Nông dân bỏ tiền tỷ xây cầu từ thiện

28/02/2019 - 07:40

 - “Mỗi người có quan niệm khác nhau về hạnh phúc. Với tôi, hạnh phúc là hàng ngày được đi qua những chiếc cầu bê-tông vững chãi, nhìn hệ thống đèn giao thông thắp sáng trên những con đường nhựa nối vào tận các vùng sâu. Niềm vui của người dân cũng là hạnh phúc của mình” - ông Nguyễn Minh Lương (thường gọi Út Ổi, ngụ khóm Mỹ Phú, phường Mỹ Quý, TP. Long Xuyên) nói về lý do của việc tự bỏ tiền túi hơn 8 tỷ đồng để xây dựng những chiếc cầu trên các tuyến kênh, rạch của TP. Long Xuyên.

Chấp nhận thiếu nợ để xây cầu

Là một nông dân canh tác 80 công lúa ở phường Mỹ Thới (TP. Long Xuyên), ông Nguyễn Minh Lương cảm thấy buồn khi giá lúa đông xuân năm nay thấp hơn nhiều so vụ đông xuân trước. Tuy nhiên, điều ông lo lắng không phải thu nhập giảm sút mà lo không có đủ 200 triệu đồng để trả tiền nợ… xây cầu từ thiện. Từ khi theo đuổi “sự nghiệp” xây cầu giúp dân, năm 2018 là năm ông Út Ổi quyết định “chơi lớn”, khi xây cùng lúc 2 cây cầu Rạch Gòi Lớn 1 và cầu Đôi Lớn với tổng kinh phí hơn 1,8 tỷ đồng. “Vụ đông xuân năm nay, tôi ký hợp đồng liên kết với một công ty lương thực ở quận Thốt Nốt (TP. Cần Thơ), giá thỏa thuận bao tiêu từ đầu vụ là 6.500 đồng/kg. Hiện nay, giá lúa xuống nên công ty chỉ đồng ý thu mua 5.800 đồng/kg. Với giá này, bán xong vụ lúa, sau khi trừ chi phí sản xuất, chắc không còn đủ 200 triệu đồng trả tiền nợ vật tư xây 2 cây cầu Rạch Gòi Lớn 1 và cầu Đôi Lớn. Vụ này trả không hết thì vụ sau trả và khi có tiền, tôi tiếp tục xây cầu từ thiện, chấp nhận… thiếu nợ, rồi mần lúa trả lại từ từ” - ông Út Ổi nói chuyện nhẹ như chơi.

Trong khi phần lớn những cây cầu giao thông nông thôn rộng 3,5- 4m thì những cây cầu bê-tông mà ông Út Ổi xây dựng có chiều ngang từ 5m trở lên, riêng cầu Rạch Gòi Lớn 1 và cầu Đôi Lớn mới xây dựng năm 2018, rộng tới 6-7m. Trong đó, cầu Rạch Gòi Lớn 1 bắc qua kênh Rạch Gòi Lớn, nối khóm Tân Quới (phường Mỹ Quý) với khóm Trung Thạnh (phường Mỹ Thới, TP. Long Xuyên) dài 27m, rộng 6m, kinh phí xây dựng 1,2 tỷ đồng cùng công đóng góp của lực lượng cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 3 (Quân khu 9), Trung tâm Huấn luyện và Bồi dưỡng nghiệp vụ Công an tỉnh, chiến sĩ và nhân dân phường Mỹ Thới, khởi công ngày 6-3-2018, hoàn thành ngày 16-10-2018. Còn cầu Đôi Lớn nối khóm Tân Quới và khóm Mỹ Phú (phường Mỹ Quý) dài 30m, rộng 7m, cũng do ông - bà Út Ổi tài trợ vật tư 620 triệu đồng, Lữ đoàn Pháo binh 6 (Quân khu 9) và nhân dân phường Mỹ Quý đóng góp ngày công hoàn thành 30-10-2018 (khởi công ngày 20-8-2018). “Sau này kinh tế phát triển, nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa nhiều hơn. Với cầu 3,5m thì 2 chiếc xe tải, ôtô ngược chiều nhau sẽ không thể qua cầu cùng lúc. Mình xây cầu bây giờ nhưng phải tính đến hiệu quả sử dụng đến nửa thế kỷ sau” - ông Út Ổi chia sẻ.

