Nông dân bắt tay xây dựng nông thôn mới

03/07/2023 - 06:22

 - Nông nghiệp, nông dân, nông thôn là 3 nhân tố có quan hệ mật thiết, gắn bó không thể tách rời. Nông dân là chủ thể, trung tâm của quá trình phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn, xây dựng nông thôn mới (NTM). Chính vì thế, nông dân phải là lực lượng đầu tiên, nòng cốt trong quá trình này.

Tô điểm quê hương từng chút một

Ấp Mỹ Khánh 2 là “cửa ngõ” của xã Mỹ Hòa Hưng (TP. Long Xuyên), chào đón du khách xa gần đến với quê hương Chủ tịch Tôn Đức Thắng. Nếu đường quê trồng hoa kiểng thẳng tắp cùng nhiều loại hoa khác nhau đua nở thì sẽ tạo thành không gian rất đẹp, ai đi qua cũng cảm thấy thoải mái, cảm nhận được miền quê trù phú, trong lành.

Bởi vậy, bà Nguyễn Thị Bích Liễu (Chi hội trưởng Nông dân ấp Mỹ Khánh 2) quyết tâm vận động nhân dân trong ấp trồng hoa kiểng, thực hiện tuyến đường hoa, nâng chất cảnh quan quê mình, góp phần xây dựng xã NTM nâng cao, tiến tới NTM kiểu mẫu.

“Ban đầu, người dân chưa quan tâm, ít tham gia, nghĩ rằng đây không phải là trách nhiệm của mình. Nếu trồng thì lại không đồng loạt, tính tập thể không cao. Lòng chưa nản, tôi vận động gia đình, người thân quen trong ấp thực hiện trước. Mỗi người trồng hoa kiểng trước nhà, thường xuyên chăm sóc cho hoa tươi tốt. Dần dần, 800m đường (từ bến phà Trà Ôn đến cầu Trạm Y tế xã và đầu khu dân cư ấp) trổ hoa rực rỡ. Tôi rất tâm đắc với việc làm này, nhất định sẽ vận động mọi người duy trì lâu dài” - bà Liễu chia sẻ.

Cảnh quan môi trường nông thôn khởi sắc từ bàn tay nông dân

Những bông hoa ở làng quê Mỹ Khánh 2 tuy nhỏ bé, nhưng góp phần thay đổi diện mạo nông thôn hàng ngày, góp thêm hương sắc cho cuộc sống. Xã Mỹ Hòa Hưng, cùng với Mỹ Khánh được công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao.

 “Chúng tôi còn vận động hội viên, nông dân tham gia bảo vệ môi trường nông thôn, chủ động ứng phó biến đổi khí hậu, tích cực thực hiện dự án “Hội nông dân thu gom, phân loại chất thải túi ny-lon khó phân hủy, sử dụng sản phẩm thay thế, bảo vệ môi trường nông thôn” tại xã Mỹ Khánh. Hơn 4.000 hộ gia đình hội viên, nông dân giữ vững tiêu chuẩn “Gia đình văn hóa”; tham gia xây dựng quy chế dân chủ cơ sở; cam kết không sử dụng chất cấm trong chăn nuôi…” - Phó Chủ tịch Hội Nông dân TP. Long Xuyên Nguyễn Thanh Liêm thông tin.

Phong trào chăm chút, xây dựng quê hương - từ việc làm nhỏ nhất - lan tỏa trong toàn tỉnh, khi mỗi cơ sở hội nông dân đăng ký, nhận ít nhất 1 việc làm cụ thể, tập trung vào lĩnh vực bảo vệ môi trường, cảnh quan nơi sinh sống.

Các cấp hội phối hợp ban, ngành, nhà hảo tâm đóng góp gần 27 tỷ đồng, 85.470 ngày công lao động thực hiện tuyến đường hoa, trồng 186.074 cây xanh các loại. Hội viên, nông dân rộng lòng hiến 113.173m2 đất làm đường; thực hiện 119 mô hình bảo vệ môi trường, thu gom vỏ chai thuốc bảo vệ thực vật, đặt 50 thùng rác dọc theo đường giao thông nông thôn...

Đưa kinh tế khởi sắc từ bàn tay lam lũ

Theo Hội Nông dân tỉnh, các cấp hội có nhiều đổi mới, sáng tạo, giúp đỡ hội viên, nông dân trong sản xuất - kinh doanh (SXKD), cải thiện thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống, đóng góp quan trọng vào việc phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương và chung sức xây dựng NTM. Đơn vị xác định, tham gia phát triển kinh tế, xây dựng NTM là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của tổ chức hội trong giai đoạn hiện nay, phải tập trung chỉ đạo, triển khai và tổ chức thực hiện.

Nhiều phong trào thi đua được phát động, như: Thi đua SXKD giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững; thi đua xây dựng NTM; thi đua tham gia bảo đảm quốc phòng - an ninh. Qua các phong trào thi đua, xuất hiện ngày càng nhiều gương điển hình, tiêu biểu xuất sắc dẫn đầu. Cùng với đó, mỗi chi hội giúp từ 2 - 3 hộ thoát nghèo; mỗi năm phối hợp tổ chức gần 3.000 lớp chuyển giao khoa học - kỹ thuật cho trên 250.000 lượt nông dân; gần 1.200 tỷ đồng cho trên 900 lượt hộ nông dân vay vốn phát triển SXKD; huy động và tạo nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân trên 40 tỷ đồng...

Đến nay, các cấp hội trong tỉnh chủ trì xây dựng, thành lập 1.087 tổ hợp tác sản xuất với 15.925 hội viên, nông dân tham gia (hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực mua bán, chuyển giao khoa học - kỹ thuật và các dịch vụ nông nghiệp khác); 267 câu lạc bộ nông dân với 7.158 thành viên; 173 mô hình “Chi, tổ hội nông dân nghề nghiệp” với 2.500 thành viên; vận động thành lập 211 hợp tác xã nông nghiệp. Nông dân toàn tỉnh đăng ký, được công nhận 74 sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm)… Những bàn tay lam lũ của nông dân mang đến quả ngọt, đóng góp rất lớn vào quá trình phát triển của tỉnh sống dựa vào nông nghiệp như An Giang.

Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh An Giang Võ Chí Hùng khẳng định: “Để tiếp tục thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, chúng tôi sẽ đẩy mạnh tuyên truyền theo hướng thiết thực; gắn tuyên truyền miệng với xây dựng mô hình hiệu quả.

Đồng thời, vận động cán bộ, hội viên, nông dân tham gia xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội; thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, hỗ trợ, đào tạo nghề cho nông dân phát triển kinh tế, hỗ trợ nông dân khởi nghiệp và phát triển hình thức kinh tế tập thể trong nông nghiệp, góp phần tăng thu nhập, giảm nghèo, cải thiện đời sống nông dân.

Phong trào nông dân thi đua SXKD giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững được phát huy, tạo sức lan tỏa lớn, góp phần đẩy mạnh kết quả thực hiện phong trào “Cả nước chung tay xây dựng NTM”. Hoạt động xây dựng đời sống văn hóa, tham gia bảo vệ môi trường, cải tạo cảnh quan nông thôn; đề xuất chính sách, tham gia giám sát và phản biện việc thực hiện chính sách xây dựng NTM... sẽ được chú trọng thực hiện”.

GIA KHÁNH