Nông dân tham gia bảo vệ an ninh trật tự

19/12/2018 - 22:53

 - Nhằm phát huy vai trò tích cực của nhân dân trong giữ gìn an ninh trật tự, Công an xã Vĩnh Trung (Tịnh Biên) thực hiện mô hình “Hội Nông dân tham gia, phối hợp đảm bảo an ninh trật tự”. Đây là một trong nhiều hoạt động góp phần kéo giảm tệ nạn xã hội, phát huy tinh thần tự giác của người dân, mang đến sự bình yên cho làng xóm.

Trưởng Công an xã Vĩnh Trung, Phó Trưởng ban Chỉ đạo thực hiện "Mô hình Hội Nông dân tham gia, phối hợp đảm bảo an ninh trật tự" Phạm Văn Giang thông tin: "Mô hình hoạt động trên cơ sở tự nguyện, thể hiện tinh thần và trách nhiệm của người dân trong phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”. Lực lượng nòng cốt tham gia mô hình là công an và hội viên Hội Nông dân xã cùng thực hiện công tác tự quản về an ninh trật tự, như: tự phòng, tự bảo vệ, tự cảnh giác, tích cực đấu tranh, tố giác tội phạm, góp phần bài trừ tệ nạn xã hội tại địa phương”. Theo đó, mô hình được thực hiện tại các ấp trên địa bàn, gồm 5 tổ với số lượng thành viên từ 50 - 80 người/tổ. Trong đó, Chi hội trưởng Hội Nông dân ấp là tổ trưởng, kết hợp với công an viên phụ trách địa bàn hướng dẫn các thành viên còn lại sinh hoạt đúng theo nội quy, quy chế của mô hình.Để mô hình hoạt động hiệu quả, UBND xã Vĩnh Trung đã huy động các ban, ngành, đoàn thể cùng tham gia. Theo ông Phạm Văn Giang, các thành viên tham gia mô hình rất tích cực, bởi họ ý thức được vai trò, trách nhiệm của mình trong việc tham gia bảo vệ an ninh trật tự tại địa phương.

Ra mắt mô hình “Hội Nông dân tham gia, phối hợp đảm bảo an ninh trật tự”

“Với điều kiện một xã có đông đồng bào dân tộc thiểu số Khmer sinh sống, việc áp dụng mô hình thực sự mang lại hiệu quả, bởi không ai nắm địa bàn thông thuộc và thường xuyên hơn chính người dân cư trú tại đó. Thực tế, bất cứ dấu hiệu bất thường nào xuất hiện trong phum, sóc bà con đều phát hiện. Vì thế, họ sẽ là những “camera sống”, vì vậy, cần thực hiện tốt công tác tuyên truyền để người dân cùng tham gia với địa phương trong việc giữ gìn an ninh trật tự” - ông Phạm Văn Giang phân tích.

Nhiệm vụ của các tổ tự quản an ninh trật tự là khi có vụ việc xảy ra tại địa bàn quản lý thì phải nắm được thông tin, đối tượng có liên quan, thu giữ tang vật, vũ khí, tài liệu từ hoạt động vi phạm. Đồng thời, thông tin kịp thời cho Ban Chỉ đạo xã về diễn biến tình hình nơi diễn ra vụ việc. Những trường hợp phát hiện vi phạm quả tang như: cướp giật, móc túi, trộm đột nhập, đối tượng truy nã lẫn trốn trong khu dân cư thì phải tổ chức ngăn chặn kịp thời, giữ chân đối tượng và thu giữ tang vật, phương tiện vi phạm, kết hợp thông tin kịp thời cho lực lượng công an xử lý theo quy định pháp luật.

“Ngoài ra, các tổ tự quản an ninh trật tự chú ý nắm thông tin, biểu hiện, đi lại của những đối tượng lạ mặt xuất hiện tại địa phương, nhằm phát hiện kịp thời các trường hợp lợi dụng việc cư trú, tạm trú để hoạt động vi phạm pháp luật, qua đó làm tốt công tác phòng ngừa, tự quản trong khu dân cư. Chúng tôi yêu cầu công an viên phụ trách địa bàn thường xuyên trao đổi, thông tin tình hình phát sinh tại địa phương, đồng thời hỗ trợ các tổ tự quản an ninh trật tự hoạt động hiệu quả hơn” - ông Giang thông tin thêm.

Để mang lại hiệu quả lâu dài, Ban Chỉ đạo mô hình sẽ tiến hành họp đánh giá kết quả hoạt động mỗi quý. Trên cơ sở đó sẽ đúc kết kinh nghiệm, chấn chỉnh hoạt động của các tổ, tiếp tục phát huy hiệu quả của mô hình. Với những cá nhân, tổ chức thực hiện tốt sẽ được đề xuất khen thưởng thông qua tổng kết phong trào “Toàn dân bảo bệ an ninh Tổ quốc” hàng năm. “Dù mới triển khai nhưng mô hình đã cho thấy những kết quả tích cực. Chúng tôi sẽ vừa làm, vừa rút kinh nghiệm để nâng cao hơn nữa chất lượng hoạt động, góp phần thực hiện tốt mục tiêu đảm bảo an ninh trật tự, mang đến sự bình yên cho người dân địa phương, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số Khmer nơi phum, sóc”- ông Phạm Văn Giang xác định.

THANH TIẾN