Nông dân Bình Hòa thi đua sản xuất - kinh doanh giỏi

09/07/2024 - 07:32

 - Giai đoạn 2022 - 2024, phong trào nông dân thi đua sản xuất - kinh doanh (SXKD) giỏi luôn được Hội Nông dân xã Bình Hòa (huyện Châu Thành) triển khai hiệu quả. Qua đó, phát huy tính năng động, sáng tạo của nông dân, góp phần thúc đẩy SXKD đạt hiệu quả kinh tế cao, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.

Tham quan mô hình sản xuất hiệu quả

Chủ tịch Hội Nông dân xã Bình Hòa Phạm Văn Minh cho biết, xác định phong trào nông dân thi đua SXKD giỏi là nhiệm vụ trọng tâm, tích cực chỉ đạo cán bộ, hội viên hưởng ứng và thực hiện các phong trào gắn với xây dựng nông thôn mới, với nhiều nội dung thiết thực. Đặc biệt, chú trọng tuyên truyền, khuyến khích cán bộ, hội viên, nông dân đổi mới tư duy, thay đổi nếp nghĩ, cách làm, khai thác tiềm năng, thế mạnh về vốn, lao động, đất đai để đầu tư SXKD, vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng.

Để phong trào thực sự lan tỏa, hàng năm, các cấp hội nông dân xã đã chủ động phối hợp các ngành chức năng mở lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật cho nông dân, tham quan học tập và xây dựng nhiều mô hình trình diễn cây, con giống mới, cải tiến kỹ thuật, hỗ trợ tư liệu sản xuất, tổ chức tốt các hoạt động dịch vụ hỗ trợ nông dân, tạo mọi điều kiện để nông dân đẩy mạnh phát triển sản xuất. Từ đó, phát huy tính năng động, sáng tạo trong lao động, sản xuất của nông dân, góp phần thúc đẩy SXKD đạt hiệu quả kinh tế cao.

Giai đoạn 2022 - 2024, toàn xã có 2.505  lượt nông dân và 2 lượt tập thể đạt danh hiệu nông dân SXKD giỏi 3 cấp. Trong đó, cấp xã 2.013 lượt nông dân, cấp huyện 347 lượt nông dân, cấp tỉnh 28 lượt nông dân. “Hiệu quả phong trào nông dân thi đua SXKD giỏi ngày càng nâng cao. Nông dân giảm dần việc sản xuất độc canh cây lúa, đổi mới tư duy trong làm ăn, nhạy bén trong SXKD nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường” - ông Phạm Văn Minh chia sẻ.

Tăng cường chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi mang hiệu quả kinh tế cao

Từ phong trào đã xuất hiện nhiều nông dân dám nghĩ, dám làm, đưa vào thử nghiệm và nhân rộng các loại cây trồng, vật nuôi mới, phá vỡ thế độc canh cây lúa, phát triển các ngành nghề, dịch vụ mới trong kinh tế nông thôn. Tiêu biểu, như: Mô hình sản xuất lúa nguyên chủng, xác nhận của tổ hợp tác sản xuất giống  Phú Nông (ấp Phú An I); mô hình nuôi cá tra bột của ông Từ Minh Tấn (ấp Phú An II); mô hình trồng cỏ nuôi bò của ông Phan Văn khoa (ấp Bình Phú  I), ông Nguyễn Thành Tùng (ấp Phú An I); mô hình sản xuất và trồng nấm bào ngư của ông Huỳnh Minh Kiển (ấp Phú Hòa II); mô hình chăn nuôi bò, dê sinh sản và làm vườn của ông Phó Văn Tới (ấp Phú An I)…

Ông Huỳnh Minh Kiển (ấp Phú Hòa II) cho biết, sau khi tham dự các buổi hội thảo, tập huấn ngắn ngày về kỹ thuật trồng nấm, ông đã tận dụng khu đất vườn tạp của gia đình để trồng nấm các loại, như: Linh chi, bào ngư, bào ngư xám. Dần dần, ông tìm tòi, học hỏi kỹ thuật, không chỉ thành công với việc trồng nấm thành phẩm, ông còn cung ứng mỗi năm trên 300.000 bịch phôi nấm cho thị trường trong và ngoài tỉnh. Việc trồng nấm và bán phôi nấm mang lại cho gia đình doanh thu trên 1,5 tỷ đồng, sau khi trừ chi phí lãi gần 500 triệu đồng mỗi năm. Còn ông Từ Minh Tấn (ấp Phú An II) đã mạnh dạn đào ao nuôi cá tra bột, với diện tích 0,5ha. Mô hình mang lại thu nhập ổn định cho gia đình ông hơn 10 năm qua. “Nuôi cá tra bột cần phải nắm vững về kỹ thuật nuôi. mô hình mang lại thu nhập ổn định, bình quân trên 250 triệu đồng/năm” - ông Tấn chia sẻ.

Cùng với thi đua SXKD giỏi, tinh thần “Tương thân, tương ái” của hội viên, nông dân còn được phát huy tích cực. Ba năm qua, Hội Nông dân xã vận động hội viên, nông dân và các hộ SXKD giỏi đóng góp trên 800 triệu đồng và trên 10.000 ngày công lao động tham gia hoạt động an sinh xã hội, chăm lo người nghèo, giúp nhau phát triển kinh tế. Đồng thời, hướng dẫn, giúp đỡ và tạo việc làm cho hơn 5.640 lượt nông dân; giúp đỡ vốn, kỹ thuật cho trên 85 hộ nghèo, cận nghèo, khó khăn có điều kiện vươn lên thoát nghèo…

Thời gian tới, Hội Nông dân xã Bình Hòa tiếp tục đổi mới nội dung và phương thức hoạt động, nâng cao chất lượng hoạt động của các chi hội cơ sở. Đồng thời, tiếp tục thực hiện hiệu quả phong trào nông dân thi đua SXKD giỏi; vận động cán bộ, hội viên nông dân tích cực tham gia hoạt động an sinh xã hội, phát triển nông thôn... Qua đó, góp phần cùng cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần người dân.

 TRUNG HIẾU