Nông dân Tà Đảnh thi đua sản xuất - kinh doanh giỏi

15/02/2022 - 08:59

 - Hưởng ứng phong trào nông dân thi đua sản xuất - kinh doanh (SXKD) giỏi, hội viên, nông dân xã Tà Đảnh (huyện Tri Tôn) đã khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương, tích cực chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi; mạnh dạn đầu tư, áp dụng kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất, tạo ra giá trị hàng hóa, lợi nhuận cao. Đến nay, phong trào đã phát triển sâu rộng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

Nhiều điển hình

Nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của địa phương, Hội Nông dân xã Tà Đảnh đã thường xuyên tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân đổi mới tư duy, thay đổi nếp nghĩ, đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; tăng cường ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất...

Hưởng ứng chủ trương chuyển đổi cây trồng, vật nuôi và sản xuất theo hướng an toàn, ông Phan Văn Thụ (ngụ ấp Tân Thuận, xã Tà Đảnh) đã tham quan, tìm hiểu một số mô hình trồng dưa lưới tại các địa phương trong và ngoài huyện. Nhận thấy đây là mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao, ông quyết định chuyển đổi phần đất lúa của gia đình, phát triển mô hình trên diện tích 1.000m2. Mô hình có tổng kinh phí đầu tư 400 triệu đồng, trong đó, ngành nông nghiệp huyện hỗ trợ 50% chi phí.

Sau thời gian triển khai, ông Thụ đánh giá, ưu điểm của việc trồng dưa lưới trong nhà màng là không có sâu rầy, côn trùng gây hại, chỉ có một số ít bệnh và nấm do vi khuẩn gây ra, như: Thối thân, xì mủ, phấn trắng, sương mai... Các loại đối tượng gây hại này đều được xử lý bằng thuốc có nguồn gốc hữu cơ sinh học nên rất an toàn cho người sản xuất và sử dụng. “Với diện tích trên, mỗi vụ gia đình tôi thu hoạch khoảng 3,5 tấn dưa lưới. Sản phẩm được Công ty TNHH MTV 0207 bao tiêu với giá 27.000 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí, gia đình thu về lợi nhuận trên 24 triệu đồng mỗi vụ. Đặc biệt, dưa lưới có thể canh tác 4 vụ/năm nên gia đình thu về gần 100 triệu đồng/năm. Hai vụ gần đây, do tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, lợi nhuận dù có giảm nhưng vẫn là mô hình hiệu quả” - ông Thụ chia sẻ.

Cũng như ông Thụ, năm 2019, ông Trần Văn Nam (ngụ ấp Tân Thuận) mạnh dạn chuyển đổi 1ha đất lúa kém hiệu quả sang trồng chanh, xoài. Đặc biệt, ông Nam còn ứng dụng hệ thống tưới nước tiết kiệm cho vườn cây ăn trái của gia đình. Ứng dụng phương pháp này giúp giảm lượng nước tưới, ít tốn công lao động. Đồng thời, giúp cây sử dụng phân bón có hiệu quả hơn, tiết kiệm thuốc bảo vệ thực vật, bảo vệ môi trường.

Nhiều loại cây trồng mới được nhân rộng đã góp phần nâng cao đời sống hội viên, nông dân

Đổi mới tư duy sản xuất

Chủ tịch Hội Nông dân xã Tà Đảnh Diệp Yến Di cho biết, phong trào nông dân SXKD giỏi trong thời gian qua đã tạo chuyển biến tích cực đối với đời sống hội viên, nông dân nói riêng, kinh tế - xã hội của địa phương nói chung. Phong trào từng bước góp phần thúc đẩy ứng dụng các tiến bộ khoa học, công nghệ, cơ giới hóa vào sản xuất, có sự chuyển biến tích cực về chất. Nông dân ngày càng đổi mới tư duy trong cách làm ăn, trong ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, ứng dụng công nghệ thu hoạch và sau thu hoạch vào sản xuất để giảm giá thành sản xuất từ 3-4 triệu đồng/vụ/ha. Ngoài ra, nông dân xã Tà Đảnh mạnh dạn lựa chọn các loại cây trồng giá trị kinh tế cao, như: Lúa giống, lúa chất lượng cao, dưa hấu, sen, ớt... để triển khai nhân rộng nhằm nâng cao thu nhập cho gia đình.

Phong trào nông dân SXKD giỏi còn góp phần tích cực trong thực hiện chương trình giảm nghèo tại địa phương. Hội Nông dân xã đã phối hợp với ngành chức năng tổ chức 4 lớp dạy nghề cho 120 nông dân. Bên cạnh đó, địa phương còn lập dự án đề nghị Ngân hàng Chính sách xã hội huyện phát vay cho 136 hộ với số tiền 4,1 tỷ đồng. Qua đó, tạo động lực cho nhiều hộ nghèo vươn lên có cuộc sống ổn định, nhiều người trở thành nông dân SXKD giỏi...

Ngoài đi đầu trong sản xuất nông nghiệp, nông dân SXKD giỏi còn tích cực tham gia các phong trào xã hội - từ thiện, đền ơn đáp nghĩa, xây dựng nông thôn mới tại địa phương. Giai đoạn 2019-2021, Hội Nông dân xã Tà Đảnh đã vận động hỗ trợ quà Tết cho hộ nghèo, cất nhà Đại đoàn kết, nhà Tình thương, xây dựng cầu, đường giao thông với số tiền 750 triệu đồng; phối hợp cùng Ban Trị sự Phật giáo Hòa Hảo xã và các tổ chức từ thiện cất mới 13 căn nhà, sửa chữa 1 căn nhà Đại đoàn kết, tổng trị giá 330 triệu đồng; xây dựng mới 2 cây cầu với số tiền 226 triệu động; rải đá bụi tuyến bờ Tây kênh 10 với chiều dài 6km, tổng kinh phí 87 triệu đồng...

Phát huy những kết quả đạt được, thời gian tới, Hội Nông dân xã Tà Đảnh sẽ tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng và hiệu quả phong trào thi đua SXKD giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững.

Tà Đảnh là xã thuần nông, có diện tích tự nhiên trên 5.040ha, trong đó diện tích sản xuất nông nghiệp gần 3.937ha, đất lâm nghiệp 758,71ha. Địa phương có hệ thống đê bao khép kín, nông dân có thể canh tác 3 vụ/năm. Giai đoạn 2019-2021, xã Tà Đảnh có 517 nông dân SXKD giỏi các cấp. Phấn đấu giai đoạn 2022-2025, có 690 nông dân SXKD giỏi các cấp...

ĐỨC TOÀN