Nỗi lòng phụ huynh có con học lớp 1 trực tuyến

10/09/2021 - 09:29

Năm học 2021 - 2022, ngành giáo dục xác định học trực tuyến sẽ là việc lâu dài. Nhiều thách thức với học sinh, đặc biệt là học sinh lớp 1.

Con học online, phụ huynh vượt khó

Ngày đầu tiên “toàn dân cho trẻ học trực tuyến” tình trạng nghẽn mạng xảy ra ở nhiều nơi trên địa bàn Hà Nội, TP Hồ Chí Minh.

Chị Nguyễn Hợp (Hoài Đức, Hà Nội) cho biết: “Kết nối internet chập chờn khiến giọng cô giáo lúc có lúc không. Con trai tôi năm nay vào lớp 1, sau 15 phút thấy không vào lớp học được con tự động đi lắp... lego”.

Học sinh lớp 1 (năm học 2021 - 2022) trường Tiểu học Thăng Long, quận Hoàn Kiếm làm quen với việc học trực tuyến. Ảnh: TTXVN. 

Con chị Nguyễn Hợp học một trường tư thục ở Hà Nội. Do dịch bệnh kéo dài, chị cho hai con về ngoại thành sống. Ban đầu, thời khoá biểu của trường tư thục vẫn dày đặc lịch học như học trực tiếp.

Chị Nguyễn Hợp than thở: “Thời gian biểu của chương trình học online áp dụng gần như với học trực tiếp. Điều này rất bất hợp lý với học sinh tiểu học, đặc biệt là lớp 1. Vì sự tập trung của các con chưa cao. Như con tôi, lúc thì kêu đói, lúc thì nói mỏi lưng...”.

Một phụ huynh có con học lớp 1 ở quận Hai Bà Trưng, Hà Nội cũng chia sẻ: “Con học trực tuyến, bố mẹ xác định đồng hành cùng. Nhưng bao nhiêu tình huống dở khóc dở cười diễn ra. Vào lớp, cô giáo phải mất 20 phút ổn định trật tự lớp học. Học xong được một vần thì hết giờ, chuyển tiết. Lớp học nhốn nháo, con thì không tập trung. Có lúc chạy vào con ngủ gật trên bàn học”.

Bên cạnh những tình huống khi học thì lúc này việc trang bị máy tính, ipad cho con học cũng là vấn đề lớn với nhiều gia đình.

Anh Nguyễn Như Thuần (Đống Đa, Hà Nội) cho biết: “Mặc dù nhà đã có hai máy laptop, smartphone, máy tính bảng nhưng chiều tối 6/9, tôi phải đi mua thêm một cái máy tính để con học online. Công việc của tôi thường xuyên phải sử dụng máy tính nên việc ‘nhường’ con cả ngày như hiện nay thật không ổn”.

Anh Thuần cũng cho biết thêm, việc mua máy tính cũng không hề đơn giản trong thời gian giãn cách xã hội, nhiều cửa hàng đóng cửa khiến phụ huynh không mua ngay được. Với những gia đình cha mẹ có thể hỗ trợ con học trực tuyến, có trang thiết bị đã khó như vậy nhưng ở nhiều nơi trẻ trong độ tuổi đi học vẫn không được hỗ trợ hoặc không có thiết bị học online.

Hà Nội đã khó như vậy còn TP Hồ Chí Minh là khó khăn chồng chất khó khăn khi đang là tâm dịch của cả nước.

Kịp thời hỗ trợ, điều chỉnh chương trình dạy học

Hiện nay, Hà Nội chưa có thống kê đầy đủ về số lượng học sinh không có điều kiện học tập trên internet, nhưng các cơ sở giáo dục cũng đã rà soát trong nhà trường, kêu gọi sự hỗ trợ của phụ huynh, nhà hảo tâm để học sinh có thiết bị học online.

Còn tại TP Hồ Chí Minh, hiện nay có khoảng 77.000 học sinh không có điều kiện học tập trên internet. Tuy nhiên, đây là số liệu gồm cả những khó khăn về đi lại, đường truyền, không có phụ huynh kèm cặp... Còn khoảng 51.000 học sinh tiểu học gặp khó khăn khi học trực tuyến trong đó có khó khăn về đường truyền khi học trên Internet.

Theo ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) TP Hồ Chí Minh, thành phố có nhiều giải pháp, chẳng hạn như sáng 6/9, tại Quận 10, UBND thành phố và quận 10 đã tổ chức trao tặng 100 máy tính bảng cho học sinh trên địa bàn Quận 10 do doanh nghiệp tài trợ. Đây là giải pháp mà các quận, huyện cần tham khảo để doanh nghiệp chung sức với ngành GD&ĐT. Hiện nay, ngoài chỉ đạo của Sở, các trường cũng thực hiện các giải pháp như vận động phụ huynh góp, trao tặng, vận động các doanh nghiệp... Sắp tới, Sở sẽ xin UBND thành phố chủ trương để các đơn vị giới thiệu các gói giải pháp chẳng hạn như thiết bị, đường truyền để cung ứng cho các trường và các em học sinh.

“Tuy nhiên, có một thực tế hiện nay là dù phụ huynh có tiền cũng không mua được, bởi việc đi lại khó khăn nên dù máy hư, máy cũ, ngay cả giáo viên không thể đi sửa được. Đối với những học sinh không thể học trên internet, chúng ôi xây dựng phiếu học tập, ban đầu thầy cô sẽ giao bài, sau đó đội ngũ tình nguyện viên sẽ thu các phiếu đó đưa lại giáo viên để thầy cô biết được các em đang học ở mức độ nào. Sở GD&ĐT đã chỉ đạo các trường xây dựng kế hoạch cho những đối tượng học sinh này, làm sao để các em vẫn có thể tiếp cận được việc học một cách thuận lợi nhất”, ông Nguyễn Văn Hiếu cho biết.

Về chương trình học, lịch học, PGS TS Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Trung học, Bộ GD&ĐT cho biết: “Bộ GD&ĐT đã có văn bản dạy học trực tuyến trên internet và truyền hình và tới đây chúng tôi tiếp tục tập huấn giáo viên về kỹ năng dạy học trực tuyến để khắc phục những hạn chế hiện nay. Tinh thần là các nhà trường tổ chức dạy trực tuyến theo cách tăng cường, giao cho học sinh tự học nhiều hơn. Thầy cô chuẩn bị bài, giao bài học sinh qua zalo, thư điện tử, nhắn tin..., như thế, khi học sinh vào học trực tuyến đã phải có sự chuẩn bị bài từ trước, đã được đọc SGK từ trước. Khi đó, giờ học trực tuyến tương tác thực chỉ còn là trao đổi, báo cáo, trả lời, giải đáp những vấn đề học sinh còn đang vướng mắc, giúp giảm thời gian ngồi trước màn hình tương tác online”.

Trong trường hợp không có internet, Bộ GD&ĐT khuyến khích nhà trường có thể phát các tài liệu trên truyền hình hoặc copy vào USB, VCD để nhờ cộng đồng hỗ trợ, giúp các em tiếp cận các học liệu này.

Theo LÊ VÂN (Báo Tin Tức)

 

Liên kết hữu ích