Nữ nông dân sản xuất giỏi

21/07/2021 - 06:39

 - Nhờ chịu khó học hỏi, kết hợp sản xuất nhiều cây trồng phù hợp, chỉ với mảnh vườn khiêm tốn, bà Phạm Thị Kiếm (ngụ ấp Hòa Lợi, xã Phú Hiệp, huyện Phú Tân, tỉnh An Giang) đã có nguồn thu nhập ổn định. Từ hiệu quả sản xuất nhiều loại cây trồng và rau màu, bà Kiếm được Hội Nông dân xã xét chọn là một trong những nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi năm 2021.

Gia đình bà Phạm Thị Kiếm có 3.000m2 đất sản xuất, thời gian dài được đầu tư trồng cây ăn trái, chủ yếu là cây bưởi và chanh. Thấy năng suất cây trồng không cao, đầu ra hạn chế, bà rất trăn trở và dành thời gian nghiên cứu, tìm kiếm các loại cây trồng khác để thay thế. Khởi đầu là một số cây trồng ngắn ngày, bà Kiếm tìm hiểu kỹ về mô hình trồng cây măng tây và chuyển 700m2 để thử nghiệm. Phần diện tích còn lại được chia nhỏ trồng đủ loại: thiên lý, mía, chanh không hạt, chuối và các loại rau.

Bà Kiếm cho biết, nhờ trồng trọt đa dạng, giúp gia đình có được nguồn thu liên tục và “lấy ngắn nuôi dài” hiệu quả. Đa số cây trồng gần như tự lớn, tự khỏe vì chu kỳ thu hoạch nhanh, rất ít bị bệnh gây hại. Hàng ngày, chỉ tính việc thu hoạch hoa thiên lý và rau, trái cây đã đem lại nguồn thu nhập khoảng 300.000 đồng.

“Trước đây, tôi chọn bưởi và chanh lập vườn để phát triển làm cây trồng chủ lực, với kỳ vọng cây ăn trái lâu năm sẽ cho lợi nhuận cao, khai thác lâu dài. Tuy nhiên, hiệu quả kinh tế của 2 loại cây này mang lại không cao như mong đợi. Tôi thay dần những cây trồng ngắn ngày xen kẽ và mạnh dạn thử nghiệm giống cây mới và thấy hiệu quả cao hơn. Vì vậy, thời gian tới, tôi đã vững tin mở rộng phát triển mô hình này” - bà Kiếm chia sẻ.

Mô hình trồng nhiều loại cây trồng, rau màu mang lại hiệu quả kinh tế

Trước khi đạt được thành công này, nhiều câu hỏi đặt ra khiến bà Kiếm thường xuyên trăn trở: trồng cây gì, nuôi con gì, chăm sóc, thu hoạch ra sao, hiệu quả kinh tế như thế nào? Không có điều kiện tiếp cận nguồn sách, báo hướng dẫn kỹ thuật trồng trọt, kênh YouTube trở thành “người thầy” của bà trong thời gian tìm tòi mô hình sản xuất mới.

Thử nghiệm mỗi loại cây trồng, bà tham khảo rất nhiều nguồn, được nơi cung cấp giống hỗ trợ để làm quen với kỹ thuật ban đầu, kết hợp kinh nghiệm bản thân trong quá trình theo dõi, chăm sóc, nghiệm ra những đặc điểm phù hợp và không phù hợp khi so sánh điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu bản địa và sự đón nhận của thị trường.

Một trong những cây trồng mới được bà Kiếm tâm đắc là cây măng tây xanh. Vườn măng tây được thiết kế giăng dây, truyền ống tưới theo quy chuẩn. Từ khi chuyển đổi đến nay hơn 1 năm, bà Kiếm nhận xét cây măng tây khá dễ trồng, sinh trưởng tốt trên nền đất pha cát, bón phân hữu cơ và nước sạch. Với 2.000 cây măng tây, sau 8 tháng trồng, bắt đầu cho thu hoạch.

Theo quá trình sinh trưởng, măng tây cho sản lượng tăng dần, giai đoạn đầu thu hoạch được 2kg/ngày đến nay đã tăng lên 5kg/ngày, toàn bộ mang tây sau khi được thu hoạch, bạn hàng sẽ đến tận nơi để thu mua với giá 70.000 đồng/kg. Trong quá trình chăm sóc, bà trộn thêm tro trấu và phân bò để tăng độ mùn cho đất. Măng tây là loại rau màu sạch, giàu dinh dưỡng, đọt măng mọc lên rất nhanh nên có thể cắt bán mỗi ngày trong suốt chu kỳ thu hoạch. Cây măng tây chủ yếu sinh trưởng trong đêm nên phải thu hoạch từ sáng sớm để cây chưa kịp lên bông, thành phẩm tươi, giòn.

Tất cả cây trồng trong vườn được bà Kiếm chăm sóc theo phương châm: sạch, an toàn, chỉ sử dụng phân chuồng ủ từ 1 tháng trở lên, không cần đến phân bón, thuốc hóa học. Sản phẩm thu hoạch có thương lái đến tận nơi thu mua hoặc bán lẻ. Riêng măng tây, hiện nay, bà Kiếm mở rộng lên diện tích 1.000m2. Mô hình măng tây xanh chiếm số lượng vượt trội nhất, là cây trồng mới ở địa phương, tuy là mô hình tự phát bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế, nhưng về lâu dài bà Kiếm mong muốn được địa phương hỗ trợ kỹ thuật chuyên môn và tìm kiếm đầu ra ổn định giúp bà Kiếm an tâm mở rộng diện tích sản xuất.

Sau thời gian “loay hoay” tìm kiếm mô hình sản xuất phù hợp, mô hình trồng trọt đa dạng nhiều loại cây trồng, rau màu hiện tại được bà Kiếm xác định cho hiệu quả lý tưởng, đem lại nguồn thu nhập ổn định khoảng 10 triệu đồng/tháng. Với tinh thần không ngại khó, bước đầu bà Kiếm đã “biến” mảnh vườn của mình trở nên có giá trị kinh tế hơn, từng khoảng trống của khu đất được tận dụng triệt để nhằm phát triển nhiều loại cây trồng và rau màu phù hợp, vừa cung cấp bữa ăn, vừa tạo nguồn thu nhập ổn định cho gia đình.

Bà Kiếm cho biết, bản thân rất thích những loại cây trồng mới, bởi nông sản càng ít “đụng hàng” càng dễ bán và bán được giá cao. Vì vậy, ngoài cây măng tây, bà thử nghiệm trồng thêm dâu tây Đà Lạt, nhãn xuồng cơm vàng nhằm chuyển đổi phần diện tích đất sản xuất còn lại của gia đình.

MỸ HẠNH