Nông dân cù lao cất nhà từ thiện

06/02/2025 - 06:52

 - Xã cù lao Mỹ Hòa Hưng (TP. Long Xuyên) tuy chưa giàu có, nhưng người dân rất tử tế. Mỗi khi nghe bà con nghèo gặp khó khăn về nhà ở, nông dân trong xã nhiệt tình chở gỗ đến tận nơi cất dựng đàng hoàng.

Thiện nguyện bằng cái tâm

Mờ sáng, ghé chùa Hưng Long (ấp Mỹ An 1), chúng tôi đã nghe tiếng bào gỗ xoèn xoẹt của những thợ mộc miệt vườn. Các chú lớn tuổi, nhưng giàu lòng thiện nguyện. Công đoạn cưa, đục, đẽo, bào gỗ, lấy mực tàu được họ làm rất bài bản, rộn ràng, đánh thức vùng quê bên cồn lúc bình minh. Tính đến nay, các chú đã có hơn 20 năm lặng lẽ làm công tác từ thiện. Người mới nối tiếp người cũ tiếp tục kế thừa, quán xuyến chuyện cất nhà cho người nghèo.

Chú Nguyễn Văn Mi (72 tuổi) được bà con tín nhiệm bầu làm Tổ trưởng Tổ Cất nhà Đại đoàn kết. Hôm gặp chúng tôi, chú đang dọn dẹp gọn gàng đống gỗ đã được bào, đục hoàn chỉnh. Chú kể, cách đây 20 năm, tổ cất nhà do ông đạo Bảy thành lập. Ban đầu chỉ vài người, nhưng khi thấy việc làm này có ý nghĩa cho xã hội, nhiều người đã tình nguyện tham gia. Người góp công, người góp của để cất mái ấm tươm tất cho gia đình khó khăn.

Bên hong chùa Hưng Long, các chú nông dân tất bật các công đoạn cất nhà cho bà con nghèo

Sau này, ông đạo Bảy mất, chú Mi tiếp tục huy động bà con duy trì cất nhà từ thiện. Mỗi người một công đoạn, thay phiên nhau làm, rồi ráp lại thành căn nhà hoàn chỉnh. Hôm sau, các chú vẫn có mặt tại chùa Hưng Long để bào, đục, đẽo gỗ khua lóc cóc. Cứ như vậy, thời gian trôi nhanh. Mỗi năm họ cất khoảng 30 căn nhà gỗ cho bà con. “Cất nhà gỗ còn khó hơn xây nhà tường, đòi hỏi thợ mộc phải có kinh nghiệm. Muốn làm được căn nhà hoàn chỉnh, chúng tôi thiết kế bản vẽ, tính toán hợp lý, sau đó đục, đẽo ăn khớp các công đoạn kèo, cột, đòn tay. Khi mang gỗ đi ráp nhà sẽ không bị lệch” - chú Mi chia sẻ.

Hôm ghé ngắm đàn dơi quạ bay về đậu trước chùa, chúng tôi nán lại xem các chú làm nghề rất điệu nghệ và tỉ mẩn. Có thể gọi họ là những thợ mộc cự phách còn sót lại ở xứ cù lao Ông Hổ. Thuở trước, Mỹ Hòa Hưng là dãy đất cồn nằm giữa dòng sông Hậu, mỗi khi lũ lớn, nước ngập lênh láng. Để thích nghi với môi trường thiên nhiên hà khắc, bà con cất nhà sàn vượt lũ chắc chắn. Hiện nay, nếu có dịp rảo một vòng xứ cù lao, du khách dễ dàng bắt gặp những căn nhà sàn gỗ, mái lợp ngói rất độc đáo vẫn còn hiện hữu. Đây là nét văn hóa truyền thống ăn sâu vào nếp ở của bà con miền Tây thuở trước, được người dân gìn giữ tại xứ cù lao này. Có những căn nhà sàn bằng gỗ tuổi đời trăm năm, được người dân chọn làm điểm du lịch homestay, khách quốc tế rất ưa chuộng.

