Nông dân An Giang hăng hái sản xuất - kinh doanh giỏi

04/02/2025 - 07:49

 - Những năm qua, phong trào nông dân thi đua sản xuất - kinh doanh (SXKD) giỏi được Hội Nông dân tỉnh An Giang triển khai sâu rộng đến cơ sở. Qua đó, phát huy được tính năng động, sáng tạo trong lao động, SXKD của nông dân, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà.

Theo Hội Nông dân tỉnh, hàng năm, toàn tỉnh có hơn 90.000 hộ đăng ký danh hiệu nông dân SXKD giỏi các cấp. Năm 2024, 77.309 hộ đạt danh hiệu này, tạo động lực để nông dân sáng tạo, hăng hái thi đua sản xuất, chia sẻ kinh nghiệm cùng giúp nhau làm giàu, hỗ trợ hội viên khó khăn vươn lên thoát nghèo bền vững. Nông dân SXKD giỏi cũng chủ động khai thác tiềm năng, thế mạnh địa phương, đầu tư công nghệ mới, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, xây dựng thương hiệu, nâng cao giá trị hàng hóa và mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Cùng với đó, chất lượng phong trào cũng được nâng lên: Trên 4.059 nông dân có doanh thu trên 1 tỷ đồng/năm, trên 4.500 hộ có doanh thu từ 500 triệu đến 1 tỷ đồng/năm. Những cá nhân tiêu biểu, như: Nông dân Lê Thị Bích Lệ (xã Vĩnh Châu, TP. Châu Đốc), Văng Công Triết (xã Phú Thuận, huyện Thoại Sơn) với mô hình chuyển đổi cây trồng vật nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao; nông dân Nguyễn Văn Tôm (thị trấn Vĩnh Thạnh Trung, huyện Châu Phú) với mô hình đa dạng hóa sản phẩm từ cây bưởi... đạt doanh thu từ 2 - 3 tỷ đồng/năm.

Phong trào nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi tại tỉnh An Giang đạt nhiều kết quả tích cực

Phong trào nông dân thi đua SXKD giỏi đã tác động tích cực đến kết quả thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) của tỉnh An Giang. Nhiều nông dân mạnh dạn chuyển đổi ngành nghề sang các lĩnh vực phi nông nghiệp, đạt được kết quả tích cực, như chị Châu Thị Thùy Diễm (xã Phú Bình, huyện Phú Tân), với sản phẩm chả cá rút xương, chị Nguyễn Thị Kim Loan (xã Long Kiến, huyện Chợ Mới), với sản phẩm khô cá lóc, được thị trường khắp nơi đón nhận.

Bên cạnh đó, phong trào cũng góp phần thu hút, tạo sự gắn kết chặt chẽ hơn giữa hội viên, nông dân với tổ chức hội nông dân các cấp, nhất là trong mục tiêu xây dựng chi - tổ hội nông dân nghề nghiệp. Năm 2024, các cấp hội trong tỉnh kết nạp mới 10.378 hội viên, nâng tổng số hội viên toàn tỉnh hiện nay là 110.356 người, chiếm hơn 65% số hộ nông nghiệp. Đồng thời, các cấp hội đang quản lý 205 chi hội, 1.441 tổ hội nông dân nghề nghiệp, có 11.886 hội viên tham gia.

Nhìn chung, phong trào nông dân thi đua SXKD giỏi những năm qua đã chuyển biến tích cực, thu hút đông đảo nông dân tham gia, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống nông thôn. Nông dân dần chuyển từ sản xuất nhỏ lẻ sang sản xuất hàng hóa lớn, từ kinh tế hộ gia đình sang liên kết hợp tác sản xuất theo chuỗi giá trị. Nhiều nông dân xuất sắc nổi lên với tinh thần sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, giúp đỡ nhau vượt khó và vươn lên làm giàu chính đáng trên quê hương mình.

Tuy nhiên, phong trào nông  dân thi đua SXKD giỏi trên địa bàn tỉnh phát triển chưa đồng đều. Còn nhiều nông dân SXKD đạt hiệu quả cao, thành đạt, nhưng chưa nhiệt huyết với phong trào; tổ chức hội ở một số nơi chưa đủ sức tập hợp nông dân, chưa thâm nhập, tuyên truyền nông dân hăng hái thi đua SXKD giỏi…

Ông Lê Thanh Long (xã Tân Lợi, TX. Tịnh Biên) được vinh danh là nông dân xuất sắc tiêu biểu toàn quốc năm 2024

Trong năm 2025, Hội Nông dân tỉnh sẽ đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân thực hiện tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, đặc biệt là phong trào nông dân thi đua SXKD giỏi. Tăng cường phối hợp các ngành nhằm chuyển giao khoa học kỹ thuật, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, tham gia thực hiện tốt Chương trình OCOP của tỉnh; tích cực hỗ trợ nông dân quảng bá sản phẩm và kết nối thị trường tiêu thụ; tăng cường hỗ trợ vốn cho nông dân mở rộng quy mô sản xuất.

Đồng thời, tiếp tục phối hợp vận động nông dân tích cực tham gia Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030” tại tỉnh An Giang. Tham gia tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp, thực hiện nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; xây dựng, nhân rộng mô hình kinh tế tuần hoàn và chuyển đổi số trong nông nghiệp với lực lượng nòng cốt là những nông dân SXKD giỏi…

Bên cạnh đó, toàn tỉnh phát huy hiệu quả chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn và nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân; tăng cường tư vấn, tổ chức hoạt động dịch vụ hỗ trợ nông dân; từng bước hướng nông dân chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang làm kinh tế nông nghiệp. Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân tham gia tổ hội, chi hội nông dân nghề nghiệp và các mô hình kinh tế hợp tác gắn với hợp đồng tiêu thụ sản phẩm; tích cực nhân rộng mô hình SXKD hiệu quả.

MINH QUÂN