
Là nông dân kinh doanh giỏi nhiều năm liền, ông Nguyễn Văn Thắm (Trưởng ban Trị sự Phật giáo Hòa Hảo thị trấn Cái Dầu, huyện Châu Phú) còn được người dân địa phương quý mến bởi cái tâm từ thiện – xã hội và phương châm sống “Tốt đời, đẹp đạo”. “Xuất thân là một nông dân, tôi thấu hiểu được sự cơ cực, nghèo khó. Vì vậy, tôi dành một phần thu nhập của mình tham gia hoạt động thiện nguyện, giúp đỡ phần nào cho người đang gặp khó khăn” - ông Thắm chia sẻ.
Hàng năm, ông Thắm kêu gọi, vận động tín đồ Phật giáo Hòa Hảo, bà con Nhân dân đóng góp tiền, hiện vật cùng chung tay với chính quyền địa phương thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, như: Xây dựng nhà Tình thương, mua bảo hiểm y tế cho người khó khăn; trao tặng tập và tiền mặt cho học sinh nghèo nhân dịp năm học mới...
Nhiều hộ nông dân trong tỉnh sẵn lòng hiến đất, tích cực góp vốn đầu tư xây dựng công trình phúc lợi (trường học, trạm xá, cầu cống, đường giao thông…). Tiêu biểu như anh Đoàn Trung Hiếu (nông dân xã Vĩnh Hòa, TX. Tân Châu) vận động nông dân hiến 1.240m2 đất làm đường giao thông nội đồng. Bản thân anh tự nguyện hiến 400m2 đất, tổng trị giá khoảng 372 triệu đồng. Hành động thiết thực của anh góp phần giúp địa phương cải tạo hạ tầng giao thông nội đồng, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại, vận chuyển hàng hóa của bà con.
Rất nhiều tổ từ thiện cùng nhau sẻ chia, giúp đỡ gia đình nghèo xây nhà, cất cầu, sửa đường từ thiện… Họ là những nông dân chân chất, có chung tấm lòng thiện nguyện. Điển hình, Tổ Từ thiện xã Long Hòa (huyện Phú Tân) được thành lập từ năm 2013 với 9 thành viên. Phát huy tinh thần đoàn kết, "tương thân tương ái", họ sẻ chia khó khăn, giúp đỡ những mảnh đời bất hạnh.
Trong năm 2024, Tổ Từ thiện xã Long Hòa vận động nhà hảo tâm thực hiện các công trình, phần việc, như: Hỗ trợ 150 phần quà Tết; cất 10 căn nhà; lắp đặt 148 bóng đèn năng lượng mặt trời; hỗ trợ mua nhựa vá đường; phát 100 phần gạo và quà hàng tháng cho người khuyết tật, người bán vé số; hỗ trợ bảo hiểm y tế cho 12 em học sinh; hỗ trợ xây cầu tại xã Phú Thạnh; hỗ trợ bệnh nhân nghèo nhập viện... tổng kinh phí vận động khoảng 1,3 tỷ đồng.
Nông dân còn cho các hội đông y địa phương mượn đất trồng dược liệu theo thời vụ, giúp cơ sở điều trị, phòng khám đông y trong và ngoài địa phương khám, chữa bệnh miễn phí cho bệnh nhân khó khăn. Anh Lê Thanh Tùng (TP. Châu Đốc) đã hiến hơn 5 công đất trồng lúa 3 vụ (thu nhập khoảng 15 triệu đồng/năm) để Hội Đông y làm nơi trồng dược liệu quý. Anh Tùng chia sẻ: "Là người dân sống trong cộng đồng, nếu không làm được việc này thì làm việc khác để giúp ích cho xã hội. Bao nhiêu tiền xài cũng hết. Do đó, tôi hiến đất cho Hội Đông y để giúp đỡ và chăm sóc sức khỏe cho mọi người".
Đây chỉ là số ít trong rất rất nhiều gương nông dân trên địa bàn tỉnh đang âm thầm cống hiến bằng tâm huyết, trách nhiệm của mình. Với tinh thần đoàn kết, tích cực tham gia phong trào thi đua, cùng nhiều chương trình, hoạt động thiết thực, nông dân đã và đang phát huy vai trò tiên phong trong lao động sản xuất, tích cực làm từ thiện, cùng nhau xây dựng quê hương An Giang ngày càng giàu đẹp.
TRỌNG TÍN