Nơi nào cũng tới

Chính điều kiện tự nhiên đã sản sinh ra những thợ mộc có bàn tay tài hoa, biết cách cất nhà gỗ cao ráo, thích nghi linh hoạt trong mùa lũ. Cho đến bây giờ, nhiều gia đình vẫn còn chuộng nhà sàn gỗ, vì vừa thoáng mát, vừa ít tốn chi phí. Chú Mi nói rằng, một căn nhà gỗ kinh phí khoảng 20 - 30 triệu đồng. Hàng chục năm qua, chú cùng những thợ mộc dạn dày kinh nghiệm cất hàng trăm căn nhà khắp nơi trong và ngoài tỉnh. “Khi nghe người nghèo điện thoại xin nhà, dù bất cứ nơi đâu chúng tôi vẫn chạy xe tới tận nơi xác minh, rồi chở gỗ dựng ráp cho bà con. Cất xong căn nhà, thấy người nghèo họ mừng, mình cũng vui lây vì làm được điều ý nghĩa cho xã hội” - chú Mi tâm sự.

Chú 2 No (73 tuổi) gắn bó với tổ cất nhà từ thiện này ngót nghét 20 năm. Chú kể, không ai bảo ai, thấy người này làm từ thiện có ý nghĩa cho xã hội thì người khác đến góp sức. Ban đầu chỉ vài người tham gia, đến nay trên 20 tình nguyện viên chủ yếu là nông dân, đủ lứa tuổi. Người già có kinh nghiệm, tổ chức làm các công đoạn chọn gỗ, đục, đẽo… Người trẻ thì khiêng, vác, chở gỗ đến tận nơi, leo ráp nhà. Anh em phối hợp đều tay, nhịp nhàng, giúp tổ cất nhà từ thiện duy trì bền vững tới bây giờ. “Gia đình tôi đủ ăn, đủ mặc, sấp nhỏ có nghề nghiệp ổn định. Nay ở tuổi xế chiều, tôi góp chút công sức cùng anh em làm những điều có ý nghĩa cho xã hội. Hàng ngày, tôi chú tâm làm từ thiện, mong sao nhiều gia đình nghèo có được mái ấm lành lặn thì bản thân vui rồi!” - chú No bày tỏ.

Trưa nắng gắt, mọi người nghỉ xả hơi bên bóng râm gốc xoài mát rượi. Một ni cô bưng dĩa trái cây, ca trà đá mời giải nhiệt. Các chú rổn rảng kể nhau nghe chuyện canh tác ruộng vườn, vơi đi cái mệt buổi trưa. Ngồi trò chuyện với họ, chúng tôi mới biết, mỗi năm các chú vận động nhà hảo tâm mua gỗ, tole cất nhà cho người nghèo khắp nơi. Khi thì đi Sóc Trăng, Trà Vinh ráp nhà cho bà con đồng bào dân tộc thiểu số Khmer, lúc thì đi xuống Bạc Liêu, Cà Mau cất nhà tận vùng sâu, vùng xa. “Trong lúc đi xa, phải vận động xe tải chở gỗ đến tận nơi, mất cả ngày trời. Thường, bà con miệt dưới rất cần những căn nhà gỗ, lợp tole, vì nhẹ nhàng, phù hợp với vùng đất bưng biền hẻo lánh. Cất xong ngôi nhà, nhiều người mừng rơi nước mắt, bởi đã mấy chục tuổi đời mới có được căn nhà đúng nghĩa” - chú Hai Minh nói.

Xế trưa, chú Mi, Hai No, Hai Phước, Hai Minh, Tư Luôn, Út Mước... quệt mồ hôi ngang trán, tiếp tục công việc, phát ra âm thanh rèn rẹt. Sau Tết, các chú sẽ đi ngoài tỉnh, tiếp tục hành trình mang mái ấm đến người nghèo. Việc làm thiện nguyện của các chú giàu lòng nhân văn, thể hiện tinh thần “Tương thân, tương ái”, rất trân quý!

LƯU MỸ