Nước mắt muộn màng

16/03/2022 - 03:19

 - Khi nghe đại diện Viện Kiểm sát Quân sự khu vực 92 (Quân khu 9) đề nghị Hội đồng xét xử xử phạt tù, Võ Văn Sơn (sinh năm 1984, ngụ ấp Tân Đức, xã Tân Tuyến, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang) hốt hoảng nói lời nói sau cùng, bày tỏ nguyện vọng được hưởng án treo. Bị bác bỏ, bị cáo ngồi chờ nghị án với gương mặt thất thần, ánh mắt đỏ hoe.

Không biết chữ, Sơn sống quẩn quanh ở lâm trường (xã Tân Tuyến, thuộc quản lý của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh An Giang), mưu sinh bằng nghề đánh bắt cá. Thương hoàn cảnh khó khăn của Sơn, nhưng cán bộ quản lý lâm trường vẫn nhắc nhở, ngăn chặn hành vi tận diệt môi trường sinh thái bằng xuyệt điện. Tiếc rằng, vì lợi nhuận của bản thân, Sơn ngang nhiên vào lâm trường đánh bắt cá trái phép. Tháng 9-2020, cán bộ quản lý lâm trường phát hiện quả tang, tạm giữ xe môtô của Sơn, bàn giao Công an xã Tân Tuyến giải quyết, xem như biện pháp mạnh để răn đe, giáo dục.

Trưa 19-9-2020, Sơn đi đám giỗ trong họ tộc. Ngồi cùng bàn với anh em họ hàng, gồm: Đỗ Văn Thao (sinh năm 1987), Võ Văn Thọ (sinh năm 1980), Dương Văn Lợi (sinh năm 1993), Sơn nhắc lại chuyện bị bắt giữ xe mấy ngày trước. Mọi người nghe xong để đó, không ai ý kiến gì. Sau khi tiệc tàn, Sơn nhờ vợ (bà Thái Thị T.) chở về nhà. Vẫn cảm thấy ấm ức trong lòng, Sơn gọi điện thoại cho Phạm Hồng Trạng (sinh năm 1988, nhân viên hợp đồng của lâm trường) “xin lại xe”. Trạng giải thích và đề nghị Sơn liên hệ Công an xã để được giải quyết.

Các bị cáo từ trái sang: Thọ, Sơn, Lợi, Thao

Nhất quyết đòi xe cho bằng được, Sơn đi bộ (nhưng đội sẵn nón bảo hiểm) đến lâm trường. Thấy không ổn, bà T. gọi điện thoại nhờ người can ngăn chồng mình. Trong thời gian này, Sơn gọi cho Trạng lần nữa, mà không được. Vừa lúc gặp Thao, Thọ, Lợi và một số người khác đi tới, Sơn chửi thề, nói “Thu xe của tao 3 ngày không trả”, rồi đi vào sân lâm trường.

“Nghe tiếng ồn, tôi bước ra. Thấy bị cáo Sơn đã say rượu, tôi kêu “về đi, tỉnh rượu nói”. Ai ngờ, Sơn tháo nón bảo hiểm, nhào đến đánh tôi. Các bị cáo khác tham gia đánh bằng tay, cây tràm, đá… đến mức tôi té xỉu, không còn biết gì nữa” - ông Trần Văn Mỹ (sinh năm 1978, nhân viên hợp đồng của lâm trường) cho biết. Hậu quả, ông Mỹ bị thương tật 12%. Riêng Trạng, một lúc sau biết chuyện, đến can ngăn đám đông, bị Lợi đánh, tỷ lệ thương tật 2%. Tương tự, Nguyễn Minh Tính (sinh năm 1996, người mua bán tràm với lâm trường) bị “vạ lây”, nhưng may mắn không có thương tích.

Về sau, Trạng tự nguyện rút đơn yêu cầu xử lý hình sự đối với Lợi. Vì vậy, Lợi không bị truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi này. Tuy nhiên, hành vi gây thương tích cho ông Mỹ khiến Sơn, Thao, Thọ, Lợi bị Viện Kiểm sát Quân sự khu vực 92 truy tố về tội “Cố ý gây thương tích” (có tính chất côn đồ).

Không bị tạm giam, mà chỉ bị áp dụng biện pháp ngăn chặn “Cấm đi khỏi nơi cư trú” (đến ngày 1-7-2021), vụ án lại xảy ra nhiều tháng trước, ký ức dần phai nhạt, cuộc sống của 4 bị can dường như “trở lại bình thường”. Khi dịch bệnh COVID-19 tạm ổn, ngày 10-3-2022, Tòa án Quân sự khu vực Quân khu 9 triệu tập các bị cáo đến UBND xã Tân Tuyến tham dự phiên tòa sơ thẩm xét xử lưu động. Lúc đầu, họ trả lời không nhất quán với lời khai trong quá trình điều tra, vì gây án khi xỉn rượu, lâu quá nên “nhớ nhớ quên quên”. Trong 4 bị cáo, có 2 người mù chữ, người học cao nhất chỉ đến lớp 6. Nhận thức pháp luật của họ rất thấp, dẫn đến hành vi phạm tội nghiêm trọng, gây nhiều tiếc nuối cho người dự khán.

Trước khi Hội đồng xét xử nghỉ nghị án, Sơn và Thao xin được cho hưởng án treo. Đại diện Viện Kiểm sát khẳng định, cả 2 không nằm trong đối tượng được hưởng án treo theo luật định, vì hành vi có tính chất côn đồ. Giờ nghỉ giải lao, Sơn thẫn thờ ngồi bệt xuống đất, nước mắt ầng ậng: “Con tôi còn nhỏ, vợ đâu nghề nghiệp gì. Tôi mà đi tù thì vợ con ở nhà không ai lo hết, sống làm sao được!”. Bà T. đứng cạnh chồng, lời trách xen lẫn nghẹn ngào: “Tôi nói với ổng rồi, xỉn ở nhà ngủ đi. Ổng nghe lời tôi thì đâu có chuyện xảy ra. Một hai không chịu, đòi đi lấy xe cho bằng được!”. Thao đổ lỗi: “Tôi đi theo can ngăn ông, mà giờ bị ở tù lây đó!”.

Kết thúc phiên tòa, bị cáo Sơn nhận mức án 3 năm tù, mỗi bị cáo còn lại nhận 2,5 năm tù, cùng về tội “Cố ý gây thương tích” theo Điểm đ, Khoản 2, Điều 134 Bộ luật Hình sự. Khi chủ tọa tuyên bố kết thúc phiên tòa, các bị cáo vẫn ngồi yên trên ghế, ngơ ngác tiếp nhận mức án của mình. Họ chỉ còn ít ngày để sắp xếp chuyện gia đình, sau đó thi hành án, trả giá cho sai lầm không đáng có.

Sẽ còn nhiều giọt nước mắt tuôn rơi, nhiều trách móc trong gia đình, người thân và người có liên quan đến các bị cáo. Nhưng đây sẽ là bài học nghiêm khắc, cảnh tỉnh mọi người: Đừng mượn rượu làm càn, giải quyết vướng mắc trong cuộc sống bằng thái độ hung hăng. Nghèo khó, thiếu hiểu biết như các bị cáo rất đáng thương. Nhưng họ không thể lấy những điều ấy biện minh, giảm nhẹ sai phạm cho mình. Bởi, trước pháp luật, mọi người đều bình đẳng!

Bài, ảnh: GIA KHÁNH