đạp thông thường nhưng người điều khiển là các học sinh vẫn “hồn nhiên” không đội nón bảo hiểm, đi hàng 2, hàng 3 và "mù mờ" Luật Giao thông đường bộ.

Cũng như nhiều phụ huynh khác, anh Lê Đình Duy (TP. Long Xuyên, tỉnh An Giang) có con gái đang học lớp 7) cho biết: “Con gái tôi thường đi học thêm ở nhiều nơi, trong khi gia đình bận rộn việc buôn bán nên không đưa đón con hàng ngày. Do đó, tôi mua xe đạp điện cho con chủ động giờ giấc học hành và thường xuyên nhắc con chạy xe cẩn thận”.

Theo quy định của Luật Giao thông đường bộ, người đủ từ 16 tuổi trở lên được phép điều khiển xe gắn máy dưới 50cc. Do đó, nhiều gia đình trang bị cho con mình xe máy phân khối nhỏ (dưới 50cc) làm phương tiện để tới trường. Mặc dù là xe phân khối nhỏ, nhưng tốc độ có thể đạt tới tối đa 60km/giờ không thua kém gì xe gắn máy trên 50cc. Mỗi khi các học sinh điều khiển xe lưu thông trên đường dễ khiến người dân bất an, bởi người điều khiển phần lớn người là các thanh, thiếu niên, học sinh chưa hiểu Luật Giao thông đường bộ, ý thức tham gia giao thông chưa cao. Vì vậy, nguy cơ tiềm ẩn mất an toàn giao thông là rất lớn.

Chị Nguyễn Thị Kiều (TP. Long Xuyên) chia sẻ: “Trong quá trình tham gia giao thông, tôi gặp rất nhiều trường hợp thanh, thiếu niên đi xe dưới 50cc chạy ẩu, không đội mũ bảo hiểm, lạng lách, đánh võng, vượt đèn đỏ... Điều này không chỉ gây nguy hiểm cho chính người điều khiển phương tiện, mà còn tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn với những người tham gia giao thông”.

Cùng với những lỗi vi phạm của học sinh, không ít phụ huynh cũng vô tư điều khiển xe ngược chiều, không đội mũ bảo hiểm, chở quá số người quy định, không chấp hành tín hiệu đèn giao thông… Dù đã có quy định trẻ từ 6 tuổi trở lên khi ngồi trên xe gắn máy phải đội nón bảo hiểm nhưng thực tế, nhiều bậc phụ huynh vẫn thờ ơ với việc đảm bảo an toàn cho con, bất chấp nguy hiểm có thể xảy ra.

Dạo một vòng qua nhiều trường vào thời điểm trước giờ vào học và tan học, không khó bắt gặp hình ảnh phụ huynh đội nón bảo hiểm đầy đủ nhưng chở theo con không đội nón bảo hiểm hoặc chỉ đội nón vải. Thậm chí, có phụ huynh cùng lúc chở 2 - 3 cháu trên một xe máy phóng vù vù trên đường mà không hề đội nón bảo hiểm, không lường trước những tai nạn bất ngờ có thể xảy ra.

Khi hỏi lý do vì sao không chấp hành quy định đội nón bảo hiểm cho con em mình, các phụ huynh thường lảng tránh. Tuy tất cả đều biết được sự cần thiết của việc đội nón bảo hiểm cho con, nhưng có rất nhiều lý do khiến các phụ huynh này “bất đắc dĩ phải quên” đội nón bảo hiểm cho các cháu, như: Nhà gần trường; chở trẻ nhỏ phải chạy chậm, cẩn thận nên ít xảy ra tai nạn; bận việc đi đón con gấp nên quên đem nón bảo hiểm…

“Đang định đi đón con thì tôi có việc đột xuất phải xử lý. Khi xong việc thì đã quá giờ tan trường của con nên tôi vội quá, quên mang theo nón bảo hiểm cho con” - chị Trần Thị Minh N. (TP. Long Xuyên) phân trần.

“Khi đi trên đường, tôi thấy rất nhiều người lớn chở theo trẻ nhỏ mà chỉ đội nón bảo hiểm cho bản thân, còn các cháu thì không đội. Họ dường như chỉ quan tâm tới sự an toàn của mình mà quên đi rằng, chính trẻ em mới là đối tượng dễ bị tổn thương nhất nếu xảy ra tai nạn giao thông” - anh Trương Quang Lộc (TP. Châu Đốc) chia sẻ.

Trước thực trạng nêu trên, các ngành chức năng, nhà trường và gia đình cần phối hợp chặt chẽ, thường xuyên tuyên truyền pháp luật về ATGT cho học sinh; hướng dẫn kỹ năng điều khiển xe máy, xe máy điện, xe đạp điện an toàn cho học sinh, chú trọng kỹ năng xử lý khi gặp các tình huống nguy hiểm lúc đi trên đường để phòng ngừa xảy ra tai nạn giao thông. Đặc biệt, phụ huynh cần gương mẫu trong ý thức chấp hành pháp luật về giao thông; hướng dẫn con điều khiển xe an toàn; kiên quyết không giao xe máy cho con khi chưa đủ tuổi, chưa có giấy phép lái xe...

Khi học sinh hiểu rõ pháp luật về ATGT, được nâng cao ý thức và nắm vững kỹ năng điều khiển xe an toàn, chắc chắn sẽ hạn chế đáng kể những tai nạn giao thông thương tâm do lỗi chủ quan gây ra. Qua đó, góp phần bảo vệ sức khỏe, tính mạng của thế hệ tương lai của đất nước. 

TRỌNG TÍN