Nông dân bỏ tiền tỷ xây cầu từ thiện

Ông Út Ổi bên cây cầu Đôi Lớn do ông tài trợ

Không sợ chết, chỉ sợ giúp đời chưa trọn vẹn

Sinh năm 1948, điều đặc biệt ở lão nông đã bước qua tuổi “thất thập cổ lai hi” Nguyễn Minh Lương là khi quyết định xây cầu, ông tự mình bỏ ra toàn bộ kinh phí mua vật tư, nhờ bà con đóng góp công xây dựng. “Khi xài tiền của mình thì thuận lợi trong thiết kế cầu rộng rãi, vững chắc hơn. Sau những lần nhờ đội thi công cầu ở Bò Ót (quận Thốt Nốt, TP. Cần Thơ) và xem cách họ làm, tôi tự thiết kế và xây được cầu bê-tông. Thợ hồ thì nhờ bà con ở địa phương và bộ đội” - ông Út nhấn mạnh. Sở dĩ khá thoải mái trong chuyện mua nợ vật tư xây cầu trước rồi bán lúa trả sau, vì ông Út Ổi được vợ ủng hộ (bà Nguyễn Thị Tuyết Hạnh). “Vợ tôi là chủ cửa hàng vật liệu xây dựng Năm Thâu ở huyện Lấp Vò (Đồng Tháp). Bởi vậy mới dễ… mua thiếu. Mùa này bán lúa trả chưa đủ thì bả cho nợ sang mùa sau, không sợ… bị giựt tiền” - ông Út Ổi nói vui.

Với mỗi cây cầu giao thông nông thôn, ông Út Ổi bỏ tiền túi ra tài trợ từ 500-600 triệu đến hơn 1 tỷ đồng nhưng khi hỏi đã xây được bao nhiêu cây cầu, ông không nhớ chính xác. Số tiền tài trợ bao nhiêu ông cũng chẳng nhớ rõ, chỉ nôm na không dưới 8 tỷ đồng sau hơn 10 năm xây cầu từ thiện ở các phường Mỹ Quý, Mỹ Thới, Mỹ Hòa (TP. Long Xuyên). “Trên tuyến kênh Rạch Gòi Bé có cầu Tây An 9, Tây An 10, Đức Thành. Đối với kênh Rạch Gòi Lớn, đã thay toàn bộ cầu sắt, cầu gỗ tạm bằng cầu bê-tông, bắt đầu là cầu Bà Miễu, Ba Khoái (Rạch Gòi Lớn 1), Ngã Ba, Rạch Gòi Lớn 3, cầu Kinh, cầu Đôi Lớn… Ngoài ra, còn có cầu Cây Lựu, cầu Ngã Ba (chợ Mương Khai)…”- ông Út Ổi nhớ lại.

Bây giờ, khi đã 71 tuổi, sức khỏe không toàn tốt như trước, ông Út vẫn canh cánh nỗi lo cho người nghèo. “Dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi vừa qua, tôi cùng mấy đứa cháu khảo sát, tìm hiểu những trường hợp ngặt nghèo như: người già yếu, bệnh tật, neo đơn ở các phường Mỹ Thới, Mỹ Quý, Mỹ Phước, Mỹ Thạnh để tặng khoảng 200 phần quà. Tôi định tích cóp khoảng 1 tỷ đồng gửi vô ngân hàng, ủy quyền cho phường Mỹ Quý mỗi năm rút ra 100 triệu đồng tặng quà Tết cho những trường hợp ngặt nghèo” - ông Út Ổi tâm sự.

Ông Út Ổi cho biết thêm, mỗi người có thể lựa chọn cách học tập Bác Hồ khác nhau, với ông, học Bác chủ yếu ở tấm lòng yêu thương con người, làm sao để ai cũng vui vẻ, ấm no, hạnh phúc. “Trong 80 công đất ruộng đang canh tác, tôi dành ra 10 công sản xuất lúa sạch, sử dụng giống ST24 kháng rầy, sâu bệnh tự nhiên, chỉ xài phân hữu cơ, thuốc sinh học. Số lúa sạch thu hoạch được tôi sẽ để riêng không bán, mang xay gạo để tặng cho người nghèo, giúp họ có bữa cơm ngon, tốt cho sức khỏe” - lão nông Út Ổi bộc bạch.

Với thành tích đặc biệt trong đóng góp xây dựng cầu giao thông nông thôn, ông Nguyễn Minh Lương đã được UBND tỉnh tuyên dương, đặc biệt là được Chủ tịch nước tặng Huân chương lao động hạng 3.

Bài, ảnh: NGÔ CHUẨN